Chính sách tài chính tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

14:52 | 06/01/2022 Print
(TBTCO) - Năm 2021, hoạt động kinh tế - xã hội của hầu hết các địa phương đều phần nào bị đình trệ bởi các đợt giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Tuy vậy, với nhiều giải pháp, nhiều địa phương vẫn vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các lãnh đạo tỉnh, thành phố phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2021 đều thống nhất rằng, sự hỗ trợ của ngành Tài chính thông qua các cơ chế, chính sách đã tạo động lực cho địa phương phục hồi và phát triển.
Ngành Tài chính đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế năm 2021 Quyết tâm đổi mới của Chính phủ tạo động lực cho các địa phương phát triển Cải cách là động lực phát triển của ngành Tài chính
Chính sách tài chính tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Bà Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại đầu cầu Thái Nguyên. Ảnh: Đức Minh.

Bà Nguyễn Thanh Hải – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên: Thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay

Năm qua, với các giải pháp, chính sách tài khóa rất hiệu quả, ngành Tài chính đã đạt được những kết quả rất ấn tượng.

Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của cơ quan Tài chính các cấp, từ trung ương đến địa phương, Thái Nguyên cũng đã có một năm “bội thu” trong việc thực hiện các nhiệm vụ.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,5%. Mặc dù khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nhưng tổng thu ngân sách nhà nước của Thái Nguyên lần đầu tiên chạm mốc 18 nghìn tỷ đồng. Đây là số thu cao nhất từ trước đến nay.

Cùng với đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7%, đứng thứ 4 cả nước. Giá trị xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 2,4%, duy trì hạng thứ 4 cả nước.

Kết thúc 2021, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đạt 143% kế hoạch giao. Đây là sự cố gắng của tỉnh và cũng đạt được nhờ sự động viên, chỉ đạo sát sao của ngành Tài chính. Việc giải ngân đó là “cứu cánh” cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

"Trong năm tới, chúng tôi hứa sẽ quyết tâm xây dựng Thái Nguyên trở thành “Tỉnh bình yên, hạnh phúc, sung túc, phát triển”, hướng tới trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại không chỉ của vùng núi trung du phía Bắc mà còn của vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030", bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Chính sách tài chính tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Thành phố sẽ tăng cường các biện pháp quản lý thu, chống thất thu trong năm tới. Ảnh: Đức Minh.

Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng: Thoát khỏi mức tăng trưởng âm của năm 2020

Trong năm 2021, thành phố đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, kinh tế thành phố đang dần khôi phục và thoát khỏi mức tăng trưởng âm của năm 2020.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 tăng 0,18% so với năm 2020. Nhìn chung mức độ phục hồi kinh tế còn chậm nhưng cũng là tín hiệu tích cực cho nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 và ổn định, khôi phục kinh tế - xã hội của toàn thành phố trong năm mới 2022.

Tính đến thời điểm 31/12/2021, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 22.824 tỷ đồng, vượt gần 8% dự toán trung ương giao. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 106% dự toán, trong đó chi xây dựng cơ bản đạt 110% dự toán giao, chi thường xuyên đạt 104% dự toán giao.

Thành phố đã cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu về tài chính ngân sách mà trung ương giao, đảm bảo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và quốc phòng – an ninh trên địa bàn, nhất là đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2022, Thành phố sẽ tăng cường các biện pháp quản lý thu, chống thất thu, có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu ngân sách phù hợp, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước; điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, tập trung cho đầu tư phát triển, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19; hỗ trợ khôi phục, phát triển kinh tế và an sinh xã hội, các nhiệm vụ quan trọng.

Chính sách tài chính tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Ông Lê Anh Quân phát biểu tại đầu cầu Hải Phòng. Ảnh: Đức Minh.

Ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng: Khánh thành nhiều dự án hạ tầng quan trọng

Với tinh thần quyết tâm cao, chủ động thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phải duy trì nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hải Phòng đã đạt được một số kết quả như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố năm 2021 cao nhất cả nước. Khởi công và khánh thành nhiều dự án hạ tầng quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ đều đạt được những kết quả quan trọng. Các chính sách về an sinh xã hội luôn đi đầu cả nước, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thành phố được cải thiện, nâng cao.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và tăng 23,7% so với dự toán trung ương giao. Trong đó: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 57,8 nghìn tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ và tăng 16,7% so với dự toán trung ương giao. Thu nội địa đạt 36,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ và tăng 38% so với dự toán trung ương giao.

Chi ngân sách địa phương năm 2021 đạt 29,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ và tăng 35% so với dự toán trung ương giao. Trong đó: Tổng chi đầu tư phát triển đạt 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng 72,3% so với cùng kỳ và tăng 78,9% so với dự toán; chi thường xuyên đạt 12,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ và tăng 5,6% so với dự toán.

Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2022, Hải Phòng đề nghị Bộ Tài chính sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung đối với các quy định hiện nay về chi phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 mà đang quy định có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2021 để các địa phương căn cứ triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, với nhu cầu đầu tư rất lớn, nguồn ngân sách thành phố dành cho đầu tư phát triển hàng năm chưa thể đáp ứng được yêu cầu đề ra, việc huy động từ các nguồn vốn vay là một trong những giải pháp cần thiết và hiệu quả để huy động nguồn lực, đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển ngày càng cao của thành phố. Hải Phòng kính đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép đưa trái phiếu chính quyền địa phương thành phố Hải Phòng vào danh mục giấy tờ có giá được sử dụng cho giao dịch của Ngân hàng Nhà nước.

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam