Kiểm soát chặt biên giới, tập trung chống buôn lậu có trọng điểm

12:57 | 06/01/2022 Print
(TBTCO) - Năm 2021, hoạt động kiểm soát các cửa khẩu, biên giới trên cả nước được siết chặt hơn bao giờ hết để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, với nhiều thủ đoạn tinh vi, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp ở một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng dịp cuối năm
Tập huấn phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ biên giới
Lô hàng lậu trị giá hơn 2,6 tỷ đồng do Hải quan An Giang tham gia Tổ liên ngành chống buôn lậu bắt giữ.
Lô hàng lậu trị giá hơn 2,6 tỷ đồng do Hải quan An Giang tham gia Tổ liên ngành chống buôn lậu bắt giữ.

Xé lẻ, thẩm lậu hàng hóa

Trên tuyến biên giới đất liền, tại các tỉnh biên giới phía Tây Nam, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng qua biên giới vẫn diễn ra phức tạp và có xu hướng tăng mặc dù có sự kiểm soát chặt chẽ bởi các lực lượng chức năng.

Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép hàng giữa các tỉnh có biên giới giáp ranh hoạt động tinh vi và phức tạp, như: Dùng ống nước bỏ thuốc lá ngoại vào, bịt kín 2 đầu, cho xuống sông kéo về phía Việt Nam; xé lẻ hàng cất giấu trong mặt hàng thiết yếu sau đó thuê vận chuyển bằng phương tiện xe tải nhỏ hoặc xe gắn máy; còn xảy ra tình trạng một số lượng hàng hóa tạm nhập tái xuất, quá cảnh thực tế đã làm thủ tục và xuất qua biên giới nhưng sau đó thẩm lậu ngược trở lại Việt Nam.

Tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới diễn ra phức tạp, các vụ việc đã phát hiện, bắt giữ với số lượng ma túy lớn, đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh và manh động, có trường hợp đối tượng sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả khi bị bao vây, bắt giữ.

Trên tuyến biển, cảng biển, tình hình tội phạm, vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên biển và địa bàn liên quan vẫn diễn ra phức tạp.

Tận dụng dịp trước Tết Nguyên đán, nhu cầu hàng hóa của người dân tăng mạnh, các đối tượng tăng cường hoạt động mạnh mẽ; trên tuyến biển hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng có lợi nhuận cao như dầu DO, than, hàng thủy sản, pháo nổ, hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng đông lạnh (nội tạng động vật, thịt trâu, thịt bò, chân gà...).

Đối với hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy, các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ Lào, Campuchia về Việt Nam theo đường bộ, sau đó cất giấu, ngụy trang ma túy trong hàng hóa xuất khẩu để chuyển đi nước thứ ba theo đường biển, với số lượng lớn.

Trong khi đó, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến đường hàng không và bưu chính quốc tế có chiều hướng giảm do các chuyến bay quốc tế tiếp tục bị gián đoạn, ngưng trệ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Các đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu, như: Sản phẩm từ động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, ma túy, xì gà, điện thoại di động, các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế thông qua các bưu kiện hàng hóa là quà tặng, quà biếu... được gửi từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ.

Thống kê cho thấy, từ 16/12/2020 đến 15/11/2021, lực lượng kiểm soát hải quan toàn ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 13.413 vụ vi phạm pháp luật Hải quan. Số lượng này giảm 5,22% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.554 tỷ đồng (giảm 39,63% so với cùng kỳ 2020). Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 270,4 tỷ đồng (giảm 43,12% so với cùng kỳ 2020).

Kịp thời ngăn chặn buôn lậu các mặt hàng tân dược, thiết bị, sinh phẩm y tế

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, nhất là dịp cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Tổng cục Hải quan sẽ ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Theo ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã và đang yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường chỉ đạo, quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm đến các đơn vị nghiệp vụ; chủ động tổ chức lực lượng, tập trung nguồn lực, phương tiện nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để thực hiện nhiệm vụ được giao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm; mặt hàng trọng điểm, rủi ro cao... sẽ được tăng cường song song với việc chú trọng công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát để chủ động phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời những vụ việc lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để buôn lậu các mặt hàng tân dược, thiết bị y tế, sinh phẩm y tế và các loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.

Đặc biệt, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đấu tranh với các hành vi lợi dụng chính sách, thủ tục đối với việc từ chối nhận hàng và tái xuất để buôn lậu...; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, tiền chất…

Ngành Hải quan cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp trong nước và quốc tế trên mặt trận chống buôn lậu.

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam