Gói hỗ trợ sẽ lan tỏa mạnh mẽ trên tổng thể kinh tế vĩ mô

16:11 | 10/01/2022 Print
(TBTCO) - Dự kiến, chiều mai (11/1) Quốc hội thông qua nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi chương trình đi vào cuộc sống, các chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ tác động lan tỏa mạnh mẽ trên tổng thể kinh tế vĩ mô.
Gói hỗ trợ phải tập trung vào những lĩnh vực cấp bách để phục hồi kinh tế
Triển khai gói hỗ trợ, sẽ giảm lãi suất từ 0,5% - 1% trong 2 năm
Giảm thuế, phí trong gói hỗ trợ lớn gấp 3 lần năm 2021
Gói hỗ trợ kinh tế: Chấp nhận bội chi, đi vay nên phải tính toán kỹ hiệu quả

Tổng quy mô gói hỗ trợ tương đương 3,2% GDP

Trước đó, có ý kiến cho rằng, quy mô tổng thể của chính sách còn lớn so với nguồn lực của nền kinh tế. Ngoài ra, cần đưa ra con số thực tế, chính xác nguồn lực Nhà nước phải bỏ ra, quy mô thực tế ước tính khoảng 4,28% GDP, cùng với các chính sách hỗ trợ trước đây là khoảng 8,28% GDP, ở mức cao so với các nước cùng trình độ phát triển.

Cũng có ý kiến cho rằng, cần phải tính toán kỹ lưỡng, đầy đủ gói hỗ trợ của chương trình trước khi Quốc hội quyết định.

Gói hỗ trợ sẽ lan tỏa mạnh mẽ trên tổng thể kinh tế vĩ mô
Gói hỗ trợ sẽ lan tỏa mạnh mẽ trên tổng thể kinh tế vĩ mô. Ảnh: TL.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô tổng thể của các chính sách đã được tính toán kỹ lưỡng, trên cơ sở dự báo, đánh giá khả năng cân đối, huy động các nguồn lực và mức độ hấp thụ của nền kinh tế, bám sát quan điểm, mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn.

Quy mô chính sách tài khóa để hỗ trợ chương trình khoảng 291 nghìn tỷ đồng, bao gồm: tăng bội chi NSNN là 240 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (khoảng 64 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ chi đầu tư phát triển từ NSNN (khoảng 176 nghìn tỷ đồng); sử dụng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021; tăng thêm 38,4 nghìn tỷ đồng cấp bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Ngân hàng Chính sách Xã hội; hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp 6 nghìn tỷ đồng thông qua chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất (số tiền gia hạn ước tính là 135 nghìn tỷ đồng).

Cộng với các chính sách hỗ trợ khác từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp (khoảng 10 nghìn tỷ đồng), quy mô chính sách chi từ tài khóa và ngoài tài khóa là khoảng 301 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước cần huy động 240.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi tăng thêm do thực hiện chương trình.

Tổng quy mô các chính sách chi hỗ trợ từ tài khóa và ngoài tài khóa (miễn, giảm điện, nước, dịch vụ viễn thông...) năm 2021 là 269.464 tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP.

Như vậy, tổng chi tài khóa và ngoài tài khóa đã thực hiện năm 2021 và dự kiến từ chương trình là gần 570,5 nghìn tỷ đồng.

Duy trì “lượng cung tiền hợp lý” để kiểm soát lạm phát

Trên thực tế, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm đến cơ cấu quy mô, tính cân đối, phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tính hiệu quả và khả thi của việc đầu tư từ ngân sách nhà nước; đánh giá và tăng cường thêm cho chính sách tiền tệ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2020-2021, nhiều chính sách tiền tệ - tín dụng được triển khai quyết liệt, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế vượt qua khó khăn của dịch bệnh như: giảm 1,5 - 2%/năm các mức lãi suất; cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ trên 600 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, thực hiện: miễn, giảm lãi suất cho 3,87 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng; cho vay tái cấp vốn lãi suất 0% để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Đồng thời, duy trì thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào nhưng không làm tăng lạm phát.

Trên tinh thần hỗ trợ tối đa, hiệu quả cho nền kinh tế gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Chính phủ xác định 6 nhóm giải pháp tiền tệ hỗ trợ chương trình, bảo đảm nguyên tắc hài hòa, phối hợp tốt với chính sách tài khóa nhưng vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Các chính sách dự kiến sẽ tác động lan tỏa mạnh mẽ trên tổng thể kinh tế vĩ mô, cũng như dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Chỉ tính tác động lan tỏa của gói hỗ trợ lãi suất và các biện pháp điều hành tiền tệ để thực hiện, sẽ tác động đến khoảng 1 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng mỗi năm.

Tuy nhiên, việc lượng hóa tổng quy mô các giải pháp tiền tệ (lượng tiền cung ứng) trong chương trình là khó khả thi do thực thi chính sách tiền tệ là việc điều hành các công cụ, biện pháp tiền tệ ngắn hạn, có tính linh hoạt cao với mục tiêu chủ yếu để cung ứng tiền cho nền kinh tế, điều tiết thanh khoản, từ đó tác động lên tín dụng, lãi suất; đồng thời, phát huy tác động truyền dẫn của các giải pháp tài khóa vào nền kinh tế.

Do đó, chính sách tiền tệ cần duy trì “lượng cung tiền hợp lý” để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô.

Qua thảo luận tại Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đều đồng tình cần thiết phải có gói hỗ trợ để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình thực hiện, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát để chương trình thực hiện hiệu quả, tránh chính sách bị lợi dụng./.

Dự kiến tác động đến tăng trưởng năm 2022 tăng 2,9 điểm %

Về dự kiến tác động đến tăng trưởng kinh tế, việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ chương trình sẽ tác động tích cực, kích cầu tiêu dùng, mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế. Theo tính toán của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 tăng thêm 2,9 điểm % so với kịch bản không thực hiện chính sách; năm 2023 tăng thêm 0,2 điểm %.

Về dự kiến tác động đến lạm phát, Chính phủ đã xem xét, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng tác động của các chính sách tài khóa, tiền tệ đến lạm phát, qua đó tạo tính chủ động, linh hoạt trong điều hành, kiểm soát lạm phát nhưng cũng tránh tạo tâm lý cho người dân, doanh nghiệp, làm gia tăng lạm phát kỳ vọng, gây khó khăn cho việc điều hành chính sách. Cụ thể, việc triển khai chương trình, cộng hưởng với tác động trễ từ các biện pháp nới lỏng năm 2020-2021, lạm phát có xu hướng tăng trong năm 2022-2023. Trong quá trình thực hiện, có thể gia tăng áp lực lên lạm phát, do vậy phải theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình giá cả trong nước và thế giới để kịp thời có chính sách phù hợp kiểm soát lạm phát.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam