Những điểm sáng trong một năm đầy thách thức của ngành Hải quan

10:00 | 04/01/2022 Print
(TBTCO) - Mặc dù trải qua một năm đầy sóng gió nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành Hải quan đã đạt được những kết quả ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của kinh tế đất nước.

Khẳng định vai trò trong chuỗi cung ứng

Điểm sáng đầu tiên chính là tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK). Theo thống kê của cơ quan hải quan, tổng trị giá XNK hàng hoá của Việt Nam năm 2021 đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Đây là kết quả chứng minh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nói chung và ngành Hải quan nói riêng trong việc duy trì hoạt động, khắc phục khó khăn trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ tư của đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của nước ta.

Kết quả này là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành hoàn thành nhiệm vụ được giao, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; tạo đà thúc đẩy hoạt động XNK của Việt Nam; tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu; đặc biệt, góp phần giúp ngành Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021.

Phân tích rõ hơn về kết quả này, bà Lê Như Quỳnh – Cục trưởng Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan) cho biết, năm 2021, nền kinh tế thế giới phục hồi sau Covid-19, nhu cầu về dầu thô tăng cao dẫn đến giá cả tăng mạnh và cũng với xu thế đó, các doanh nghiệp (DN) trong nước có sự phục hồi mạnh mẽ vào đầu năm, trước khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Từ đó, một số các yếu tố mang tính đột biến về kim ngạch XNK và kim ngạch có thuế, đã tác động khiến số thu tăng cao. Trong số tăng cao này có những yếu tố tăng về lượng, tăng về giá và có một phần xuất phát từ quy định của pháp luật.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Hồng Vân

Đến cuối năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) của ngành Hải quan ước đạt 370.000 tỷ đồng, bằng 117,46% dự toán thu NSNN; bằng 110,45% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh những yếu tố khách quan, không thể phủ nhận đây là nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng hải quan cả nước. Từ ngày đầu tháng đầu, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch, chỉ thị về tăng cường hiệu quả thu NSNN, trong đó, chỉ ra các nhóm giải pháp chung và giải pháp cụ thể cho từng đơn vị để triển khai đồng bộ trong toàn ngành. Cùng với đó, hàng loạt các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho DN XNK duy trì hoạt động thông thương giữa đại dịch, từ cơ chế, chính sách, miễn thuế đến linh hoạt thủ tục.

Điểm sáng đáng nói nữa trong năm 2021 là ngành Hải quan đã thay đổi toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành, góp phần cắt giảm thủ tục, chi phí và tạo thuận lợi cho DN qua đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.

Đề án này được xây dựng dựa trên những phân tích thực trạng công tác kiểm tra chuyên ngành hiện nay; nghiên cứu mô hình kiểm tra chất lượng của một số nước trên thế giới; nhằm cải cách thực chất công tác kiểm tra kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm chi phí, giảm thời gian cho DN, phát huy trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngay khi đề án được phê duyệt, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã bắt tay triển khai việc xây dựng các văn bản triển khai cụ thể. Với những nội dung cải cách quyết liệt, dự kiến DN sẽ tiết kiệm gần 1.376 tỷ đồng mỗi năm và 9.285 tỷ đồng cho nền kinh tế.

Xây dựng lực lượng chính quy, hiện đại

Năm 2022, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tổng cục Hải quan đề ra là đẩy mạnh tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 ngay sau khi chiến lược được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời triển khai các nghị quyết về điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, hướng tới mục tiêu tổng quát là: xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh.

Nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực góp phần giúp số thu tăng cao

Dầu thô xuất nhập khẩu, xăng dầu nhập khẩu, khí đốt hóa lỏng tăng thu khoảng hơn 7.000 tỷ đồng; sắt thép, quặng sắt, các sản phẩm sắt thép nhập khẩu làm tăng khoảng 11.700 tỷ đồng; ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu tăng gấp 1,6 lần làm tăng thu từ mặt hàng này khoảng 14.300 tỷ đồng. Nhiều dự án điện mặt trời, điện gió được triển khai làm tăng thu đột biến từ linh kiện, máy móc thiết bị phục vụ dự án khoảng 8.300 tỷ đồng.

Ngoài ra, các nhóm nhiệm vụ trọng tâm có tính chất thường xuyên được toàn ngành tiếp tục thực hiện như: về cải cách hành chính, đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại, tập trung vào hoàn thiện cơ chế chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan; tăng cường đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại như nâng cao hiệu quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tăng cường kiểm tra giám sát hải quan; phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước...

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, toàn ngành quyết tâm thu đạt và vượt chỉ tiêu 352.000 tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng này, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan sẽ ban hành chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách với những giải pháp, nhiệm vụ hết sức cụ thể cho từng đơn vị. Về thực hiện hải quan số, mô hình hải quan thông minh, toàn ngành quyết tâm hoàn thành các công việc liên quan để sớm triển khai thí điểm. Việc thực hiện hải quan số và mô hình hải quan thông minh kéo theo rất nhiều công việc liên quan từ tổ chức bộ máy đến đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị… nên đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ công chức toàn ngành.

Cũng theo ông Cẩn, năm 2022, hoạt động buôn lậu dự báo tiếp tục có diễn biến rất phức tạp trên tất cả lĩnh vực, loại hình, địa bàn quản lý... đòi hỏi phải tăng cường các biện pháp đấu tranh một cách đồng bộ, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng và phát huy hiệu quả sử dụng trang thiết bị, công nghệ hiện đại…

Tạo tiếng vang từ quyết liệt đấu tranh chống gian lận xuất, nhập khẩu hạt điều

Từ đầu năm 2021, lượng hạt điều nguyên liệu nhập khẩu (NK) tăng bất thường, đặc biệt từ thị trường Campuchia. Trước tính chất cấp bách, bởi hành vi gian lận trong NK hạt điều sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN làm ăn chân chính trong nước, uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam và gây thất thu ngân sách, Tổng cục Hải quan quan đã tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai chuyên đề kiểm tra để làm rõ những nghi vấn, những dấu hiệu bất thường về hoạt động XNK hạt điều.

Bước đầu, Tổng cục Hải quan đã có kết luận kiểm tra đối với 18/18 vụ việc đã thực hiện kiểm tra sau thông quan. Trong đó: 2 DN có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều XK (xuất xứ thuần tuý Việt Nam); 4 DN thuộc loại hình sản xuất XK, có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra, DN không có trụ sở, không còn hoạt động sản xuất tại địa điểm đăng ký kinh doanh. Do không có điều kiện kiểm tra, xác minh làm rõ nghi vấn nên Tổng cục Hải quan đã chuyển thông tin về 4 DN này (theo nguồn tin tố giác tội phạm) đến Công an tỉnh Bình Phước để tiếp tục làm rõ dấu hiệu vi phạm bán tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã giao hải quan địa phương kiểm tra sau thông quan đối với 34 DN. Đồng thời, cơ quan hải quan chuyển danh sách 280 DN có dấu hiệu rủi ro để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch kiểm tra.

Như vậy có thể nhận định, chuyên đề “Kiểm tra sau thông quan để làm rõ và xử lý những dấu hiệu bất thường trong XNK hạt điều” là sự kiện có ảnh hưởng lớn đối với hoạt động XNK hạt điều tại Việt Nam, được thực hiện kịp thời, khẳng định nỗ lực thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho DN nhưng không để DN lợi dụng vi phạm pháp luật.

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam