Nợ xấu cuối 2021 là 1,9%, nhưng tính cả nợ xấu tiềm ẩn là 3,79%

14:17 | 31/12/2021 Print
(TBTCO) - Theo tiết lộ từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2021 là 1,9%, cao hơn so với mức 1,69% tính đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn còn cao hơn nhiều so với con số trên.

Con số nợ xấu nếu tính cả các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) nhưng chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn thì tỷ lệ lên tới 3,79%.

Nợ xấu cuối 2021 là 1,9%, nhưng tính cả nợ xấu tiềm ẩn là 3,79%
Nợ xấu đến 2021 là 1,9%, nhưng tính cả nợ xấu tiềm ẩn là 3,79%
Nợ xấu được xử lý bằng trái phiếu đặc biệt đang giảm Cần giải pháp cấp bách xử lý nợ xấu gia tăng Đề xuất 2 phương án pháp lý cho xử lý nợ xấu

Đặc biệt, thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra, các ngân hàng đã xử lý tái cơ cấu nhiều khoản nợ cho các khách hàng bị khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Việc xử lý thực hiện theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy địch việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Thông tư 01 sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/ 03/2021/TT-NHNN vào tháng 4/2021 và tiếp tục sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 14/2021/TT-NHNN vào tháng 9/2021. Các thông tư 03 và 14 đã có những điều chỉnh với các quy định phù hợp hơn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, đặc biệt là từ thời điểm đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ tháng 4/2021 đến nay.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu tính đầy đủ cả con số nợ có thể cũng trở thành nợ xấu nếu không thực hiện giãn, hoãn nợ để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng ảnh hưởng bởi Covid-19 (theo các thông tư 01, 03, 14) thì tỷ lệ nợ xấu thậm chí có thể lên đến 8,2%.

Tuy nhiên, đây là yếu tố khách quan của nền kinh tế và bối cảnh dịch bệnh, không ai mong muốn, nhiều khách hàng gặp phải khó khăn thực sự chứ không phải do vi phạm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua vẫn tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông.

Các tổ chức tín dụng cũng được định hướng tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng./.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam