Đại biểu lo làm cao tốc Bắc – Nam “lệch pha” với chương trình phục hồi kinh tế

09:31 | 07/01/2022 Print
Chiều 6/1, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Đề xuất đầu tư 146.990 tỷ đồng cho cao tốc Bắc - Nam phía Đông Cao tốc Bắc – Nam: Mặt đường 17m khó đảm bảo hiệu quả khai thác Kiến nghị dành 72.497 tỷ đồng từ gói phục hồi kinh tế cho cao tốc Bắc - Nam

Theo tờ trình của Chính phủ, giai đoạn 2021 - 2025 dự án đầu tư 729 km trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập. Do thực tiễn triển khai các dự án trong thời gian qua cho thấy việc đầu tư theo phương thức PPP còn gặp nhiều khó khăn, Chính phủ kiến nghị triển khai theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án được tính toán khoảng 146.990 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (chiếm 81,4%). Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 Quốc hội đã bố trí 47.169 tỷ đồng, phần còn thiếu (khoảng 72.497 tỷ đồng) Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và từ nguồn vốn ngân sách đã bố trí cho ngành Giao thông vận tải trong giai đoạn 2021 - 2025. Giai đoạn 2026 - 2030 bố trí khoảng 27.324 tỷ đồng.

Họp tổ 9
Các đại biểu thảo luận tại tổ chiều 6/1.

Hết sức quyết liệt mới triển khai kịp

Thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án. Bên cạnh đó, một số đại biểu băn khoăn về một số vấn đề liên quan đến suất đầu tư, thời gian triển khai, quy mô triển khai dự án…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng suất đầu tư của dự án là hơn 200 tỷ đồng/km là hơi cao, cần tính toán kỹ, nhất là khi làm với cơ chế cho chỉ định thầu. Cũng băn khoăn về vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhắc lại ý kiến của Kiểm toán Nhà nước tại báo cáo gần đây. Theo đó, cơ quan kiểm toán đã tính toán lại mức đầu tư bình quân là 152,9 tỷ đồng/km (không tính chi phí giải phóng mặt bằng), thấp hơn phương án của Chính phủ là bình quân 175,4 tỷ đồng/km (không bao gồm giải phóng mặt bằng). “Phải xem lại suất đầu tư tính toán thế nào. Nếu suất đầu tư lớn quá thì phải hết sức quan tâm”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Về thời gian triển khai dự án, Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường cho rằng dự án lại “lệch pha” với thời gian triển khai gói hỗ trợ kinh tế, dự kiến là 2 năm, trong khi dự án có thể kéo dài đến năm 2026. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Phú Cường cũng băn khoăn về việc một số đoạn chỉ có 4 làn đường, không có làn dừng khẩn cấp. Theo Bộ Giao thông vận tải, nếu làm thêm 2 làn dừng khẩn cấp sẽ làm tăng chi phí thêm 50 nghìn tỷ đồng. Song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách lo ngại nếu không có làn dừng khẩn cấp sẽ khó đảm bảo an toàn trong giao thông trên đường cao tốc.

Thời gian thực hiện dự án kéo dài liệu có “lệch pha” trong nỗ lực phục hồi kinh tế cũng là vấn đề đại biểu Trịnh Xuân An quan tâm. Theo đại biểu, khi lấy vốn từ chương trình phục hồi kinh tế trong 2 năm cho dự án kéo dài 5 năm hoặc lớn hơn thì sức ép giải ngân cho Chính phủ, Bộ Giao thông rất lớn. Dự kiến đến năm 2023 mới khởi công được, dự án đòi hỏi phải được tính toán kỹ để vốn giải ngân đúng kế hoạch đặt ra, tránh lệch pha phục hồi kinh tế xã hội. Không chỉ các dự án cao tốc Bắc Nam này mà còn mấy chục dự án khác Chính phủ đã trình trong chương trình phục hồi kinh tế, muốn hiệu quả phải hết sức quyết liệt mới có thể triển khai kịp, đại biểu nhấn mạnh.

Mức đầu tư dự án mới chỉ là khái toán ban đầu

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về mục tiêu triển khai hình thức đầu tư PPP để thu hút vốn xã hội cho cơ sở hạ tầng, nhưng nay hầu hết các dự án đã chuyển sang đầu tư công. Như vậy, phải chăng hiệu lực thi hành của Luật PPP mới được ban hành đang có vấn đề lớn. Không chỉ với giao thông, mà PPP còn được áp dụng với nhiều công trình quan trọng khác. Nếu thiếu vốn nguồn huy động từ xã hội, việc đầu tư luôn phải phụ thuộc vốn ngân sách là không ổn. Một số ý kiến đề nghị làm rõ về quy trình nhượng quyền, thu vốn của các dự án cao tốc.

Họp tổ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại tổ.

Phát biểu tại tổ về một số vấn đề đại biểu băn khoăn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết so với phương án tính toán lúc đầu là có 4 dự án thực hiện BOT, thì phương án được trình hiệu quả và hợp lý hơn. Khi xây dựng dự án, sẽ giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng phương án đặt các trạm thu phí, dự kiến khoảng 4 trạm, sau khi có phương án thì đấu thầu chọn nhà đầu tư hiệu quả nhất để chuyển nhượng quyền thu phí. Sau thời gian thu phí sẽ trả lại cho Nhà nước. Với phương án này, thời gian thu hồi vốn có thể ngắn hơn nhiều so với thời gian 15 năm như tính toán ban đầu.

Về mức đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết mức đầu tư này mới là khái toán, khi chưa có thiết kế, lập dự toán, phương án đền bù… thì chưa thể có mức đầu tư cụ thể. Mức chi phí đầu tư đường cao tốc còn tùy thuộc điều kiện địa hình, địa chất. Khi phê duyệt dự án, Bộ Giao thông vận tải phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về mức chính xác của dự toán, tổng mức đầu tư. Còn như hiện nay mới chỉ là khái toán ban đầu.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam