Đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán: “Lợi ích kép” từ phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường

22:53 | 26/12/2021 Print
(TBTCO) - Việc phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán sẽ mang lại lợi ích kép cho cả doanh nghiệp và nhà trường khi tận dụng được thế mạnh của mỗi bên. Qua đó, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng và đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng có tiêu chuẩn tuyển dụng cao.

Đây là nhận định của bà Hoàng Thị Nga – Trưởng bộ phận phụ trách tuyển dụng mảng Campus (Công ty KPMG Việt Nam) khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN xung quanh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

*PV: Bà đánh giá thế nào về chất lượng nguồn nhân lực ngành kế toán, kiểm toán, tài chính của Việt Nam?

Bà Hoàng Thị Nga: Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển và hội nhập với thế giới, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài được thành lập tại Việt Nam kéo theo hàng loạt nhu cầu tuyển dụng nhân sự mà vị trí kế toán tài chính là một trong những vị trí chủ chốt cần phải có trong cơ cấu vận hành của doanh nghiệp.

Các trường đại học trong nước chuyên đào tạo kế toán, kiểm toán cũng đã nhạy bén nắm bắt xu thế và thực hiện đổi mới cả nội dung và chương trình đào tạo cử nhân kế toán, kiểm toán và tài chính, ứng dụng các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế, hay đưa vào chương trình giảng dạy một số môn học của các tổ chức nghề nghiệp kế toán quốc tế. Nhờ đó, năng lực và kiến thức chuyên môn của các sinh viên theo học ngành kế toán, kiểm toán và tài chính cũng được nâng cao hơn nhiều so với trước đây.

Đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán: “Lợi ích kép” từ phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường

Một số sinh viên được định hướng nghề nghiệp, trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp qua học bổng của Chương trình KPMG - ICAEW S.T.A.R. Ảnh: Tư liệu

*PV: Được biết KPMG có thực hiện chương trình phối hợp với một số trường trong đào tạo nhân lực ngành kế toán, kiểm toán, tài chính. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về sự phối hợp này?

Bà Hoàng Thị Nga: Đúng vậy. KPMG đã và đang đồng hành với rất nhiều các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng cũng như các tổ chức nghề nghiệp trong việc hỗ trợ sinh viên, từ định hướng nghề nghiệp, chia sẻ kiến thức tại giảng đường hay các khóa đào tạo kỹ năng mềm, các chuyến tham quan thực tế tại văn phòng KPMG, đến việc xây dựng các chương trình thực tập sinh để giúp các bạn sinh viên có những trải nghiệm thực tế và tự tin, sẵn sàng hơn cho các lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Chương trình phối hợp này sẽ giúp cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng có tiêu chuẩn tuyển dụng cao, trong đó có KPMG. Do đó, nó mang lại lợi ích kép cho cả doanh nghiệp và nhà trường khi tận dụng được thế mạnh của mỗi bên.

*PV: Những sinh viên tham gia chương trình của KPMG sẽ trực tiếp thực tập tại KPMG và có thể trở thành nhân sự tại KPMG sau đó. Bà đánh giá thế nào về hiệu quả của việc cho sinh viên thực tập tại chính doanh nghiệp và sau đó tuyển dụng luôn nguồn lực này? Đã có bao nhiêu sinh viên được KPMG tuyển dụng theo hình thức này?

Bà Hoàng Thị Nga: Các bạn sinh viên sau khi được tuyển chọn vào chương trình Thực tập sinh của KPMG đều có cơ hội trở thành nhân viên chính thức của công ty chúng tôi. Ưu thế lớn nhất của các bạn thực tập sinh là sự trải nghiệm công việc, quan sát môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp, cũng như tiếp xúc với đồng nghiệp, dự án khách hàng thực tế, và hiểu được văn hóa của KPMG.

“Lợi ích kép” từ việc phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán
Bà Hoàng Thị Nga (KPMG Việt Nam)

Cho đến nay, tỷ lệ thực tập sinh được tuyển dụng chính thức tại KPMG hàng năm gần như tuyệt đối, cho thấy mức độ cam kết và hài lòng cao của cả công ty và các bạn sinh viên được tuyển chọn. Điều này cũng cho thấy mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo nhân lực chất lượng cao của KPMG đã đem lại những hiệu quả rất tích cực.

*PV: Bà có chia sẻ gì với công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành kế toán, kiểm toán của Việt Nam để đáp ứng yêu cầu và hòa nhập với thị trường lao động quốc tế?

Bà Hoàng Thị Nga: Với vai trò là một trong những doanh nghiệp tuyển dụng số lượng lớn sinh viên các ngành kế toán, kiểm toán và tài chính cũng như các ngành nghề khác hàng năm, KPMG mong muốn có thể truyền cảm hứng cũng như nhân rộng các nỗ lực, các hoạt động hỗ trợ sinh viên mà KPMG đang thực hiện cùng với các trường đại học, các tổ chức nghề nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất giúp cho các bạn sinh viên có cơ hội được trải nghiệm, ứng dụng và phát triển những kiến thức, kỹ năng các bạn đã được học, giúp các bạn có sự chuẩn bị tốt cho nghề nghiệp tương lai.

Phối hợp với các trường trong công tác định hướng nghề nghiệp, đào tạo cho sinh viên đã chứng minh được tính hiệu quả khi tận dụng được thế mạnh của mỗi bên trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mô hình này cần được nhân rộng hơn, để nguồn nhân lực của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các nhà tuyển dụng, hoà nhập với thị trường lao động quốc tế.

*PV: Xin cảm ơn bà!

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam