Ra quân ngay từ ngày đầu, phấn đấu thu ngân sách vượt dự toán năm 2022

17:41 | 05/01/2022 Print
(TBTCO) - Năm 2022, cơ quan Thuế và Hải quan sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thu ngân sách. Phát động các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước được giao ngay từ ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm 2022.

Giao chỉ tiêu phấn đấu tăng thu cho từng cục thuế

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi kinh tế trong nước vẫn còn khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, để đảm bảo hoàn thành dự toán pháp lệnh, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp cụ thể, phấn đấu hoàn thành dự toán năm 2022.

Trước hết, cơ quan Thuế và Hải quan sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thu ngân sách. Tập trung triển khai đầy đủ các giải pháp của Chính phủ về triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước được giao ngay từ ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm 2022.

Tổng cục Thuế sẽ tiến hành rà soát, giao chỉ tiêu phấn đấu tăng thu cho các cục thuế phù hợp với thực tế tại các địa bàn, đảm bảo thu ngân sách tăng so với dự toán pháp lệnh đã được Quốc hội giao, làm cơ sở để cơ quan thuế các cấp triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp công tác quản lý thuế ngay từ đầu năm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN và thu ngân sách trung ương năm 2022.

Ra quân ngay từ ngày đầu, phấn đấu thu ngân sách vượt dự toán năm 2022
Mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tổ chức sản xuất an toàn. Ảnh: NM.

Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế và có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời, dự báo thu hàng tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh.

Bên cạnh đó, rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp về chính sách và quản lý thu hiệu quả, kiến nghị với UBND các địa phương tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.

Chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe của doanh nghiệp, hoạt động sản suất, kinh doanh của người nộp thuế thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh. Tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế, tổng hợp mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vướng mắc cho người nộp thuế, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN.

Tăng cường quản lý, chống thất thu thuế

Cùng với việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế, cơ quan Thuế cũng thường xuyên bám sát, cập nhật tình hình thực tiễn, thời sự ảnh hưởng đến tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của đơn vị; bám sát chỉ đạo, định hướng của Quốc hội, Chính phủ; nắm bắt thông tin về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2022 theo đúng định hướng của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Chủ động thông báo kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 cho các đối tượng thanh tra, kiểm tra. Xây dựng kế hoạch chi tiết, phân khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 đã được phê duyệt; tiến hành khảo sát, nắm tình hình ngay đầu năm 2022. Bố trí lực lượng dự phòng trong trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Tài chính.

Cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, hải quan

Ngành Thuế chủ trương tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Tiếp tục triển khai nâng cấp các thủ tục hành chính thuế mức độ 2 lên mức độ 3,4. Tích hợp thủ tục hành chính thuế lên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện giao dịch trực tuyến với chi phí thấp nhất; giảm bớt các loại hồ sơ giấy tờ khi thực hiện hình thức giao dịch điện tử.

Cùng với đó, ngành Hải quan cũng tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, phương tiện vận tải; giảm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan. Tiếp tục mở rộng việc ký kết nộp thuế điện tử với các ngân hàng thương mại theo đề án nộp thuế 24/7.

Để công tác chống thất thu đạt hiệu quả cao, cơ quan thuế cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong ngành Tài chính và với các cơ quan chức năng khác như: Cơ quan cảnh sát điều tra, tòa án, kiểm toán nhà nước, ngân hàng nhà nước để phát hiện sớm các trường hợp vi phạm về quản lý tài chính, quản lý tài sản, thực hiện nghĩa vụ với NSNN để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế, hải quan và trong toàn ngành; tăng cường đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng, qua đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chống các hành vi gian lận; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thông tin phục vụ thanh tra, kiểm tra ngành Tài chính.

Riêng đối với ngành Hải quan, sẽ tăng cường chống thất thu qua công tác giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc vận chuyển trái phép, thẩm lậu vào nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá, hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu; tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan (hàng quá cảnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất).

Đẩy mạnh chống thất thu qua công tác kiểm tra sau thông quan, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh...

Nhật Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam