Phú Thọ: Phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa

07:38 | 21/12/2021 Print
(TBTCO) - UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu hỗ trợ tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển các sáng chế, giải pháp hữu ích mang lại hiệu quả thiết thực góp phần làm tăng năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp và người dân.

Lợi ích kinh tế từ chương trình phát triển tài sản trí tuệ

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ, sau 5 năm thực hiện, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần nâng cao nhận thức và năng lực sở hữu trí tuệ cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó nâng giá trị, sức cạnh tranh đối với nhiều sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của tỉnh.

Phú Thọ: Phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa
Sản phẩm "Rau an toàn Tứ xã" được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ảnh: CTV

Nhờ vào quy trình kiểm tra, quản lý nghiêm ngặt để được cấp chứng nhận bảo hộ sản phẩm, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp từ chỗ bắt buộc phải tuân thủ đã biến thành lợi thế để nâng cao chất lượng sản phẩm của đơn vị mình, tăng giá trị của sản phẩm và được quảng bá ra thị trường rộng hơn.

Điển hình như sản phẩm gà nhiều cựa huyện Tân Sơn sau xác lập nhãn hiệu tập thể năm 2018 giá bán tăng cao gấp 2 - 3 lần; sản lượng tiêu thụ tăng lên đáng kể, quy mô tăng từ 18.000 con năm 2016 lên gần 30.000 con năm 2020, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn huyện Tân Sơn.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn, sau khi được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, huyện Tân Sơn đã phát triển giống gà nhiều cựa với quy mô lớn trên toàn huyện. Giai đoạn 2019 - 2025, 2 sản phẩm của huyện là gà nhiều cựa và bò thịt đã được UBND tỉnh phê duyệt, hỗ trợ phát triển theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đối với các ngành hàng chủ lực, ngành hàng tiềm năng, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đây là điểm tựa và là động lực giúp người dân vùng cao mở hướng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đã khảo sát, xác định được 118 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, có lợi thế của tỉnh. Hỗ trợ cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 320 sản phẩm hàng hóa. Hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu cho 305 sản phẩm, trong đó có 37 nhãn hiệu được hỗ trợ tạo lập thông qua các dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia và cấp tỉnh; 268 nhãn hiệu do tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tự xác lập.

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ, các sản phẩm của tỉnh sau khi được xác lập, bảo hộ sở hữu trí tuệ đã thực sự phát huy hiệu quả, đẩy mạnh quảng bá rộng rãi trên thị trường.

Cụ thể, như Hợp tác xã dịch vụ sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã - xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, trước khi được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, việc tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm rất vất vả và mất nhiều thời gian. Sau khi dự án sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Rau an toàn Tứ Xã” được triển khai năm 2018, sản phẩm đã được giới thiệu, cung cấp cho một số nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp, nhà ăn của các trường học, cơ quan, đơn vị và được đưa vào các hệ thống siêu thị Vinmart, Coopmart, BigC trên địa bàn tỉnh, và một số chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội.

Tăng số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ gấp 1,5 - 2 lần

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ cũng đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ được triển khai trong 5 năm qua cũng bộc lộ những hạn chế như số lượng sản phẩm được đăng ký bảo hộ còn chưa nhiều, đặc biệt là tỷ lệ sản phẩm chủ lực, đặc trưng, có lợi thế của tỉnh được xác lập bảo hộ còn thấp so với tổng số sản phẩm có nhu cầu, mới có 37/118 sản phẩm có nhu cầu được bảo hộ. Kết quả tự xác lập bảo hộ đối với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng có lợi thế của tỉnh tại các địa phương còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua các dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Trên cơ sở chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời để khắc phục những hạn chế của giai đoạn 2015 - 2020, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.

UBND tỉnh Phú Thọ đặt ra mục tiêu cụ thể là số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 tăng từ 1,5 - 2 lần so với giai đoạn 2016 - 2020; giai đoạn 2026 - 2030 tăng từ 1,5 - 2 lần so với giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp tục nâng cao nhận thức, năng lực về sở hữu trí tuệ cho các tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của tỉnh. Tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Thúc đẩy và nâng cao hiệu quả bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, chương trình sẽ ưu tiên hỗ trợ tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển các sáng chế, giải pháp hữu ích mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh, trong đó tập trung hỗ trợ tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù, có lợi thế của tỉnh gắn với thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trọng tâm là chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Phú Thọ.

Đồng thời, chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân trên địa bàn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với phát triển kinh tế - xã hội./.

Phúc Hải

© Thời báo Tài chính Việt Nam