“Xông đất” năm mới với 3 điều mới

09:47 | 07/01/2022 Print
(TBTCO) - Đúng ngày làm việc đầu tiên của năm 2022, ngày 4/1/2022, Quốc hội khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất. “Xông đất” năm mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu lên 3 điều mới: niềm tin mới, khí thế mới và quyết tâm mới sẽ mang đến thắng lợi không chỉ trong năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 - 2025.

Không thua kém ai

Nội dung hàng đầu của Kỳ họp bất thường là Quốc hội (QH) xem xét thông qua nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch Covid-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh và phúc lợi xã hội. Đây là chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được QH quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Đúng ngày làm việc đầu tiên của năm 2022, ngày 4/1/2022, Quốc hội khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
Đúng ngày làm việc đầu tiên của năm 2022, ngày 4/1/2022, Quốc hội khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhận xét cơ bản các chính sách tài khoá, tiền tệ được trình QH lần này đã bảo đảm đúng định hướng: kết hợp cả tài khoá và tiền tệ; tác động cả phía cung và phía cầu; quy mô đủ lớn; thời gian đủ dài; phân bổ vốn vào các lĩnh vực giải ngân được ngay, tạo ra được hiệu quả cho nền kinh tế. Tính theo giá trị thực tế và thống kê chưa đầy đủ thì giá trị gói chính sách vào khoảng 5,25% GDP, cộng với các chính sách hỗ trợ được thực hiện trong 2 năm 2020 - 2021 thì tổng quy mô hỗ trợ gần 10% GDP, cao gấp đôi so với mức bình quân của các nước có điều kiện tương tự như Việt Nam.

Sau nhiều tháng bàn thảo, “cân đo đong đếm” xuyên ngày đêm, cuối cùng, Chính phủ đã chốt được gói hỗ trợ cho nền kinh tế để trình QH khoảng 340 nghìn tỷ đồng - một gói hỗ trợ lớn nhất trong lịch sử. Tuy đây vẫn không phải là con số nhiều như các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, nhưng so với nhiều nước thì Việt Nam cũng đã không thua kém ai trong hỗ trợ.

Gói hỗ trợ nếu được Quốc hội thông qua sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vượt qua khó khăn.
Gói hỗ trợ nếu được Quốc hội thông qua sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vượt qua khó khăn.

Các nền kinh tế lớn như Đức, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Canada... tung các gói hỗ trợ với quy mô trung bình tương đương 9,7% GDP, chỉ riêng có quốc gia giàu nhất thế giới là Mỹ chơi trội với gói hỗ trợ lên tới 28% GDP. Còn tại châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Malaysia đưa ra các gói hỗ trợ ở mức khoảng 10 - 14% GDP.

Bên nặng, bên nhẹ

Ngay trong ngày đầu tiên được đưa ra QH, các chính sách hỗ trợ trong gói gần 340 nghìn tỷ đồng này đã được đại biểu QH bàn thảo sôi nổi, mà nổi lên trong đó là luồng đánh giá cho rằng chính sách tiền tệ còn nhẹ quá so với chính sách tài khóa. Trong khi tổng quy mô gói hỗ trợ kinh tế từ chính sách tài khóa là 291.000 tỷ đồng (gồm 240.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước) thì từ chính sách tiền tệ chỉ vỏn vẹn khoảng 46.000 tỷ đồng.

Nỗi lo của Quốc hội

Canh cánh nỗi lo chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là gói chính sách bổ sung, nằm ngoài các khung khổ 5 năm 2021 - 2025 đã được Quốc hội (QH) quyết định tại Kỳ họp thứ Nhất, QH Khoá XV, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh về việc nếu QH quyết định không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với sự phát triển của đất nước.

Cho rằng rủi ro chính sách là có, Chủ tịch QH nêu rõ yêu cầu phải phân bổ nguồn lực cho đúng, trúng, sử dụng hiệu quả, khả thi, có tính lan toả cao. Thời gian thực hiện chỉ có 2 năm, nếu không bảo đảm triển khai nhanh, hiệu quả thì không còn là gói hỗ trợ khẩn cấp. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh đề nghị xác định rõ và bổ sung quan điểm nguồn lực đưa ra phải hấp thụ được ngay trong 02 năm triển khai Chương trình (2022 - 2023).

Quan tâm đến tình hình hiện nay không chỉ lây lan của dịch Covid – 19 mà còn "lây lan" hành vi trục lợi chính sách, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) thấy để bảo đảm hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong quá trình thực thi cần bảo đảm công khai, minh bạch, cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ, đạo đức xã hội.

"Chúng ta bỏ ra lượng lớn tiền từ chính sách tài khoá, nhưng đối với chính sách tiền tệ lại chưa đúng với kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Chưa có sự cân đối giữa gói chính sách hỗ trợ tài khoá và tiền tệ. Chính phủ cần có tính toán thêm để cân bằng vai trò của chính sách tiền tệ trong tổng thể chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế lần này” - Uỷ viên Uỷ ban Quốc phòng an ninh Trịnh Xuân An nói. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường bình luận “gói tiền tệ còn mờ nhạt”. Ngay cả 40.000 tỷ đồng hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp thì cũng vẫn là chính sách tài khoá bỏ ra.

Chia sẻ về sức nặng của chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, trong gói chính sách tài khóa 291.000 tỷ đồng, thì có giảm thuế 64.000 tỷ đồng, gấp 3 lần mức giảm thuế của năm 2021 (năm 2021 chỉ giảm 21.500 tỷ đồng), đặc biệt trong đó giảm 2% thuế giá trị gia tăng hỗ trợ doanh nghiệp bứt phá phát triển. Cùng đó là nhiều chính sách rất nhân văn như bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; tăng thêm tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; nhà ở xã hội…

Phải chấp nhận vượt rào

Gói hỗ trợ nếu được triển khai trên thực tế sẽ phải chấp nhận một số chỉ tiêu về an toàn tài chính quốc gia phải “vượt rào”. Theo tính toán của Chính phủ, việc thực hiện này sẽ làm bội chi NSNN bình quân năm 2022 - 2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm; nợ công đến cuối năm 2025 khoảng 49 - 50% GDP; nợ chính phủ 45 - 46% GDP. Đáng chú ý, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể có năm vượt 25%.

Chính phủ đề nghị QH cho tăng bội chi NSNN để có nguồn thực hiện chương trình, với tổng số tiền là 240 nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2022 - 2023; trong đó năm 2022 khoảng 102,8 nghìn tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi NSNN lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán NSNN năm 2022 đã được QH thông qua). Cho phép nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN bình quân giai đoạn 2021 - 2025 có thể cao hơn 25%; tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương có thể cao hơn Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia QH đã phê duyệt.

Nêu quan điểm trước những đề nghị này, Ủy ban Kinh tế của QH tán thành tăng bội chi từ 1% đến 1,2%/GDP mỗi năm (2022, 2023). Đối với một số chỉ tiêu khác liên quan đến kế hoạch tài chính quốc gia, vay và trả nợ 5 năm, cơ quan này đề nghị trước mắt cân nhắc việc điều chỉnh; thực hiện điều chỉnh linh hoạt trong 2 năm 2022 - 2023 nhưng cần có giải pháp để phấn đấu đạt các chỉ tiêu tài chính quốc gia 5 năm vào cuối giai đoạn 2021 - 2025.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - (TP. Hồ Chí Minh) quả quyết, việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ chắc chắn sẽ làm tăng bội chi ngân sách, dự kiến chi ngân sách nhà nước trong năm 2022 cũng đã phải điều chỉnh tăng thêm. Tuy nhiên, nếu gói hỗ trợ phát huy hiệu quả sẽ giúp tăng thu ngân sách và góp phần làm tăng GDP, nên nếu tính số tương đối bội chi/GDP thì sẽ không có biến động lớn. Nói cách khác, triển khai gói hỗ trợ này sẽ làm tăng bội chi, nhưng tác động của bội chi trên GDP sẽ không có thay đổi lớn nếu các chính sách được triển khai hiệu quả, đến đúng đối tượng.

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam