Lực lượng Hải quan:

Kiểm soát chặt tiền chất, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy

20:18 | 20/12/2021 Print
(TBTCO) - Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, hiện nay, tình hình tội phạm nhập khẩu tiền chất về để điều chế, sản xuất ma túy ở trong nước có dấu hiệu ngày càng phức tạp. Vấn đề quản lý tính hai mặt của tiền chất đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với lực lượng chức năng, trong đó có ngành Hải quan.

Phát hiện nhiều vụ buôn lậu tiền chất

Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, cùng với việc đấu tranh với tội phạm buôn lậu ma túy, ngành Hải quan cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc kiểm soát các loại tiền chất. Thống kê của Cục Điều tra chống buôn lậu cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trong các năm vẫn tiếp tục tăng, trung bình 10%/năm.

Điều đáng nói là việc cấp phép cho hoạt động nhập khẩu tiền chất của các cơ quan chức năng khá lỏng lẻo và không thực hiện hậu kiểm chặt chẽ. Trên thực tế, có những doanh nghiệp nhập khẩu tiền chất, khi hải quan phát hiện, bắt giữ mới xin cấp phép bổ sung. Hay có nhiều trường hợp giấy phép nhập khẩu tiền chất của doanh nghiệp không có địa chỉ trụ sở rõ ràng nhưng vẫn được cấp phép hoặc cấp phép sau khi nhập khẩu.

Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan trong việc kiểm soát tiền chất. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan trong việc kiểm soát tiền chất. Ảnh: Phương Thảo

Điển hình, năm 2020, Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực miền Bắc - Đội 5 (Cục Điều tra chống buôn) đã phát hiện 2 vụ buôn lậu tiền chất. Trước đó, chúng ta vẫn chưa quên vụ việc điển hình diễn ra năm 2019, lực lượng chức năng đã triệt phá một điểm sản xuất tiền chất ma túy lớn tại Kon Tum của một số đối tượng người Trung Quốc. Qua đó đã thu giữ khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất và máy móc, thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy.

Được biết, hiện các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất y tế chủ yếu tập trung tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng qua các cửa khẩu đường hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Nội Bài và đường biển, chủ yếu là thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, tiền chất như: Codeine phosphate, Diazepam Hameln, Codeine Base, Ephedrine, Epherine... Đối với tiền chất công nghiệp, ngoài một số ít tiền chất Việt Nam tự sản xuất được như H2SO4, HCl, Toluene, Acetone, chủ yếu các loại tiền chất đều được nhập khẩu để phục vụ sản xuất, kinh doanh tại các khu chế xuất và khu công nghiệp, nguồn nhập khẩu nhiều nhất từ Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Pháp, Ấn Độ...

Cần sự chung tay của các bộ, ngành

Để kiểm soát tiền chất, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 6197/KH-TCHQ về tăng cường công tác kiểm soát ma túy, tiền chất trong hải quan; thực hiện ở tất cả các khâu trong quy trình nghiệp vụ hải quan như tiếp nhận hồ sơ phân tích rủi ro, phân luồng, giám sát, kiểm tra, kiểm định. Đặc biệt, yêu cầu các đơn vị nâng cao khả năng phát hiện ma túy, tiền chất ở khâu kiểm tra trong và sau thông quan hàng hóa.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế đẩy lùi ma túy, tiền chất

Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong việc xây dựng các kế hoạch, phương án và hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo toàn ngành về công tác kiểm soát ma tuý và tiền chất của ngành Hải quan.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu, lực lượng Hải quan tham gia các hoạt động trong khuôn khổ dự án hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy và tăng cường công tác hợp tác quốc tế với Hải quan các nước, cơ quan phòng chống ma túy của Mỹ, cơ quan cảnh sát Liên bang Úc, Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Lào, Cămpuchia, Văn phòng đại diện Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp quốc tại Hà Nội, Văn phòng tình báo Hải quan khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Văn phòng liên lạc qua biên giới trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý, mua bán, vận chuyển trái phép các loại tiền chất ma tuý.

Mới đây, Tổng cục Hải quan phối hợp với Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế của Liên Hợp quốc tổ chức khóa đào tạo hướng dẫn sử dụng Hệ thống trao đổi thông tin về các vụ việc liên quan đến các chất nguy hiểm và Hệ thống trao đổi thông tin về các vụ việc liên quan đến tiền chất.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị chủ động có giải pháp kịp thời ngăn chặn, không để cho tội phạm ma túy lợi dụng các chính sách ưu đãi về thương mại, đầu tư, du lịch, quản lý tiền chất trong công nghiệp, y tế và các quy trình, quy định nghiệp vụ hải quan để vận chuyển ma túy qua các khu vực kiểm soát hải quan hoặc đưa các phương tiện, dụng cụ, tiền chất để sản xuất ma túy trong địa bàn kiểm soát hải quan, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị Hải quan khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung rà soát, thường xuyên tuần tra, kiểm soát trong khu công nghiệp, khu chế xuất để nắm tình hình về doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng tiền chất để sản xuất; tiếp tục làm tốt công tác thu thập, phân tích thông tin trong và ngoài nước, công tác điều tra cơ bản, xác minh các đối tượng, phương tiện có liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý, tiền chất để xác lập các chuyên án đấu tranh với tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua địa bàn hoạt động Hải quan.

Mặt khác, lực lượng Hải quan đã và đang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương trong công tác kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, sử dụng tiền chất, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma tuý.

Đặc biệt, để công tác đấu tranh với việc nhập lậu và sử dụng tiền chất không đúng mục đích, thậm chí lợi dụng vào sản xuất ma túy, ngành Hải quan đề nghị cơ quan quản lý chuyên ngành như Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… cần nâng cao trách nhiệm, quản lý chặt từ khâu cấp phép tiền chất đến hậu kiểm việc sử dụng tiền chất, không để thất thoát vào các mục đích bất hợp pháp.

Sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Nghị định này được thi hành kể từ ngày 29/5/2020.

Trong đó, Nghị định chuyển chất số 398 “Thuốc phiện và các chế phẩm từ thuốc phiện” thuộc Danh mục IID trong Danh mục II các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền sang Danh mục ID thuộc Danh mục I các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội. Việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Nghị định bổ sung 26 chất vào Danh mục IIC các chất và muối có thể tồn tại trong Danh mục II; bổ sung mã CAS của 40 chất trong Danh mục IIC; đồng thời bỏ 3 chất ma túy (AMB-FUBINACA; MMB-PICA; MMB-PINACA) ra khỏi Danh mục IIC.

Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung 2 chất (Etizolam; Flualprazolam) vào Danh mục III - các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Đối với Danh mục IV các tiền chất, Nghị định bổ sung 13 chất vào Danh mục IVA các tiền chất thiết yếu, tham gia vào cấu trúc chất ma túy.

Tố Uyên - Phương Thảo

© Thời báo Tài chính Việt Nam