Gói hỗ trợ phải tập trung vào những lĩnh vực cấp bách để phục hồi kinh tế

09:38 | 08/01/2022 Print
(TBTCO) - Gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế cần tập trung vào những lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch hoặc giải quyết những vấn đề cấp bách, nút thắt để phục hồi kinh tế. Còn với nguồn vốn nhỏ mà dàn trải ra nhiều dự án, kéo dài nhiều năm thì sẽ không còn ý nghĩa phục hồi như mong muốn. Đây là quan điểm được GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội nhấn mạnh, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về các giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa được Chính phủ trình ra Quốc hội.
Gói hỗ trợ phải tập trung vào những lĩnh vực cấp bách để phục hồi kinh tế

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được trình ra Quốc hội?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Đây là nội dung quan trọng của kỳ họp bất thường và được người dân, doanh nghiệp rất quan tâm. Trong thiết kế các giải pháp, tôi đánh giá cao sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Tuy tỷ lệ nợ công còn thấp, nhưng mục tiêu của chúng ta là ưu tiên ổn định vĩ mô. Nếu huy động nguồn lực thông qua tăng nợ công quá lớn thì rất có thể sẽ dẫn đến những bất ổn về kinh tế vĩ mô, về kiểm soát lạm phát, nên rất cần kết hợp cả tài khóa và tiền tệ. Một mặt ta dùng ngân sách để hỗ trợ lãi suất, khiến doanh nghiệp có thể tiếp cận lãi suất thấp mà không buộc ngân hàng phải hạ lãi suất. Khi lượng tiền đưa vào lưu thông nhiều thì đồng thời áp dụng chính sách tài khóa như phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ thu hút dòng tiền đó vào, hỗ trợ cho nhau để kiểm soát lạm phát. Cách thiết kế của gói tài khóa - tiền tệ như vậy tôi cho là rất hợp lý. Đó là cơ sở để chúng ta kỳ vọng rằng khi triển khai gói này sẽ không gây bất ổn về kinh tế vĩ mô.

Gói hỗ trợ phải tập trung vào những lĩnh vực cấp bách để phục hồi kinh tế
Đại biểu Hoàng Văn Cường

Bên cạnh đó, trong gói này cũng duy trì nhiều chính sách tài khóa hiệu quả mà chúng ta đã thực hiện từ năm 2020, kết hợp những chính sách tài khóa mới như là miễn giảm thuế giá trị gia tăng 2%, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô… Điều này bổ sung thêm nguồn lực bên cạnh chính sách hỗ trợ lãi suất để đưa thêm dòng vốn vào nền kinh tế.

PV: Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại khi bơm tiền vào nền kinh tế có thể gây những ảnh hưởng khó lường?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng, không nên coi đây là bơm tiền vào nền kinh tế. Nếu tính toán kỹ sẽ thấy nguồn tiền mới đưa vào không nhiều. Tổng quy mô hỗ trợ là hơn 400 nghìn tỷ đồng, nhưng thực tế nằm trong nhiều chính sách như là miễn, giãn, giảm thuế, còn phần tiền mới đưa chỉ khoảng 176 nghìn tỷ đồng, không phải quá nhiều. Nếu quan niệm đây là “bơm tiền” sẽ gây tâm lý lo ngại lạm phát, mất giá đồng tiền, từ đó đầu cơ vào bất động sản, chứng khoán… rất nguy hiểm. Với khoảng 176 nghìn tỷ đồng trong 2 năm và có thể kéo dài hơn thì mỗi năm chỉ khoảng hơn 80 nghìn tỷ đồng, quá nhỏ so với vốn đầu tư công vẫn được giải ngân hàng năm.

Chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay lớn rất không tốt cho kinh tế

“Hiện nay lãi suất huy động rất thấp, lãi suất cho vay cao, điều này rất không tốt cho nền kinh tế vì nếu có tiền nhàn rỗi, người dân lại không gửi vào ngân hàng mà đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, gây ra tình trạng sốt ảo, bong bóng. Chỉ khi ngân hàng tăng lãi suất huy động, có thêm nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chống tình trạng tiền trôi nổi trong các lĩnh vực đầu cơ nhiều rủi ro, gây bất ổn cho kinh tế” - đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết.

Chính vì số tiền không nhiều như vậy, gói này cần tập trung vào những lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch hoặc đặt những vấn đề cấp bách cho phòng chống dịch để phục hồi kinh tế. Còn nếu nguồn vốn nhỏ mà dàn trải ra nhiều dự án, lại kéo dài ra nhiều năm, có dự án đến năm 2025, thì sẽ không mang lại hiệu quả phục hồi đúng nghĩa, không phát huy được hiệu quả cho nền kinh tế. Chính vì thế, điều rất quan trọng khi sử dụng 176 nghìn tỷ đồng này là phải xác định rõ ưu tiên đầu tư vào đâu, lĩnh vực nào cần thiết nhất.

PV: Vậy theo ông, đâu là những lĩnh vực cần ưu tiên? Danh mục dự án đưa ra có tập trung hết vào những lĩnh vực ưu tiên, cấp bách nhất chưa?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Khi xem danh mục các dự án dự kiến được trình, tôi thấy có những dự án thuộc lĩnh vực cần được ưu tiên. Chẳng hạn những dự án đầu tư cho phòng chống dịch như trung tâm kiểm soát dịch ở các vùng, hay một số các cơ sở y tế ở vùng đông dân cư,… là rất cần thiết để kiểm soát dịch, mở cửa kinh tế ổn định. Hay những dự án đầu tư nhà ở cho công nhân. Vừa qua, dịch tác động mạnh đến đời sống công nhân ở các khu công nghiệp, nên việc đầu tư cho lĩnh vực này là cần thiết để đảm bảo đời sống công nhân và nguồn nhân lực cho khu công nghiệp.

Ngoài ra, có một số dự án về trung chuyển logistic để khắc phục việc tắc nghẽn lưu thông hàng hóa như vừa qua. Nếu có các trung tâm logistic vùng, sẽ tạo kết nối để phân phối hàng hóa về các địa bàn, không để xảy ra tình trạng đứt gãy, đồng thời tăng công suất sử dụng của các phương tiện vận tải. Với vị trí của mình, Việt Nam có cơ hội rất tốt về phát triển dịch vụ logistic đường biển, cần phải chú trọng ưu tiên. Đó là những lĩnh vực ưu tiên trong danh mục đã đề xuất, có lĩnh vực thì đủ, nhưng có những lĩnh vực còn ít.

Bên cạnh đó, tôi cũng thấy có những dự án được đưa vào danh mục mà chưa liên quan nhiều lắm đến hiệu quả phòng chống dịch, có những dự án không thể kết thúc trong 2 năm mà kéo dài. Trong bối cảnh nguồn lực ít mà đầu tư vào những dự án đó sẽ khiến phân tán nguồn lực, không mang lại tác dụng phục hồi mong muốn. Điển hình như trong lĩnh vực giao thông, trong 176 nghìn tỷ đồng cho đầu tư thì giao thông chiếm 103 nghìn tỷ đồng. Giao thông là lĩnh vực quan trọng nhưng phải chỉ ra được khâu nào là nút thắt để tháo gỡ chứ không phải tất cả các dự án giao thông đều đưa vào chương trình phục hồi, thay vào đó phải đưa vào đầu tư công.

Một lĩnh vực cần ưu tiên nữa là về hỗ trợ lãi suất. Hiện nay, doanh nghiệp vẫn khó khăn, ngân hàng vẫn đang thực hiện nhiều chính sách cơ cấu lại nợ. Nếu không có những chính sách này thì nhiều khoản nợ đã là nợ xấu, phải trích lập. Như vậy, nợ xấu ngân hàng tiềm ẩn rất cao, đương nhiên các ngân hàng phải có nguồn dự phòng lấy từ lợi nhuận kinh doanh. Do đó, rất khó yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất thêm. Chính vì vậy, việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp cũng sẽ không dễ dàng.

Vì vậy, tôi cho rằng với một số lĩnh vực đang ảnh hưởng nặng cần được hỗ trợ lãi suất cao hơn, có thể lên đến 4%. Thực tế nhiều lĩnh vực như du lịch, dịch vụ, dù đã mở cửa nhưng họ chưa thể phục hồi như trước đây trong thời gian ngắn. Do đó, rất cần hỗ trợ thêm cho những lĩnh vực này sớm phục hồi trở lại. Khi họ được hỗ trợ, thì như ước tính, với khoảng 40 nghìn tỷ hỗ trợ cấp bù lãi suất bỏ ra, sẽ có thêm 1 triệu tỷ đồng vốn đưa vào nền kinh tế, tính lan tỏa rất lớn cả về lao động, việc làm, đời sống người dân. Mặt khác, khi quy mô dư nợ tín dụng tăng lên, thì các ngân hàng mới có điều kiện giảm chi phí vận hành bình quân nhờ tổng dư nợ lớn, từ đó ngân hàng mới có dư địa tăng lãi suất huy động, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi của người dân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Giải pháp tài khóa có tổng quy mô 291 nghìn tỷ đồng

Trước đó, ngày 4/1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày trước Quốc hội tờ trình về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023, cụ thể là: mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng); bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát t riển (113,85 nghìn t ỷ đồng); cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Về giải pháp tài khóa, tổng quy mô là 291 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ NSNN là 240 nghìn tỷ đồng, bao gồm: giảm thuế, phí, lệ phí là 64 nghìn tỷ đồng (chưa tính đến tác động tích cực của Chương trình đến khả năng tăng thu NSNN); chi trực tiếp từ NSNN là 176 nghìn tỷ đồng, chỉ sử dụng để chi đầu tư phát triển.

Hoàng Yến (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam