TP. Hồ Chí Minh hiện thực hóa 1 triệu căn nhà giá thấp cho công nhân

12:32 | 20/12/2021 Print
(TBTCO) - UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh cần khoảng 566.983 tỷ đồng, với 974,4 ha đất để xây dựng nhà ở thương mại và nhà ở xã hội phục vụ công nhân.

Dành 974,4 ha đất để xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội

5 năm qua, TP. Hồ Chí Minh phát triển được thêm gần 15.000 căn nhà, nâng tổng số nhà ở xã hội hiện nay lên 18.000 căn. Trong nửa đầu năm 2021, có hơn 10 dự án nhà ở được Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh xác nhận đủ điều kiện huy động vốn nhưng phân khúc căn hộ bình dân hay nhà ở xã hội đều không xuất hiện.

Bên cạnh đó, hiện nay TP. Hồ Chí Minh có tổng cộng 34.670 căn nhà trọ, 330.174 phòng trọ với tổng diện tích sàn xây dựng gần 5,6 triệu m2 do người dân tự xây. Tuy nhiên, con số này chỉ đáp ứng được một phần nào nhu cầu nhà ở của công nhân, người có thu nhập thấp.

TP. Hồ Chí Minh hiện thực hóa 1 triệu căn nhà giá thấp cho công nhân
Để hoàn thành mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, TP. Hồ Chí Minh dự kiến dành khoảng trên 566 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tuấn Nguyễn

Để phát triển nhà ở xã hội hay nhà ở giá thấp cho người lao động thu nhập thấp, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể về chỉ tiêu phát triển nhà giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đặt mục tiêu tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm tối thiểu giai đoạn 2021 - 2025 là 50 triệu m2 sàn; diện tích nhà ở bình quân đầu người đến năm 2025 tối thiểu là 23,5m2/người; trong giai đoạn 2021 - 2025, nhà ở riêng lẻ do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng tăng thêm khoảng gần 32 triệu m2.

Nhà ở trong các dự án không kể nhà ở xã hội tăng thêm khoảng 15,5 triệu m2 sàn xây dựng, trong đó, tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phấn đấu đạt tối thiểu 90% tổng số căn. Nhà ở xã hội tăng thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn.

Về diện tích đất để xây dựng nhà ở thương mại và nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025 là 974,4ha.

Dự kiến vốn để phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021 - 2025 vào khoảng 566.983 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư xây dựng phát triển nhà ở thương mại là khoảng 239.748 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình, cá nhân là khoảng 289.542 tỷ đồng; vốn đầu tư nhà ở xã hội tối thiểu là khoảng 37.693 tỷ đồng.

Hai yếu tố khả thi của kế hoạch 1 triệu ngôi nhà giá rẻ

Nhận định về kế hoạch phát triển nhà ở giá thấp cho công nhân, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, phân tích ở góc độ thực tiễn có hai yếu tố sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của kế hoạch phát triển một triệu ngôi nhà giá rẻ dành cho người lao động, đó là quỹ đất và thời gian thực hiện.

Với yếu tố thứ nhất - quỹ đất, đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng cấu thành lên giá thành sản phẩm, tính hiệu quả của dự án bởi vì nếu các doanh nghiệp tự đi “làm đất” – nghĩa là đi mua đất và làm những thủ tục để giao lại cho thành phố, sau đó thành phố giao lại cho các dự án thì giá đất rất cao và mất nhiều thời gian, sẽ khó thực hiện được. Nếu chính quyền thành phố có sẵn quỹ đất để giao cho doanh nghiệp triển khai dự án thì sẽ khả thi hơn. Về vị trí, dễ thấy rằng các dự án động sản nhà ở cho những người có thu nhập thấp sẽ không đạt được những vị trí như các dự án bất động sản thương mại.

Còn với yếu tố thứ hai, liên quan vấn đề về thời gian thực hiện, với trọng tâm là các vấn đề pháp lý, việc cấp phép, phê duyệt cần phải thần tốc thì mới giải quyết được bài toán trong 2022 đạt được chỉ tiêu một triệu căn hộ – một chỉ tiêu khá thử thách.

Cụ thể hơn, trong vấn đề về quỹ đất, bất kỳ dự án nhà ở nào đều cần đạt được những yêu cầu cơ bản của các chỉ tiêu xây dựng của Việt Nam về nhà ở đô thị, như cơ sở hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế…), và cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường xá, giao thông…). TS. Khương chia sẻ: Câu chuyện đặt ra hiện tại ở TP. Hồ Chí Minh là quỹ đất ở trung tâm Quận 1, Quận 3, Quận 7 đã không còn. Do vậy, có thể cân nhắc hai phương án, một là hướng sử dụng quỹ đất đã dự trù sẵn từ trước tại những khu vực này để dành cho những dự án nhà ở giả rẻ.

Thứ hai là có thể lựa chọn những khu vực ngoài trung tâm như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi…vì đây là có những quỹ đất trống phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề về khoảng cách đi lại giữa nơi làm việc và nơi sinh sống cũng là điều cần phải tính toán, nhằm đảm bảo đời sống an sinh, đi lại, công việc của người dân. Liên quan đến bài toán kinh tế đô thị, người dân ở đó làm gì, ở đâu là câu chuyện mà Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ xây dựng và là đơn vị tham mưu cho UBND Thành phố. Điều này có thể thực hiện được, theo ông Khương, nếu các sở, ban, ngành có một quyết tâm và định hướng cũng như chỉ đạo sát sao./.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam