Động lực mới cho doanh nghiệp vững mạnh - quốc gia thịnh vượng

15:54 | 31/12/2021 Print
Ngày 31/12/2021, phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với tên gọi mới là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tán thành với tầm nhìn của VCCI trong nhiệm kỳ mới là “Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh thượng”.

VCCI - tập hợp đoàn kết kết nối sức mạnh doanh nghiệp

Tại đại hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, đánh giá cao sự chung tay, chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân cả nước, đóng góp thiết thực, hiệu quả, kịp thời về nhiều mặt trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua.

Động lực mới cho doanh nghiệp vững mạnh - quốc gia hùng cường
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Đại hội VCCI. Ảnh: Minh Hồng

Trong đó, Thủ tướng đề nghị VCCI không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức để thực sự trở thành tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam. VCCI không chỉ đại diện cho 200.000 doanh nghiệp hội viên trực tiếp. VCCI phải xây dựng vị thế và xác lập uy tín xứng đáng là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Để góp phần thực hiện được mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, vai trò của VCCI trong việc tập hợp đoàn kết, kết nối sức mạnh doanh nghiệp trong phát triển kinh tế là vô cùng quan trọng.

Theo đó, Thủ tướng đã chỉ đạo VCCI thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Trước yêu cầu của sự phát triển trong tình hình mới, Thủ tướng chỉ rõ, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định và nêu cao khát vọng về mục tiêu phát triển của đất nước: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đây là mục tiêu lớn, vô cùng thử thách với đất nước ta, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tác động sâu rộng và tiêu cực đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Động lực mới cho doanh nghiệp vững mạnh - quốc gia hùng cường
Động lực mới cho doanh nghiệp vững mạnh - quốc gia hùng cường. Ảnh: Minh Hồng

“Cùng cộng đồng doanh nghiệp, vai trò, vị thế và uy tín của VCCI ngày càng được khẳng định, đề cao. Với tư cách tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, VCCI đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, có nhiều đóng góp tích cực, có tính lan tỏa cao, đóng góp vào thành công chung của đất nước” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị, VCCI thời gian tới triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vững mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, áp dụng các tiêu chuẩn quản trị hiện đại, tích cực chuyển đổi số, đổi mới sản xuất để nâng cao vị trí của doanh nghiệp, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

VCCI cần quan tâm hơn nữa đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do nữ làm chủ, xây dựng và củng cố quan hệ lao động bền vững, hài hoà…

Nêu cao tinh thần sáng tạo để thúc đẩy doanh nghiệp vững mạnh

Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, hứa sẽ đưa các nhiệm vụ Thủ tướng giao vào trong chương trình làm việc hàng năm và trong nhiệm kỳ. “VCCI sẽ nêu cao tinh thần sáng tạo để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đề ra. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu: “Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh vượng” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Động lực mới cho doanh nghiệp vững mạnh - quốc gia hùng cường
Ông Phạm Tấn Công tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Minh Hồng

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, VCCI đề ra 6 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm gồm: chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; tăng cường hoạt động kết nối, hỗ trợ phát triển HHDN và hội viên; phát triển đội ngũ doanh nhân; tiên phong thúc đẩy xây dựng hoá kinh doanh Việt Nam; tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của VCCI.

Cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng, Chủ tịch VCCI cho biết, nhằm hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, VCCI đặt ra các chỉ tiêu rất cụ thể như: tổ chức đánh giá, xếp loại hàng năm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố; thu hút 5.000 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI), tập trung vào các ngành da giày, túi xách, thủy hải sản; xây dựng và triển khai Bộ chỉ số Xanh (Green Index), thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các địa phương, doanh nghiệp; xây dựng và triển khai hiệu quả từ 5 – 10 chương trình, dự án, nhiệm vụ ở quy mô quốc gia hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh như; đào tạo CEO, tái cấu trúc, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị…

VCCI cũng xác định 3 đột phá chiến lược gồm tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh; tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa của doanh nhân Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp; thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh./.

Phúc Hải

© Thời báo Tài chính Việt Nam