Các chỉ tiêu an toàn nợ công đã và đang được kiểm soát chặt chẽ

14:21 | 05/01/2022 Print
Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cơ bản hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn, nỗ lực thúc đẩy cao nhất kết quả giải ngân vốn vay nước ngoài, trả nợ đúng hạn; đồng thời các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ.

Sáng ngày 5/1/2022, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính tổng kết công tác năm 2021 và triển khai chương trình công tác năm 2022, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà dự và phát biểu chỉ đạo.

Hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ công tác quản lý nợ công

Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Nguyễn Xuân Thảo cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch 5 năm trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ
Quang cảnh hội nghị tổng kết năm 2021 do Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại tổ chức sáng 5/1/2022. Ảnh: Đức Minh

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Thảo, đơn vị đảm bảo công tác tham mưu xây dựng chính sách, chế độ có chất lượng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã tham mưu góp ý hoặc chủ trì xây dựng, hoàn chỉnh các kế hoạch, chiến lược, tầm nhìn, định hướng trung hạn về nợ công, kế hoạch vay, trả nợ, cho vay lại và bảo lãnh chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 nhất quán với chính sách tài khóa, góp phần thực hiện thành công chính sách tài khóa giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng kế hoạch vay, trả nợ hàng năm kịp thời đảm bảo khuôn khổ điều hành, quản lý hiệu quả nợ công và hoạt động vay, trả nợ, cho vay lại và bảo lãnh chính phủ trong cả giai đoạn 2021 -2025 và từng năm.

Với nỗ lực tham mưu xây dựng kịp thời các kế hoạch, chiến lược, khuôn khổ quản lý nợ vay, trả nợ cho giai đoạn 5 năm, 3 năm và chủ động tổ chức điều hành công tác vay, trả nợ, quản lý cho vay lại và bảo lãnh chính phủ hằng năm theo kế hoạch, chiến lược, bám sát nghị quyết, chỉ thị của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cơ bản hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn; nỗ lực thúc đẩy cao nhất kết quả giải ngân vốn vay nước ngoài, trả nợ đúng hạn; đồng thời các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ.

Theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần nợ được Quốc hội phê chuẩn, góp phần bồi đắp dư địa chính sách tài khóa. Với việc bám sát các mục tiêu Quốc hội đã phê duyệt tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021, hiệu quả công tác quản lý nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2021 tiếp tục được giữ vững.

Đề cập tới công tác huy động vốn, bà Nguyễn Xuân Thảo cho biết, trong năm 2021, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ huy động vốn vay nước ngoài tiếp tục được Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại chú trọng. Đơn vị đã tận dụng tối đa phương thức họp, đàm phán, trao đổi trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, bám sát chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong bộ, cục đã tham mưu đàm phán 3 hiệp định khung (với Chính phủ Phần Lan, Chính phủ Đức và 1 Công hàm trao đổi cho dự án với Chính phủ Nhật Bản); sửa đổi, gia hạn, bổ sung 5 Hiệp định khung (với Chính phủ Pháp, Nhật Bản và Italia gắn với dự án cụ thể); đang làm thủ tục trình duyệt để ký kết 3 hiệp định khung với Đan Mạch và Đức.

Trong năm 2021, đơn vị đã tham mưu ký kết 12 hiệp định vay cụ thể với tổng trị giá 958,27 triệu USD (gồm 5 hiệp định vay với các tổ chức tài chính quốc tế đa phương, trị giá 785,67 triệu USD; và 7 hiệp định vay, viện trợ với các đối tác song phương, trị giá 172,6 triệu USD). Hoàn thành đàm phán hoặc trao đổi kỹ thuật về 11 hiệp định vay khác với trị giá 924 triệu USD. Đồng thời, tham mưu trình Bộ Tài chính để sửa đổi, gia hạn đối với 22 thỏa thuận khung và vay cụ thể.

Thông tin về quản lý giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, lũy kế giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thuộc dự toán chi đầu tư công của ngân sách trung ương ước đạt 13.795,28 tỷ đồng, trong đó bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương đạt 8.236,86 tỷ đồng, giải ngân của các bộ, ngành trung ương là 5.558,42 tỷ đồng

Nếu tính tổng số giải ngân từ các khoản vay nước ngoài năm 2021, ước thực hiện khoảng 48,4 nghìn tỷ đồng (94,35% kế hoạch điều chỉnh là 51,3 nghìn tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), trong đó cấp phát khoảng 30,9 nghìn tỷ đồng; vay về cho vay lại khoảng 17,4 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh tiến độ giải ngân năm 2021 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là vốn đầu tư công nguồn vốn ngoài nước, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy giải ngân.

Cũng theo bà Nguyễn Xuân Thảo, công tác trả nợ nước ngoài được thực hiện kịp thời, đầy đủ và trong phạm vi dự toán được duyệt. Lũy kế trả nợ nước ngoài đến ngày 31/12/2021 là 64.760,81 tỷ đồng, đảm bảo 100% nghĩa vụ trả nợ trực tiếp và gián tiếp của Chính phủ.

Quản lý việc thu, chi của Quỹ Tích lũy trả nợ chặt chẽ, đúng quy định, công khai, minh bạch, công tác kế toán, lập báo cáo Quỹ, các nghiệp vụ phát sinh của Quỹ đã được phản ánh đầy đủ, kịp thời...

Tiếp tục thực hiện toàn diện các mặt công tác

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đã đạt được, đồng thời đề nghị đơn vị cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị năm 2022.

Các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ
Thứ trưởng Trần Xuân Hà phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Đức Minh

Trong năm tới, Thứ trưởng Trần Xuân Hà yêu cầu Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại rà soát lại việc đàm phán các hiệp định khung và hiệp định vay cụ thể, trong đó, ngoài các điều kiện, điều khoản, cần lưu ý các khoản vay có điều kiện ràng buộc như điều kiện về đấu thầu hạn chế, về thuế.

Thứ trưởng đề nghị, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại tiếp tục thẩm định các chương trình, dự án chặt chẽ, làm rõ sự cần thiết của các dự án, cơ chế tài chính đảm bảo hiệu quả.

Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại phối hợp với các bộ, ngành để giải ngân vốn nhanh, tháo gỡ vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án…

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, năm 2021, những nhiệm vụ lớn của Cục đã cơ bản hoàn thành, góp phần tích cực cho công tác quản lý tài chính, ngân sách nói chung, mối quan hệ hợp tác với các đơn vị trong và ngoài Bộ tiếp tục phát triển.

Theo Cục trưởng Trương Hùng Long, căn cứ vào chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Xuân Hà, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại sẽ rà soát lại để hoàn thành chương trình công tác năm 2022 sát với yêu cầu đổi mới quản lý chung của ngành, của lĩnh vực cũng như ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, đồng thời tập thể đơn vị sẽ nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm 2022.

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam