TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp đột phá trong quản lý nhà nước về hải quan

19:45 | 04/01/2022 Print
Với sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết, đặc biệt là những giải pháp đột phá trong quản lý nhà nước về hải quan, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2021, năm được xem là đầy biến động của đất nước nói chung và của TP. Hồ Chí Minh nói riêng trước những ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh Covid-19.

Chủ động kết nối, tạo tâm lý yên tâm cho doanh nghiệp trong dịch

Liên quan đến công tác quản lý nhà nước về hải quan, có thể nói năm 2021 đánh dấu một giai đoạn hết sức khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan nhanh. Tại TP. Hồ Chí Minh, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với diễn biến nhanh và nguy hiểm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế xã hội toàn địa bàn.

Trước tình hình đó, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động nhằm hoàn thành nhiệm vụ kép “vừa đảm bảo các yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa duy trì ổn định công tác quản lý nhà nước về hải quan, thúc đẩy, tạo thuận lợi thương mại, phát triển kinh tế - xã hội”.

Công chức Hải quan TP. Hồ Chí Minh thông quan trong đêm lô hàng thiết bị y tế. Ảnh Đỗ Doãn
Công chức Hải quan TP. Hồ Chí Minh thông quan trong đêm lô hàng thiết bị y tế. Ảnh Đỗ Doãn

Theo chia sẻ của lãnh đạo đơn vị, một trong những hoạt động ý có ý nghĩa và mang lại kết quả tích cực là thực hiện kết nối với các hiệp hội doanh nghiệp (DN) như: Eurocham (Châu Âu), Kocham (Hàn Quốc), JCCH (Nhật Bản), USAID và AMCHAM (Hoa Kỳ), Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Logistics Thành phố (HLA)... ghi nhận các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN nhằm tháo gỡ kịp thời trong thẩm quyền cũng như báo cáo chính quyền thành phố, cơ quan cấp trên xem xét, chỉ đạo.

Trên thực tế, cộng đồng DN đánh giá rất cao sự nỗ lực của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh khi đề ra sáng kiến: “Cộng đồng doanh nghiệp và Cục Hải quan thành phố luôn là đối tác tin cậy, đồng hành cùng chung tay phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19". Năm 2021 là năm thứ 6 liên tục Cục Hải quan thành phố chủ trì thực hiện kế hoạch này.

‘‘Mặc dù giãn cách nhưng Cục Hải quan thành phố luôn duy trì và giữ liên lạc với cộng đồng DN để nắm bắt tâm tư, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn. Việc làm này đã tạo sự ấm áp, yên tâm cho cộng đồng DN là không bị bỏ rơi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp’’ – lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nói.

Phản ứng nhanh trước diễn biến dịch bệnh

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, an sinh xã hội, với tinh thần trách nhiệm cao, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã bố trí cán bộ công chức thường xuyên túc trực 24/7 tại cơ quan, thực hiện “3 tại chỗ”, sẵn sàng đối mặt với những rủi ro và nguy hiểm, vừa đảm bảo chống dịch, vừa đảm bảo hoàn thành công việc.

''Test'' nhanh covid-19 cho công chức Hải quan TP. Hồ Chí Minh phục vụ thông quan hàng hóa. Ảnh Đỗ Doãn
''Test'' nhanh Covid-19 cho công chức Hải quan TP. Hồ Chí Minh phục vụ thông quan hàng hóa. Ảnh Đỗ Doãn

Thực tế cho thấy, đã có những đơn vị trực thuộc phải gánh vác khối lượng công việc gấp 2-3 lần bình thường do các đơn vị khác bị phong tỏa, hoặc cán bộ công chức phải đi cách ly theo quy định. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã chủ động thành lập Tổ phản ứng nhanh thông quan hàng hoá phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 (Tổ 1080) và Tổ Thường trực chống ùn tắc hàng hoá tại cửa khẩu (Tổ 1081) nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực do giãn cách xã hội gây ra.

Chia sẻ về hoạt động này, lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, với nhận định giãn cách chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, đơn vị đã quyết thành lập ngay 2 tổ công tác do Cục trưởng làm Tổ trưởng để giải quyết 4 vấn đề.

Đó là tham mưu lãnh đạo các cấp xem xét, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách pháp luật chưa có tiền lệ mà cần phải áp dụng ngoại lệ trong giai đoạn giãn cách; Thông quan hàng hóa các lô hàng thiết bị vật tư y tế, vắc-xin, sinh phẩm y tế chưa có giấy phép nhập khẩu; Điều phối hàng hóa sang các cảng khác để tránh ùn tắc tại cảng Cát Lái (đây là giải pháp vừa mang tính kịp thời vừa giúp cộng đồng DN thông quan hàng hóa nhanh).

Từ tham mưu của Cục Hải quan thành phố, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện chung. Vấn đề thứ 4 là tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại qua khai báo giá tính thuế, mã số hàng hóa, xuất xứ hàng hóa…

Kết quả là Tổ 1080 đã hỗ trợ thông quan 24/7 đối với gần 600 tờ khai nhập khẩu hàng hoá phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, gồm hàng chục triệu liều vắc - xin, thuốc đặc trị Covid-19, hơn 200 máy tạo khí oxy, 20.000 bộ đồ bảo hộ cấp 4 và 40.000 khẩu trang N95, 20.000 bộ van điều áp… cùng nhiều trang thiết bị y tế khác./.

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam