GDP năm 2021 tăng 2,58%

12:00 | 29/12/2021 Print
Theo công bố ngày 29/12 của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Tín dụng năm 2021 có thể tăng trưởng khoảng 14% Tăng trưởng GDP năm 2021 có thể giảm xuống dưới 2,5% VEPR: GDP Việt Nam 2021 có thể đạt 2 - 2,5% trong kịch bản tích cực WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 đạt từ 2-2,5%

Ngày 29/12, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021.

Nông nghiệp tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng GDP

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. "Đây là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh", cơ quan thống kê nhận định.

Cụ thể, GDP quý IV/2021 ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 5,42%.

Về sử dụng GDP quý IV/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,37%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,28%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,36%.

Ước tính GDP năm 2021 tăng 2,58% (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%). Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.

GDP năm 2021 tăng 2,58%
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại cuộc họp báo.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất của phần lớn cây trồng đạt khá so với năm trước, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản năm 2021 tăng cao góp phần duy trì nhịp tăng trưởng của cả khu vực.

Ngành nông nghiệp tăng 3,18%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,88%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 1,73%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Bình luận về các con số này, ông Dương Mạnh Hùng- Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, đây là lần đầu tiên lĩnh vực nông nghiệp có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng GDP. Các điểm sáng của lĩnh vực này trong năm 2021 là duy trì tăng trưởng ổn định; xuất khẩu đạt mức cao tới 48,5 tỷ USD, cao hơn kế hoạch đề ra; an sinh xã hội được đảm bảo. Điều này cho thấy, nông nghiệp vẫn luôn là bệ đỡ, là nền tảng bền vững của Việt Nam trong những lúc khó khăn với mạng lưới đa dạng và lực lượng lao động dồi dào.

Năng suất lao động tăng 4,71%

Trong khi đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước; ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%.

Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 42,75%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,42%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,97%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,86%; khu vực dịch vụ chiếm 40,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,83%.

Về sử dụng GDP năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,09% so với năm 2020; tích lũy tài sản tăng 3,96%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,01%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,16%.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2021 tăng 4,71% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,1%, cao hơn mức 25,3% của năm 2020).

Vốn hóa thị trường chứng khoán tăng 45,5%

Về thị trường tài chính tiền tệ, tính đến thời điểm 24/12/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,93% so với cuối năm 2020; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,44%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,97%.

Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm năm 2021 tăng 15,6% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21,7%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 1,7% (quý IV/2021 ước tính tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 20,9%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ giảm 2,6%).

Thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều kỷ lục mới: Chỉ số VN-Index chạm mốc 1.500 điểm; làn sóng gia nhập của nhà đầu tư tăng cao (đến cuối tháng 11/2021, số lượng tài khoản của nhà đầu tư đạt 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cuối năm 2020).

Tính đến ngày 27/12/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.488,88 điểm, tăng 34,9% so với cuối năm 2020; mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.702 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5%; giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay (tính đến ngày 27/12/2021) đạt 26.526 tỷ đồng/phiên, tăng 257,5% so với bình quân năm trước.

Trên thị trường trái phiếu, có 430 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.511 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2020. Tính chung từ đầu năm đến ngày 27/12/2021, giá trị giao dịch bình quân đạt 11.421 tỷ đồng/phiên, tăng 9,9% so với bình quân năm 2020. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 189.923 hợp đồng/phiên, tăng 21% so với năm trước.

Về thu chi ngân sách, tổng thu NSNN ước tính năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng), trong đó: Thu nội địa bằng 110,4% so với dự toán năm (tăng gần 118 nghìn tỷ đồng); thu từ dầu thô bằng 197,4% (tăng 22,6 nghìn tỷ đồng); thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu bằng 122,1% (tăng 39,5 nghìn tỷ đồng).

Tổng chi NSNN năm 2021 ước tính đạt 1.839,2 nghìn tỷ đồng, bằng 109% dự toán năm, trong đó: chi thường xuyên bằng 102,3%; chi đầu tư phát triển bằng 106,4%; chi trả nợ lãi bằng 96,2%.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam