Bỏ quy định vay ưu đãi mua nhà ở xã hội sẽ tạo ra “xung đột pháp luật”

17:39 | 05/01/2022 Print
(TBTCO) - Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, quy định đối tượng vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội không còn được vay vốn tín dụng ưu đãi tại các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định là không hợp tình hợp lý, gây bất lợi cho các đối tượng hưởng chính sách và làm phát sinh “xung đột pháp luật”.

Bỏ quy định vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới ban hành Thông tư số 20/2021/TT-NHNN hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội đối với các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định. Theo đó, kể từ ngày 20/1/2022, người dân sẽ không còn được vay vốn tín dụng ưu đãi tại các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định, mà chỉ được vay vốn ưu đãi để “xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở”.

Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo NHNN cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định được cho vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Bỏ quy định vay ưu đãi mua nhà ở xã hội sẽ tạo ra “xung đột pháp luật”
Bỏ quy định vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội chưa phù hợp với thực tiễn. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Tại văn bản vừa phát đi, HoREA cho biết, khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021/TT-NHNN, chỉ còn quy định: “Đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP”. Như vậy, “đối tượng vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội” kể từ ngày 20/1/2022 sẽ không còn được vay vốn tín dụng ưu đãi tại các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định, mà chỉ còn được vay vốn ưu đãi để “xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở”.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, nếu hộ gia đình, cá nhân mua, thuê mua nhà ở xã hội thì chỉ được vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhưng phải thực hiện gửi tiết kiệm nhà ở xã hội. Trong lúc các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định đã thực hiện rất tốt việc cho hộ gia đình, cá nhân vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội trong 15 năm qua, quy định này của NHNN không hợp tình hợp lý, gây bất lợi cho các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Theo HoREA, đối chiếu với khoản 2 Điều 2 Thông tư số 25/2015/TT-NHNN (trước khi sửa đổi) thì NHNN đã loại bỏ cụm từ “mua, thuê mua nhà ở xã hội”, có nghĩa là NHNN đã loại bỏ “đối tượng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội” và kể từ ngày 20/1/2022, NHNN chỉ cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định cho vay vốn ưu đãi đối với“đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở” mà thôi.

Khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021/TT-NHNN không cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định cho vay vốn ưu đãi đối với các “đối tượng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội” nên đã làm phát sinh “xung đột pháp luật” vì đã không phù hợp với các quy định của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP.

Không phù hợp với thực tiễn

Ông Lê Hoàng Châu cho biết, việc NHNN loại bỏ “đối tượng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội” là có căn cứ pháp luật vì đã căn cứ vào khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014. Tuy nhiên, HoREA nhận thấy, nếu chỉ căn cứ riêng một khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 thì khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021/TT-NHNN là đúng, nhưng Luật Nhà ở 2014 còn nhiều quy phạm pháp luật khác quy định chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội.

Do vậy, Hiệp hội cho rằng việc NHNN đã không xem xét trên bình diện tổng thể các chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội, mà chỉ căn cứ vào khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014, và không căn cứ vào các quy phạm pháp luật khác của Luật Nhà ở 2014 là chưa đầy đủ, chưa toàn diện, không phù hợp với thực tiễn.

Việc NHNN không cho phép các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định cho vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội dẫn đến các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội là những người bị thiệt thòi nhất.

Bên cạnh đó, theo HoREA, thực tiễn hơn 15 năm qua đã chứng minh, các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định đã thực hiện rất tốt, rất hiệu quả việc cho vay ưu đãi “để mua, thuê mua nhà ở xã hội, hoặc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở”. Kể cả việc thực hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2013 - 2016 thì các ngân hàng thương mại đã làm rất tốt. Qua tổng kết, từ 1 đồng cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước, các ngân hàng thương mại huy động thêm được 33 đồng vốn của xã hội.

“Trong lúc Ngân hàng Chính sách Xã hội đã không tham gia thực hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2013 - 2016. Đồng thời, do Nhà nước gần như chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách để cho vay ưu đãi nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015 - 2020, nên Ngân hàng Chính sách Xã hội hầu như mới chỉ cho một số hộ gia đình, cá nhân vay ưu đãi “để mua, thuê mua nhà ở xã hội” trong vài năm gần đây. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng chỉ cam kết từ 1 đồng vốn cấp từ ngân sách nhà nước thì huy động thêm được 1 đồng vốn của xã hội mà thôi” – ông Lê Hoàng Châu nói.

Lãnh đạo HoREA cho rằng, do khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021/TT-NHNN ngày 30/11/2021 có một quy phạm pháp luật dẫn đến xung đột pháp luật với khoản 4 Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và khoản 7 Điều 21 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Vì vậy, HoREA khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo NHNN rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định để đảm bảo khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021/TT-NHNN của NHNN thống nhất và phù hợp với các quy định của Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 49/2021/NĐ-CP và Luật Nhà ở 2014.

Ngoài ra, năm 2022, khi xem xét xây dựng Đề án Luật Nhà ở (sửa đổi), HoREA đã đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 theo hướng bổ sung thêm cụm từ “mua, thuê mua nhà ở xã hội” để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp luật về chính sách ưu đãi tín dụng về nhà ở xã hội./.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam