Hiệp định RCEP: Lực đẩy mới cho tăng trưởng xuất khẩu phục hồi kinh tế hậu Covid-19

08:38 | 08/01/2022 Print
(TBTCO) - Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào thực thi từ đầu năm 2022 được kỳ vọng sẽ tạo ra lực đẩy mới, góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư của Việt Nam với ASEAN và 5 đối tác ngoài ASEAN là Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc; mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội xuất khẩu mới, đón đà phục hồi kinh tế.

Thúc đẩy xuất khẩu, hình thành chuỗi cung ứng mới

RCEP có hiệu lực góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, nhất là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, mở ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

RCEP thực thi mang đến cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Hiệp định RCEP: Lực đẩy mới cho tăng trưởng xuất khẩu phục hồi kinh tế hậu Covid-19
Hiệp định RCEP: Lực đẩy mới cho tăng trưởng xuất khẩu phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Ảnh minh họa.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho hay, RCEP là một trong những ưu tiên hội nhập của ASEAN. Việc hiệp định lớn như RCEP được đưa vào thực thi với quy mô dân số đông và thương mại sôi động khiến các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đều hy vọng đây sẽ là một trong những nhân tố góp phần phục hồi kinh tế trong bối cảnh hậu Covid-19.

Sau khi có hiệu lực RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP khoảng 27.000 tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng thế giới, gây ảnh hưởng đến hầu hết các nền kinh tế cùng xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc RCEP đi vào thực thi đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Các nước đối tác RCEP cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ 30 - 100% dòng thuế.

RCEP trong ngắn hạn sẽ không tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu, nhưng về trung hạn và dài hạn sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng mới trong khu vực, về lâu dài lợi ích của chúng ta sẽ thấy rõ khi chuỗi cung ứng dịch chuyển về khu vực này và Việt Nam trở thành một phần của chuỗi cung ứng đó, điều này sẽ tạo động lực để gia tăng xuất khẩu.

Bình luận về RCEP , ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Kinh tế tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho rằng, không chỉ Việt Nam, các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế có xuất khẩu đang muốn tìm kiếm không gian cho hàng hóa, nhất là thị trường bên ngoài trong quá trình phục hồi sau 2 năm Covid-19 hoành hành. Doanh nghiệp chờ đợi những cơ hội được khai thác từ chuỗi cung ứng hàng hóa dài hạn, tạo nên sự cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hơn là các khoản lợi nhuận từ việc giảm giá, giảm chi phí do giảm thuế suất...

Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng môi trường cạnh tranh cao

Bên cạnh những đánh giá lạc quan, ý kiến từ phía doanh nghiệp cũng tỏ ra lo ngại, trong khi đã có hiệp định thương mại với khối ASEAN (ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc) và FTA song phương với Hàn Quốc, Nhật Bản... thì RCEP sẽ không mang lại cho Việt Nam quá nhiều lợi ích.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dương bình luận, việc tham gia RCEP có tác động rất tích cực đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kết nối chuỗi sản xuất khu vực.

"RCEP rất có lợi cho Việt Nam, giúp các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành hàng tận dụng được không gian tăng trưởng xuất khẩu để có ưu đãi thuế quan tốt nhất. Lợi ích từ RCEP không chỉ giới hạn ở những lợi ích kinh tế, mà còn giúp phát huy vai trò trọng tâm của ASEAN trong các sáng kiến của khu vực. RCEP là minh chứng rõ nhất cho việc duy trì, thúc đẩy, định hướng cùng các đối tác xây dựng sân chơi chung, gắn với việc hài hòa quy tắc xuất xứ, hài hòa từng FTA hiện có của ASEAN với từng đối tác trong hiệp định. Tuy nhiên, cơ hội mở ra cũng song hành với những thách thức, áp lực cạnh tranh mới đòi hỏi doanh nghiệp cần có phương hướng thích nghi và vượt qua" - ông Dương nhấn mạnh.

Phân tích sâu về cơ cấu thương mại, theo ông Lương Hoàng Thái, bên cạnh những cơ hội, cũng phải nhìn nhận thực tế, các nước tham gia RCEP là những thị trường truyền thống của Việt Nam - những thị trường có tỷ lệ nhập siêu lớn nhất.

Ví dụ, Hàn Quốc, do có quan hệ đầu tư rất lớn, nên phần nhiều là nhập nguyên vật liệu, máy móc, vì vậy nhập siêu có đóng góp cho quá trình phát triển của Việt Nam. Nhưng, lượng nhập siêu quá lớn và mang tính lâu dài thì cũng có thể có rủi ro nhất định. Khi tham gia thêm một hiệp định thương mại tự do thì cũng có những rủi ro, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam và trong việc điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước để đảm bảo nhập siêu không làm ảnh hưởng đến cán cân thương mại quốc gia.

Cũng theo ông Lương Hoàng Thái về cơ bản hiệp định RCEP tạo môi trường cạnh tranh gay gắt hơn, doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng trong môi trường cạnh tranh mới.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Lương Hoàng Thái cho biết thêm, các bộ, ngành đã xây dựng kế hoạch thực thi RCEP và có những biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và thu nhận những thông tin từ quá trình kinh doanh để có thể tham gia hiệu quả vào những cơ chế hợp tác trong hiệp định RCEP.../.

Phúc Hải

© Thời báo Tài chính Việt Nam