Kế toán, kiểm toán trong hội nhập kinh tế quốc tế

07:48 | 23/12/2021 Print
Theo các chuyên gia, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo… là giải pháp thực tiễn trong việc triển khai lộ trình hội nhập quốc tế về kế toán, kiểm toán cũng như thực tế triển khai ở các đơn vị.
Kế toán, kiểm toán và tài chính doanh nghiệp trong nền kinh tế số Phối hợp 3 bên trong đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán chất lượng cao

Chiều 22/12, Học viện Tài chính và các trường đại học thuộc Câu lạc bộ khối đào tạo Tài chính - kế toán thuộc Hịệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam, phối hợp với Cục Quản lý và giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), Trường Đại học Tài chính - Marketing tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Kế toán trong Hội nhập kinh tế quốc tế” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Kế toán, kiểm toán trong hội nhập kinh tế quốc tế
PGS.TS Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Việt Nam có một khung pháp lý kế toán tương đối hoàn chỉnh

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, Việt Nam đang trong tiến hình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, hội nhập về lĩnh vực kế toán, kiểm toán luôn được đặt ra như một trọng tâm. Thực hiện các cam kết trong tiến trình hội nhập, Bộ Tài chính đang triển khai đề án áp dụng hệ thống chuẩn báo cáo tài chính ở Việt Nam theo Quyết định số 345/QĐ - BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, khuôn khổ pháp lý và thực tiễn về kế toán của Việt Nam dự kiến sẽ có những đổi mới một cách căn bản, toàn diện kể cả trong khu vực công và khu vực doanh nghiệp.

Một mặt, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kế toán công của Việt Nam với định hướng tiệm cận nhất với các chuẩn mực quốc tế về báo cáo tài chính, chuẩn mực kế toán công quốc tế đồng thời có sự chọn lọc, điều chỉnh với điều kiện thực tiễn về thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam cũng chủ trương áp dụng hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) với lộ trình cho phép các doanh nghiệp áp dụng một cách tự nguyện (giai đoạn 2022 - 2025) và áp dụng bắt buộc cho các nhóm doanh nghiệp nhất định có đủ điều kiện (giai đoạn sau 2025).

Theo PGS.TS Trương Thị Thủy, lộ trình hội nhập đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống kế toán Việt Nam trên tất cả các phương diện như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán cũng như các chính sách quản lý kinh tế, tài chính có liên quan; chuẩn bị nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán có chất lượng cao, có năng lực phù hợp; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán tại các cơ sở giáo dục cũng như đào tạo lực lượng kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề.

Chia sẻ về định hướng phát triển kế toán, kiểm toán giai đoạn 2021-2030, TS. Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, liên quan khuôn khổ pháp lý, với bối cảnh thực trạng hiện nay, Việt Nam có một khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh, từ Luật Kế toán, nghị định, thông tư hướng dẫn, các chế độ kế toán, ban hành các hệ thống chuẩn mực. Trong thời gian tới, với yêu cầu của cách mạng công nghệ và những nội dung về quản lý nhà nước, cũng như điều kiện phát triển kinh tế mới, Việt Nam cần phải đánh giá và sửa đổi, bổ sung nội dung Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập.

Đối với Luật Kiểm toán độc lập, có thể tính tới ban hành Luật CPA là luật theo quốc tế mà các nước hiện đang áp dụng. Đối với luật này, Việt Nam phải lưu ý nội dung phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin, xác định rõ mối quan hệ giữa các đơn vị kế toán, đặc biệt là vai trò của kế toán trưởng trong công tác quản lý tại các đơn vị. Với các nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn tập trung vào những nội dung phù hợp với bối cảnh mới như lưu trữ tài liệu trong môi trường điện tử, lưu chuyển thông tin, chữ ký số…

Kế toán, kiểm toán trong hội nhập kinh tế quốc tế
TS. Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) phát biểu tại hội thảo.

Xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận Chuẩn mực Kế toán công quốc tế

Theo TS. Vũ Đức Chính, hiện Việt Nam triển khai kiểm toán nội bộ trong khu vực doanh nghiệp, các chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập có quy mô lớn. Hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán góp phần hoàn chỉnh khung pháp lý về kế toán, kiểm toán Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã có khung tương đối đầy đủ, trong thời gian tới, theo mục tiêu chiến lược sẽ hoàn thiện đầy đủ hơn theo chuẩn mực của Việt Nam. Mục tiêu tiếp theo, tăng cường hoạt động quản lý, giám sát để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức cả ở trong khu vực công và khu vực tư…

Còn theo TS. Ngô Thị Thùy Quyên - Học viện Tài chính, việc phát triển kế toán công Việt Nam hướng theo thông lệ quốc tế, phù hợp với Chuẩn mực Kế toán công quốc tế (IPSAS) là điều tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Điều này càng trở nên cấp thiết khi Bộ Tài chính Việt Nam vừa công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam (VPSAS) đầu tiên theo Quyết định 1676/QĐ-BTC ngày 1/9/2021.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy chưa có nhiều các cơ sở đào tạo đại học (nơi cung cấp nguồn nhân lực đầu ra có chất lượng cao cho xã hội) có chương trình đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành kế toán công, dẫn đến phần lớn sinh viên khi ra trường chưa được trang bị kiến thức về kế toán công, IPSAS và VPSAS. Những người làm công tác kế toán tại các đơn vị kế toán công trước đây cũng chưa được đào tạo IPSAS, VPSAS. Một vài tổ chức nghề nghiệp quốc tế như ACCA, ICAEW, CPA Australia có chương trình đào tạo kế toán quốc tế, nhưng không chú trọng tới kế toán khu vực công, hơn nữa, số lượng người tham dự chưa nhiều, chưa phổ biến rộng.

TS. Ngô Thị Thùy Quyên cho rằng, thực tế cho thấy việc tiến tới áp dụng IPSAS, thông qua xây dựng, ban hành và áp dụng VPSAS phải được đi cùng với kế hoạch đào tạo kế toán - một vấn đề được coi là chìa khóa cho sự thành công trong quá trình hướng về IPSAS. Do đó, rất cần thiết phải xây dựng chương trình giảng dạy theo hướng tiếp cận IPSAS, VPSAS tại các cơ sở đào tạo đại học nhằm đáp ứng được yêu cầu hội nhập…/.

Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận 2 nội dụng: Các nội dung liên quan đến kế toán khu vực công như khuôn khổ pháp lý về kế toán ở Việt Nam và khuyến nghị định hướng tương lai; Báo cáo tài chính nhà nước, Chuẩn mực kế toán công, chế độ kế toán các đơn vị khu vực công; kiểm soát và kiểm toán nội bộ, kiểm toán nhà nước…

Các nội dung liên quan đến kế toán doanh nghiệp: Khuôn khổ pháp lý về kế toán doanh nghiệp ở Việt Nam; Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, chế độ kế toán doanh nghiệp, kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ… Ban tổ chức đã nhận được gần 40 bài tham luận, báo cáo đã được lựa chọn đăng trong kỉ yếu của hội thảo.

Đức Việt

© Thời báo Tài chính Việt Nam