Chủ động, linh hoạt điều hành giá, tích cực giữ ổn định kinh tế vĩ mô

10:15 | 04/01/2022 Print
(TBTCO) - Trả lời phỏng vấn TBTCVN, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, Trưởng Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2022 tiếp tục thực hiện thận trọng, linh hoạt và chủ động, bình ổn mặt bằng giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định đời sống nhân dân, tạo điều kiện chống dịch thành công.
Chủ động, linh hoạt điều hành giá, tích cực giữ ổn định kinh tế vĩ mô

PV: Năm 2021 đặt ra nhiều thách thức chưa từng có đối với công tác điều hành, quản lý giá cả. Là Trưởng nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, ông nhận định ra sao về kết quả kiểm soát lạm phát cũng như công tác phối hợp điều hành trong năm 2021?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Công tác điều hành giá năm 2021 gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên đã đạt yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Đây là dấu ấn trong công tác điều hành của Chính phủ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh tới kinh tế- xã hội trong nước.

Chủ động, linh hoạt điều hành giá, tích cực giữ ổn định kinh tế vĩ mô
Ông Nguyễn Anh Tuấn

Có rất nhiều yếu tố gây tác động bất lợi đến công tác quản lý giá năm 2021, như: tác động từ đại dịch ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng thế giới, những đứt gãy trong chuỗi cung ứng vẫn chưa thể giải quyết, vấn đề địa chính trị giữa các quốc gia, việc thiếu hụt nguồn nguyên nhiên vật liệu nửa cuối năm… Tuy nhiên, nhờ chủ động, linh hoạt trong điều hành, lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp.

Một trong những yếu tố góp phần hoàn thành mục tiêu quản lý, điều hành giá, đó là do đã thực hiện tốt cơ chế phối hợp, làm cơ sở công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ những chủ trương, định hướng lớn về quản lý, điều hành giá trong từng thời kỳ, dự báo và xây dựng kịch bản điều hành giá trong ngắn, trung và dài hạn. Đây là các nội dung ưu tiên trọng tâm để trình xử lý kịp thời các chính sách về giá, các biện pháp bình ổn giá. Công tác phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành thông qua cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá thời gian qua là yếu tố quan trọng góp phần đem lại thành công của công tác quản lý, điều hành giá nói riêng và tổng thể công tác điều hành kinh tế vĩ mô nói chung.

Cùng với việc chủ động trong chỉ đạo điều hành, công tác tổng hợp, phân tích, dự báo ngày càng có vai trò quan trọng, nhất là việc tính toán, xây dựng kịch bản lạm phát, kịch bản điều hành giá phù hợp, làm cơ sở cho việc đưa ra các đề xuất, kiến nghị điều hành phù hợp trong từng thời điểm, từng giai đoạn.

PV: Đã 2 năm chúng ta “lỡ hẹn” không thực hiện điều chỉnh lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý; cùng với đó, gói kích thích hỗ trợ kinh tế triển khai trong năm 2022 được cho là những yếu tố đáng lo ngại nhất, ảnh hưởng tới lạm phát năm 2022. Về phía cơ quan quản lý đã tính toán các yếu tố này như thế nào để cân nhắc trong xây dựng các kịch bản điều hành, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Quốc hội đã đề ra mục tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 khoảng 4%. Để đạt được mục tiêu này sẽ có rất nhiều thách thức trong bối cảnh đặt ra cho năm 2022.

Trong đó có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như: giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý và các yếu tố khác, trong đó có gói kích thích kinh tế.

Đối với giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá dịch vụ giáo dục dự kiến sẽ tăng do một số địa phương kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí năm học 2021 - 2022 và ảnh hưởng của việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ giáo dục trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, theo đó cho phép tăng 2,5% mức trần học phí. Tổng cục Thống kê ước tính nhóm dịch vụ giáo dục sẽ làm CPI năm 2022 tăng khoảng 0,44 - 0,54%.

Đối với giá dịch vụ khám, chữa bệnh thuộc nhóm dịch vụ sự nghiệp công thực hiện lộ trình thị trường, năm 2022 dự kiến kết cấu thêm chi phí quản lý (tác động đến CPI khoảng 0,13%) và chi phí khấu hao.

Hoặc giá một số mặt hàng khác như: dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án BOT, dịch vụ hàng không, dịch vụ tại cảng biển… có thể phải điều chỉnh giá tùy thuộc vào doanh thu, biến động chi phí đầu vào. Đối với giá điện, nước sinh hoạt, các chính sách hỗ trợ giảm giá tiền điện, nước trong năm 2021 có thể sẽ khó tiếp tục thực hiện trong năm 2022 nếu giá chi phí đầu vào tăng.

Ngoài yếu tố nêu trên, sự hỗ trợ của các gói kích thích kinh tế, tình hình dịch bệnh được kiểm soát nhanh hơn dự kiến cũng sẽ kích thích tăng trưởng nhanh hơn dự báo và gia tăng áp lực lên lạm phát.

Trên cơ sở việc đánh giá dự báo xu hướng các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2022, kết hợp với đánh giá về lạm phát cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ có những kịch bản điều hành cụ thể, phù hợp sát với thực tiễn.

PV: Ổn định giá cả sẽ góp phần ổn định đời sống nhân dân trong lúc khó khăn, tuy nhiên rủi ro lạm phát đến từ tình hình dịch Covid-19 rất khó dự đoán. Ông có thể cho biết, đâu là những giải pháp ưu tiên trong quản lý, điều hành giá năm 2022, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo đời sống của người dân?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều kịch bản lạm phát năm 2022 được đưa ra, trong đó có cả kịch bản lạm phát thấp, kịch bản điều hành và kịch bản lạm phát cao trong điều kiện nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng tới công tác quản lý, điều hành giá.

Tuy nhiên, nhìn chung các cơ quan điều hành đều dự báo CPI năm 2022 cơ bản được kiểm soát dưới mức chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao nếu không có những yếu tố tác động quá đột biến xảy ra.

Về cơ bản, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2022 tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bình ổn mặt bằng giá cả.

Về phía cơ quan quản lý, sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.

Các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán năm 2022.

Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tiếp tục phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính trong việc rà soát, tính toán các phương án điều hành, đánh giá tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá, chủ động có phương án điều hành phù hợp khi có dư địa. Ngoài ra, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát.

Tôi cho rằng, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, chúng ta sẽ kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra, góp phần tích cực giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định đời sống nhân dân, tạo điều kiện chống dịch thành công.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thực hiện tốt cơ chế tham mưu, phối hợp góp phần bình ổn giá

Một trong những yếu tố góp phần hoàn thành mục tiêu quản lý, điều hành giá, đó là do đã thực hiện tốt cơ chế phối hợp, làm cơ sở công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ những chủ trương, định hướng lớn về quản lý, điều hành giá trong từng thời kỳ, dự báo và xây dựng kịch bản điều hành giá trong ngắn, trung và dài hạn. Đây là các nội dung ưu tiên trọng tâm để trình xử lý kịp thời các chính sách về giá, các biện pháp bình ổn giá. Công tác phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành thông qua cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá thời gian qua là yếu tố quan trọng góp phần thành công của công tác quản lý, điều hành giá nói riêng và tổng thể công tác điều hành kinh tế vĩ mô nói chung.

Minh Anh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam