Nhìn lại chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước qua VDB giai đoạn 2006 - 2021

15:13 | 10/01/2022 Print
(TBTCO) - Chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước thực hiện qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực kể từ khi VDB được thành lập vào năm 2006 trên cơ sở tổ chức lại hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển.

Thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), chính sách tín dụng đầu tư (TDĐT) nhà nước đã định hướng vào hỗ trợ những ngành, nghề mũi nhọn chương trình kinh tế trọng điểm, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước qua VDB đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần được quan tâm để nâng cao hiệu quả chính sách TDĐT nhà nước qua VDB.

Nhìn lại chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước qua VDB giai đoạn 2006 - 2021

Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước qua VDB đã góp phần vào sự thành công dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước qua VDB giai đoạn 2006 - 2021

Việc tổ chức thực hiện chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước theo mô hình ngân hàng phát triển thay cho mô hình quỹ tài chính Nhà nước được thực hiện từ năm 2006 với việc thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trên cơ sở tổ chức lại hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển. Sự đổi mới phương thức tài trợ của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư phát triển nhằm thực hiện chức năng của Nhà nước trong định hướng vĩ mô phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

VDB thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của một ngân hàng chính sách như: huy động, tiếp nhận vốn của các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và tín dụng xuất khẩu theo quy định của Chính phủ; nhận ủy thác quản lý nguồn vốn ODA được Chính phủ cho vay lại; nhận ủy thác, cấp phát cho vay đầu tư và thu hồi nợ của khách hàng từ các tổ chức trong và ngoài nước thông qua hợp đồng nhận ủy thác giữa VDB với các tổ chức ủy thác; ủy thác cho các tổ chức tài chính, tín dụng thực hiện nghiệp vụ tín dụng của VDB; cung cấp các dịch vụ thanh toán cho khách hàng và tham gia hệ thống thanh toán trong nước và quốc tế phục vụ các hoạt động của VDB theo quy định của pháp luật; và các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Khác với các ngân hàng thương mại (NHTM), hoạt động tín dụng đầu tư nhà nước của VDB tập trung vào những dự án lớn, chậm thu hồi vốn, lợi nhuận không cao, tập trung vào những lĩnh vực thiết yếu, then chốt của nền kinh tế (cho vay phát triển kỹ thuật hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nông, lâm nghiệp và xóa đói, giảm nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…).

VDB quản lý tài chính và thực hiện huy động vốn theo quy định tại Nghị định số 46/2021/NĐ-CP về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam

VDB thực hiện tái cấu trúc theo Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019 - 2021, theo Quyết định số 48/QĐ-TTg, ngày 31/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, VDB thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, dừng một số hoạt động nghiệp vụ (tín dụng xuất khẩu, hỗ trợ sau đầu tư và bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn NHTM…), tập trung vào hoạt động TDĐT của Nhà nước và quản lý, cho vay lại vốn ODA; cơ cấu lại tài chính; củng cố, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành; tích cực triển khai xử lý nợ xấu...

Trong giai đoạn 2006 - 2021, VDB đã huy động được nguồn vốn lớn (gần 610.000 tỷ đồng) đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án trọng điểm của Chính phủ, các dự án đầu tư khác, chiếm khoảng 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, bằng khoảng 2% GDP. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đầu tư của Nhà nước bình quân đạt khoảng 3%/năm và tốc độ tăng trưởng tổng dư nợ bình quân đạt khoảng 3,15%/năm trong giai đoạn 2006 - 2021.

Các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước qua VDB đã góp phần vào sự thành công của nhiều dự án lớn, quan trọng như: Thuỷ điện Sơn La, Thuỷ điện Lai Châu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đạm Cà Mau, Vệ tinh Vinasat 1 và 2, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Nhà máy sữa TH, Hệ thống truyền tải điện miền Trung, miền Nam... và thực hiện các chương trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn…, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Nhìn chung, thông qua chính sách tín dụng đầu tư nhà nước, VDB đã cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn tín dụng tương đối lớn, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển nhằm tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nguồn vốn tín dụng từ VDB còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp nông thôn và đảm bảo an sinh xã hội.

Một số khó khăn, thách thức và kiến nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách TDĐT Nhà nước thông qua VDB vẫn còn một số khó khăn, thách thức:

Một là, danh mục và đối tượng vay vốn bị thu hẹp. Tại danh mục các dự án được vay vốn TDĐT ban hành kèm theo Nghị định 32/2017/NĐ-CP, ngoài thu hẹp ngành nghề - lĩnh vực, còn giới hạn quy mô vốn đầu tư theo nhóm dự án (A, B và C). Có những dự án đầu tư mang tính cấp thiết của địa phương, rất có ý nghĩa trong việc tác động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có hiệu quả, khả thi; đáp ứng điều kiện vay vốn nhưng do quy mô vốn đầu tư không đảm bảo theo quy định nên chủ đầu tư không thể tiếp cận vốn TDĐT. Ngoài ra, danh mục đối tượng vay vốn hiện chưa thể hiện hết các ưu tiên chiến lược trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và tính ổn định chưa cao.

Hai là, lãi suất cho vay chưa được điều chỉnh linh hoạt theo thị trường. Nhiều khoản vay với lãi suất cao trước đây chưa được giảm lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường nên nhiều khách hàng trả nợ trước hạn dẫn đến tăng trưởng tín dụng âm vào các năm gần đây.

Ba là, nguy cơ về rủi ro tín dụng, rủi ro tài chính và rủi ro thanh khoản còn cao. Quy chế xử lý rủi ro chưa được ban hành trong khi nợ xấu, nợ quá hạn có xu hướng gia tăng. Một số dự án, chủ đầu tư gặp khó khăn, không đảm bảo khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn, gây áp lực tài chính đối với VDB.

Ngoài ra, VDB cũng còn nhiều khó khăn thách thức để đáp ứng yêu cầu của một ngân hàng chuyên nghiệp và hiện đại theo thông lệ hoặc một ngân hàng chính sách bền vững, hiệu quả; đồng thời, thách thức trong việc đảm bảo đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Để khắc phục những khó khăn, thách thức trên, một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới cần quan tâm gồm:

Một là, danh mục cho vay cần đảm bảo tính ổn định, gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 nhằm định hướng thu hút đầu tư. Lĩnh vực tài trợ chủ yếu của VDB là các ngành, lĩnh vực được xác định ưu tiên phát triển theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tập trung vào các dự án công nghiệp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, các dự án trọng điểm quốc gia, thuộc một số ngành, lĩnh vực như: công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh...

Đối tượng cho vay cũng nên điều chỉnh theo hướng chú trọng khuyến khích các dự án đầu tư mới; đầu tư mở rộng, nâng cấp; mua sắm trang thiết bị đối với lĩnh vực môi trường, các giải pháp giảm phát thải, ngăn ngừa, ngăn chặn phát thải để hướng đến phát triển bền vững; bổ sung dự án đầu tư thuộc danh mục ưu tiên đầu tư của các tỉnh, thành phố mang tính liên kết phát triển vùng, phù hợp với quy hoạch được Chính phủ phê duyệt.

Hai là, cơ chế xác định, điều hành lãi suất cần linh hoạt phù hợp với biến động của thị trường, gắn với yêu cầu điều hành chính sách tài chính, tiền tệ của Chính phủ trong từ ngắn hạn đến trung, dài hạn. Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư nên được xác định theo hướng đảm bảo tính khả thi, chủ động của ngân hàng phát triển. Theo đó, lãi suất cho vay tín dụng đầu tư nên được xác định bằng mức lãi suất bình quân gia quyền của các trái phiếu Ngân hàng Phát triển được Chính phủ bảo lãnh còn dư nợ tại thời điểm cuối quý trước quý công bố lãi suất cộng (+) biên độ bù đắp chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của VDB.

Ba là, vận dụng các nguyên tắc của Basel II trong quy trình cấp tín dụng tại Ngân hàng Phát triển để giảm thiểu các rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và rủi ro tài chính; xây dựng cơ chế trao đổi thông tin hiệu quả giữa các bộ phận chức năng trong hoạt động cấp tín dụng; xác định “khẩu vị rủi ro” trên cơ sở danh mục ưu đãi tín dụng Chính phủ ban hành từng thời kỳ, từ đó xây dựng các hạn mức tín dụng cho từng ngành, từng lĩnh vực; đồng thời, hoàn thiện hệ thống xếp hạng nội bộ và định kỳ phân tích các biến động về mức độ rủi ro cho từng ngành cũng như doanh nghiệp, đảm bảo không vượt quá các hạn mức đã xây dựng

Cuối cùng, tiếp tục hoàn thiện mô hình quản trị của VDB; tiếp tục bám sát Chương trình hành động thực hiện Đề án 48 cũng như Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế để hoàn thiện tổ chức bộ máy quản trị của VDB tại trụ sở chính và chi nhánh theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả, phù hợp với đặc điểm hoạt động của VDB trong và sau giai đoạn cơ cấu lại.

TS. Lê Thị Thùy Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam