Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước: Yêu cầu giảm lãi suất là thực sự khó khăn

08:42 | 11/01/2022 Print
(TBTCO) - Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất là một vấn đề thực sự khó khăn trong bối cảnh lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng, các ngân hàng trung ương đã bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Tuy nhiên, trong xây dựng chương trình phục hồi kinh tế, Chính phủ cũng đã cân nhắc để đưa ra một số giải pháp để phấn đấu hệ thống tổ chức tín dụng giảm từ 0,5 đến 1% lãi suất trong 2 năm.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, vấn đề giảm lãi suất là vấn đề mà doanh nghiệp và đại biểu Quốc hội rất quan tâm, ngành ngân hàng cũng coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước: Yêu cầu giảm lãi suất là thực sự khó khăn
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước: Yêu cầu giảm lãi suất là thực sự khó khăn
Ngân hàng Nhà nước vẫn muốn lãi suất cho vay giảm tiếp trong năm 2022 Đề xuất giảm lãi suất tiền gửi tối đa tại Ngân hàng Chính sách Cập nhật kết quả giảm lãi suất của 16 ngân hàng

Cụ thể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung giảm nhanh 3 lần với lãi suất điều hành cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng và điều tiết tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2020 khoảng 1%, năm 2021 tiếp tục giảm khoảng 0,8%.

Trên thực tế Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích, kêu gọi các tổ chức tín dụng miễn, giảm phí, giảm lãi vay và nhận được sự đồng thuận rất cao. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay. Toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm cả lãi, cả phí khoảng gần 40.000 tỷ đồng từ chính nguồn tài chính của tổ chức tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Liên quan đến tăng vốn điều lệ của các ngân hàng vốn nhà nước, Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc tăng vốn của Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối là rất cần thiết. Bởi so với các nước, tiềm lực vốn của các ngân hàng Việt Nam còn thấp.

Trong những năm qua, các ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng vốn điều lệ khá mạnh mẽ, nhưng các ngân hàng thương mại nhà nước có cổ phần chi phối tăng lên khiêm tốn.

Riêng đối với Agribank, đây là ngân hàng 100% vốn của nhà nước. Theo quy định của pháp luật, đây thuộc dự toán thu, chi ngân sách, nên thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định, còn các ngân hàng thuộc thẩm quyền Chính phủ nếu dưới 10.000 tỷ đồng thì trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt với các bộ, ngành để tổ chức triển khai.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam