100% thủ tục kho bạc vận hành trên dịch vụ công trực tuyến

15:12 | 10/01/2022 Print
(TBTCO) - Bắt đầu triển khai từ đầu năm 2018, đến nay hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước đã vận hành được 4 năm. Trong 4 năm qua, hệ thống Dịch vụ công trực tuyến từng bước được nâng cấp, hoàn thiện và đến nay Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành cung cấp lên Dịch vụ công trực tuyến 9 thủ tục hành chính, mang lại nhiều lợi ích cho cả Kho bạc Nhà nước và các đơn vị sử dụng ngân sách.

Đảm bảo hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoạt động thông suốt, ổn định

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được Kho bạc Nhà nước (KBNN) triển khai thí điểm từ đầu năm 2018 tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Tại thời điểm đó, chỉ có 50 đơn vị sử dụng ngân sách tham gia thực hiện.

100% thủ tục kho bạc vận hành trên dịch vụ công trực tuyến

Công chức Kho bạc Nhà nước Mộc Châu - Sơn La đang thực hiện rà soát hồ sơ thanh toán vốn trên Dịch vụ công trực tuyến.

Qua 4 năm nỗ lực từ thực hiện thí điểm đến triển khai diện rộng trên cả nước, đến nay KBNN đã cung cấp 100% thủ tục mức độ 4 (9 thủ tục) lên DVCTT và 100% đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng bắt buộc tham gia DVCTT. Trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 giao dịch, ngày cao điểm 200.000 giao dịch qua DVCTT.

Không dừng lại tại đó, trong thời gian qua, KBNN đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ để tích hợp DVCTT của KBNN lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin cửa đơn vị sử dụng ngân sách, KBNN đã tiến hành xây dựng và cung cấp ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động, cho phép chủ tài khoản, kế toán trưởng của đơn vị giao dịch có thể nhận, tra cứu thông tin về biến động số dư tài khoản, trạng thái xử lý hồ sơ giao dịch qua điện thoại thông minh.

Bổ sung chức năng cảnh báo trên dịch vụ công trực tuyến

Từ triển khai thực tiễn tại các địa phương, các đơn vị kho bạc nhà nước đang kiến nghị kho bạc nhà nước có giải pháp nâng cấp chương trình dịch vụ công trực tuyến đáp ứng yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát của thanh tra kho bạc nhà nước và thanh tra Kiểm toán Nhà nước trong việc chấp hành quy định tiếp nhận, xử lý hồ sơ, chứng từ thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, kho bạc nhà nước cần bổ sung chức năng cảnh báo trên dịch vụ công trực tuyến để hỗ trợ kế toán trưởng, lãnh đạo kho bạc nhà nước các cấp trong việc quản lý, giám sát việc xử lý hồ sơ, chứng từ đơn vị sử dụng ngân sách gửi sang kho bạc; thời hạn phải xử lý, giải quyết các hồ sơ, chứng từ tiếp nhận thông qua dịch vụ công trực tuyến.

Theo đánh giá từ các nhà quản lý, trong 4 năm qua, KBNN đã thực hiện tốt công tác giám sát, quản trị vận hành, đảm bảo hệ thống DVCTT hoạt động thông suốt, ổn định phục vụ các đơn vị sử dụng ngân sách tham gia DVCTT được thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng được lượng người sử dụng rất lớn trong cùng một thời điểm.

Việc triển khai DVCTT của KBNN đã cung cấp thêm kênh giao dịch điện tử, là một bước tiến lớn trong việc hình thành kho bạc điện tử, là bước cải cách hành chính mạnh mẽ của KBNN theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, đáp ứng được các chủ trương định hướng chiến lược, các hạng mục nghiệp vụ theo cấu trúc hệ thống Chính phủ điện tử.

Đặc biệt, trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong 2 năm trở lại đây, việc triển khai DVCTT đã phát huy được vai trò cũng như chức năng, nhiệm vụ giúp hệ thống KBNN hoạt động thông suốt trong điều kiện giãn cách xã hội. Khách hàng không phải tập trung tại KBNN mà vẫn thực hiện giao dịch thanh toán ngân sách nhà nước bình thường thông qua hệ thống DVCTT.

Chứng từ đưa lên dịch vụ công trực tuyến được giải quyết ngay trong ngày

Những lợi ích từ DVCTT mang lại đã được các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý các dự án đánh giá cao.

Ông Tô Xuân Dưỡng - Phó Trưởng phòng Tài vụ quản trị kiêm Kế toán trưởng Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, từ khi KBNN triển khai DVCTT thì việc giao dịch đã thuận lợi hơn so với trước kia rất nhiều. “Trước đây, 1 tuần chúng tôi phải có mặt tại kho bạc 3 - 4 lần nhưng từ khi có DVCTT, có khi 1 - 2 tháng chúng tôi mới phải có mặt tại Kho bạc 1 lần để đối chiếu số liệu và hoàn thiện chứng từ. Đặc biệt với những lần bùng phát dịch Covid-19, địa phương phải thực hiện giãn cách, chúng tôi chỉ cần ngồi ở nhà hoặc tại cơ quan đẩy hồ sơ, chứng từ lên DVCTT của kho bạc và theo dõi trên hệ thống xem hồ sơ của đơn vị mình đã được giải quyết đến khâu nào rồi” - ông Dưỡng cho biết.

Đánh giá về DVCTT, ông Nguyễn Thế Nghĩa - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cũng cho biết, sử dụng DVCTT đã giúp cải cách thủ tục hành chính, hạn chế chi phí phát sinh như công tác phí, văn phòng phẩm. Bên cạnh đó, DVCTT đem lại nhiều lợi ích như chống giả mạo chữ ký của chủ tài khoản, kế toán và con dấu. Ngay khi đưa chứng từ lên hệ thống, kế toán có thể nắm rõ hồ sơ đang ở khâu nào, có sai sót gì không và khi có sai sót, ngay lập tức được hệ thống báo trả ngay. Do đó, hầu như chứng từ đưa lên DVCTT đều được xử lý, giải quyết ngay trong ngày.

Mặc dù lợi ích của DVCTT mang lại đã rõ, nhưng trong quá trình nâng cấp DVCTT để phục vụ ngày càng tốt hơn các đơn vị giao dịch, toàn hệ thống KBNN đã gặp một số khó khăn. Đơn cử như một số đơn vị thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, chất lượng đường truyền mạng internet không ổn định nên việc triển khi DVCTT tới các đơn vị sử dụng ngân sách còn gặp khó khăn. Đường truyền mạng của một số đơn vị sử dụng ngân sách sử dụng chung với trung tâm hành chính trên địa bàn nên phần nào đã ảnh hưởng đến băng thông đường truyền và tốc độ xử lý của hệ thống DVCTT...

Xác định nguyên nhân, trở ngại trong công tác triển khai mở rộng DVCTT, KBNN đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt, động viên để công chức nhận thức đúng đắn chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính trong cải cách hành chính. Từ đó, mỗi công chức KBNN sẽ trở thành cầu nối giúp đưa các cải cách, hiện đại của kho bạc đến với các đơn vị sử dụng ngân sách.

Đồng thời, KBNN đã thường xuyên cải tiến công tác hỗ trợ người dùng tại các đơn vị sử dụng ngân sách thông qua các hệ thống công nghệ thông tin, tạo tâm lý an tâm, giúp người sử dụng tin tưởng thực hiện DVCTT của KBNN.

Đặc biệt, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả cho hệ thống DVCTT, KBNN đang phấn đấu tích hợp 100% DVCTT mức độ 4 của KBNN lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, KBNN mở rộng triển khai kết nối liên thông hệ thống kế toán hành chính - sự nghiệp với hệ thống DVCTT để hình thành liên thông điện tử giữa đơn vị với KBNN; kết nối điện tử với các nhà cung cấp điện, nước, viễn thông nhằm thanh toán định kỳ, theo lô với các khoản chi theo hóa đơn của nhà cung cấp và ủy quyền của đơn vị quan hệ ngân sách; nghiên cứu cơ chế nghiệp vụ và triển khai liên thông dữ liệu hợp đồng điện tử và hồ sơ chi NSNN giữa DVCTT của KBNN với mạng đấu thầu quốc gia...

Hoàn tất 9 thủ tục thực hiện Dịch vụ công trực tuyến

Khi mới triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến, kho bạc nhà nước chỉ cung cấp 3 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đến nay, kho bạc nhà nước đã hoàn thành cung cấp toàn bộ 9 thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của mình qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, bao gồm: thủ tục kiểm soát thanh toán các khoản chi thường

xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sử dụng kinh phí sự nghiệp; thủ tục kiểm soát thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; thủ tục kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước qua kho bạc nhà nước; thủ tục kiểm soát chi vốn nước ngoài qua kho bạc nhà nước; thủ tục hạch toán vốn ODA, vốn vay ưu đãi vào ngân sách nhà nước; thủ tục đăng ký sử dụng tài khoản, bổ sung tài khoản và thay đổi mẫu dấu, mẫu chữ ký của đơn vị giao dịch tại kho bạc nhà nước; thủ tục tất toán tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại kho bạc nhà nước; thủ tục đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản của đơn vị giao dịch tại kho bạc nhà nước; thủ tục kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua kho bạc nhà nước.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam