PV Power (POW): Nghịch lý cổ phiếu tăng nóng dù lợi nhuận cuối năm tuột dốc

09:48 | 06/01/2022 Print
(TBTCO) - Cổ phiếu POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí – CTCP (sàn HOSE) tăng giá liên tục thời gian qua trong bối cảnh lợi nhuận năm 2021 của doanh nghiệp này tuột giảm so với năm 2020. Đặc biệt, doanh nghiệp thua lỗ trong quý cuối cùng của năm.

Lợi nhuận quý IV "đo sàn", cổ phiếu POW vẫn tăng

Cổ phiếu POW mở đầu phiên giao dịch đầu năm 2021 với 2 phiên tăng điểm liên tiếp. Với bối cảnh này, kỳ vọng con sóng cổ phiếu ngành năng lượng này liệu có còn năng lượng để bùng nổ tiếp hay không vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Nhìn lại thời gian qua, cổ phiếu POW đã có một nhịp tăng tốc khá ấn tượng trong khoảng hơn 2 tháng trở lại đây. Thị giá cổ phiếu này thời điểm đầu tháng 11/2021 chỉ khoảng hơn 12.000 đồng/cổ phiếu, nhưng đến giai đoạn các phiên cuối cùng tháng 12/2021 đã tiệm cận mốc 18.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng gần 1,5 lần trong giai đoạn này. 2 phiên giao dịch đầu năm 2022, POW tiếp tục thăng hoa khi chinh phục các mốc giá mới, đạt 19.000 đồng/cổ phiếu lúc đóng cửa phiên 5/1.

PV Power (POW): Nghịch lý cổ phiếu tăng nóng dù lợi nhuận cuối năm tuột dốc
PV Power (POW): Nghịch lý cổ phiếu tăng giá dù lợi nhuận cuối năm tuột dốc
Lãi quý IV/2021 giảm, Becamex IJC vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng năm 2022 Tập đoàn Lộc Trời (LTG): Cổ phiếu lao dốc và “điểm gợn” hàng tồn kho PV Power đặt mục tiêu năm 2021 đạt doanh thu 28,4 nghìn tỷ đồng

Cổ phiếu POW đi lên trong 2 tháng qua một phần cũng có thể lý giải là sự cộng hưởng của nhịp tăng giá chung của thị trường trong giai đoạn này. Tuy nhiên, so sánh với chỉ số chung thì tốc độ tăng giá của cổ phiếu POW giai đoạn này tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng bình quân chung của thị trường. Chỉ số VN-Index thời điểm đầu tháng 11/2021 ở mặt bằng khoảng 1.450 điểm, và đến phiên cuối cùng năm 2021 tiệm cận mốc 1.500 điểm, trong giai đoạn này VN-Index tuy cũng ghi nhận giai đoạn đi lên, nhưng tốc độ tăng chỉ khoảng gần 3,5%.

Điều đáng chú ý là cổ phiếu POW bước vào giai đoạn thăng hoa trong bối cảnh lợi nhuận của doanh nghiệp này đi xuống trong năm 2021, đặc biệt tụt giảm mạnh trong quý cuối cùng của năm.

Theo ước tính, lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 của PV Power có thể đạt khoảng 2.184 tỷ đồng. Với kết quả này, xu hướng lợi nhuận 3 năm qua của PV Power ngày một giảm. Cụ thể lợi nhuận trước thuế năm 2019 là 3.193 tỷ đồng, sau đó đã giảm khoảng 10% trong năm 2020 và tiếp tục giảm sâu thêm 24% trong năm 2021.

Sự sụt giảm lợi nhuận của PV Power chủ yếu rơi vào quý IV/2021 bởi cho đến cuối quý III/2021, lợi nhuận của công ty vẫn ghi nhận tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, chính trong thời điểm cổ phiếu POW thăng hoa trên sàn thì cũng là lúc tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này tuột dốc.

9 tháng đầu năm 2021, PV Power đạt doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ là 20.967 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của công ty cho đến cuối tháng 9 vẫn tăng trưởng tới 32,4% so với cùng kỳ, đạt 2.308 tỷ đồng.

Mối tương quan với nhóm năng lượng

Dự báo kết quả lợi nhuận cả năm 2021 của PV Power là 2.184 tỷ đồng, thấp hơn kết quả 2.308 của 9 tháng đầu năm thể hiện công ty ngành điện này đã bị thua lỗ trong quý IV/2021. Kết quả này có phần do hệ quả của sự cố kỹ thuật của Tổ máy số 1, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 xảy ra hồi tháng 9/2021.

Theo nội dung giải trình của PV Power, mức độ và giải pháp khắc phục cần phải có thời gian và sự tham gia của bên liên quan (nhà sản xuất gốc, đơn vị bảo hiểm, đơn vị giám định…). PV Power hiện đã thuê nhà sản xuất gốc Toshiba (Nhật Bản) đánh giá hư hỏng, đồng thời mời khảo sát và gửi các thông tin liên quan đến sực cố tới các đơn vị sửa chữa.

Công ty cũng đã làm việc với đơn vị giám định tổn thất bảo hiểm về phương án khắc phục sự cố. Đến tháng 12, PV Power mới có được báo cáo khảo sát, đánh giá của các bên liên quan, bước đầu xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố là do mất nguồn điện tự dùng cung cấp cho các bơm dầu bôi trơn và bơm dầu khẩn tuabin máy phát.

Sự cố tại Tổ máy số 1, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 được PV Power tự đánh giá là có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2021 của công ty. Tuy nhiên, nghịch lý trên thị trường là cổ phiếu này vẫn tăng giá không chỉ sau giai đoạn sự cố xảy ra, mà ngay cả sau khi công ty tiết lộ kết quả lợi nhuận cả năm 2021 thậm chí sẽ thấp hơn lợi nhuận của 9 tháng đầu năm.

Cổ phiếu POW sau khi tăng trần trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022 (phiên ngày 4/1) đã tiếp tục có thời điểm tăng trần trong phiên giao dịch tiếp theo (phiên ngày 5/1). Chốt phiên 5/1, cổ phiếu này tuy không còn “nóng” như thời điểm đầu phiên, nhưng vẫn có một phiên tăng điểm và ghi nhận giá đóng cửa là 19.000 đồng/cổ phiếu, tăng 300 đồng/cổ phiếu so với phiên trước và tăng 1.500 đồng/cổ phiếu so với ngày 31/12/2021.

Bối cảnh hiện nay cho thấy, xu hướng giá cổ phiếu POW trong những phiên tới đây ra sao sẽ là một ấn số thú vị đối với các nhà đầu tư. Trong khi đó, việc so sánh tương quan cổ phiếu này với các cổ phiếu năng lượng khác cũng có sự khó khăn nhất định do với ngành năng lượng, mỗi doanh nghiệp cũng có tính chất đặc thù riêng khác nhau khá nhiều.

Tuy cũng cùng nhóm ngành năng lượng, nguyên liệu đầu vào của PV Power chủ yếu là khí đốt, với chi phí giá đầu vào hoàn toàn khác so với các doanh nghiệp điện sử dụng nguyên liệu than và cũng càng khác với các doanh nghiệp thủy điện hoặc điện gió, hay điện mặt trời…

Nhìn lại kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của PV Power so với một số doanh nghiệp ngành năng lượng khác thì có thể thấy không có một quy luật chung rõ ràng đối với nhóm cổ phiếu này.

PV Power đạt mức tăng lợi nhuận sau thuế khoảng 36,7% so với 9 tháng đầu năm 2020. Mức tăng trưởng này tỏ ra tốt hơn khá nhiều so với sự suy giảm 56% về lợi nhuận của một doanh nghiệp ngành điện khác là Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã cổ phiếu PPC).

Tuy nhiên, sự tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng của PV Power lại vẫn lép vế hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng lên tới 650% của Công ty ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (mã cổ phiếu VSH).

Trong khi đó, với một công ty ngành công nghiệp, nhưng cũng có đầu tư khá nhiều vào lĩnh vực năng lượng là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã cổ phiếu REE) thì có mức tăng trưởng lợi nhuận ở mức vừa phải là 15,5%, cũng vẫn thấp xa so với độ tăng trưởng như của PV Power.

Tuy vậy, nhà đầu tư đánh giá về sức khỏe tài chính của PV Power cũng có thể có thêm những yếu tố khác để cân nhắc bởi công ty này cũng đối diện với rủi ro thu nợ khá gian nan với khoản gần 800 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi ghi nhận tại thời điểm cuối quý III/2021.

So sánh lợi nhuận 9 tháng của PV Power với một số doanh nghiệp năng lượng (tỷ đồng)

PV Power

Nhiệt điện Phả Lại

Vĩnh Sơn Sông Hinh

REE

Doanh thu thuần

20.967

3.346

977

3.912

Lợi nhuận sau thuế

2.033

223

195

1.212

Tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ

36,7%

-56%

650%

15,5%

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam