5 điểm mới nhất về Căn cước công dân có hiệu lực tháng 1 năm 2022

10:56 | 10/01/2022 Print
(TBTCO) - Không đổi Căn cước công dân hết hạn bị phạt đến 500.000 đồng; mang căn cước công dân đi cầm cố, thế chấp sẽ bị phạt... là một trong những điểm mới sẽ có hiệu lực từ năm 2022.

Cụ thể:

1. Mang Căn cước công dân (CCCD) đi cầm cố, thế chấp:

Từ 1/1/2022, theo quy định mới tại Nghị định 144/2021, nếu thực hiện việc cầm cố, thế chấp CCCD/CMND (chứng minh nhân dân) cả người cầm cố và người nhận cầm cố sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng.

5 điểm mới nhất về Căn cước công dân có hiệu lực tháng 1 năm 2022
Từ 1/1/2022, không đổi CCCD hết hạn, mang CCCD đi cầm cố, thế chấp... sẽ bị phạt tiền.

2. Không đổi CCCD hết hạn:

Trước đây, Nghị định 167/2013/NĐ-CP chỉ quy định nếu không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi CMND sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng. Tuy nhiên, Tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021 (thay thế nghị định trên) nếu rõ: Hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.

Theo đó, từ 1/1/2022, Nghị định 144/2021 có hiệu lực. Để không bị phạt, người sử dụng CCCD phải đổi thẻ mới trước khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Thẻ mới được đổi trong thời gian 2 năm trước tuổi phải đổi CCCD vẫn sẽ có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

3. Giảm lệ phí cấp CCCD đến hết ngày 30/6/2022

Kể từ 1/1/2022 đến hết ngày 30/6/2022, mức thu lệ phí cấp CCCD được tính bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC. Cụ thể, mức lệ phí cấp CCCD như sau: Chuyển từ CMND 9 số, 12 số sang cấp thẻ CCCD: 15.000 đồng/thẻ. Đổi thẻ CCCD khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 25.000 đồng/thẻ. Cấp lại thẻ CCCD khi bị mất thẻ, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam: 35.000 đồng/thẻ.

4. Có thể dùng CCCD thay giấy tờ cá nhân

Đây là một trong những mục tiêu của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm Quyết định 06/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6/1/2021. Theo đó, mục tiêu trong năm 2022 là đảm bảo từng bước thay thế giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID).

Dự kiến một số giấy tờ cá nhân sẽ được tích hợp vào con chip điện tử trên CCCD như: Bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, thông tin tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức….

Chú thích ảnh
Thẻ CCCD gắn chip điện tử sẽ được tích hợp thẻ xanh COVID-19.

5. Bộ Công an mở hệ thống tổng đài giải đáp về CCCD

Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã khai trương Tổng đài hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho công dân bên cạnh các kênh mạng xã hội như Zalo OA, Fanpage Facebook, Email.

Hệ thống tổng đài có số điện thoại chính thức là 1900.0368; hoạt động từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút hàng ngày (từ thứ 2 đến thứ 6).

Khi gọi đến tổng đài, cần lưu ý:

- Để nghe hướng dẫn quy định về trình tự cấp CCCD gắn chip: Nhấn phím 1

- Để nghe hướng dẫn quy định về lệ phí cấp CCCD gắn chip: Nhấn phím 2

- Để nghe hướng dẫn quy định về thời hạn cấp CCCD gắn chip: Nhấn phím 3

- Để nghe thông tin về tình trạng cấp thẻ CCCD gắn chip: Nhấn phím 4

- Để tìm hiểu thông tin khác: Nhấn phím 5.

Thu Dung (tổng hợp)

© Thời báo Tài chính Việt Nam