Không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải đất ở làm dự án nhà ở thương mại

17:20 | 11/01/2022 Print
(TBTCO) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua chiều 11/1.
Đề xuất thêm phương án thí điểm chuyển đổi hình thức sử dụng đất Đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi về quy định đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất Chủ tịch HoREA lo 4 lô đất giá cao vọt ở Thủ Thiêm sẽ “bóp méo” thị trường

Bổ sung sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào ngành kinh doanh có điều kiện

Các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Luật được đánh giá là sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách và quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; cụ thể hóa chủ trương đã được đề ra tại các văn kiện của Đảng và nghị quyết của Quốc hội.

Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công theo hướng sửa đổi, bổ sung điểm b, c và d khoản 4 Điều 17, bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 17 và sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 25 Luật Đầu tư công theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Với Luật Đầu tư, một trong những nội dung sửa đổi là bổ sung ngành kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng (không bao gồm kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự) vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết
Kết quả biểu quyết thông qua Luật

Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô điện chạy pin

Với mục tiêu khuyến khích đầu tư sản xuất, kịp thời nắm bắt cơ hội để phát triển xe ô tô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông, giảm phát thải khí nhà kính, Điều 8 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều đã sửa đổi, bổ sung Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 5 năm đầu, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 4 Mục I của Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều 7 như sau:

STT

Hàng hóa, dịch vụ

Thuế suất (%)

g) Xe ô tô chạy điện:

* Xe ô tô điện chạy bằng pin

- Loại chở người từ 9 chỗ trở xuống

+ Từ ngày 01 tháng 3 năm 2022 đến hết ngày 28 tháng 02 năm 2027

3

+ Từ ngày 01 tháng 3 năm 2027

11

- Loại chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ

+ Từ ngày 01 tháng 3 năm 2022 đến hết ngày 28 tháng 02 năm 2027

2

+ Từ ngày 01 tháng 3 năm 2027

7

- Loại chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ

+ Từ ngày 01 tháng 3 năm 2022 đến hết ngày 28 tháng 02 năm 2027

1

+ Từ ngày 01 tháng 3 năm 2027

4

- Loại thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng

+ Từ ngày 01 tháng 3 năm 2022 đến hết ngày 28 tháng 02 năm 2027

2

+ Từ ngày 01 tháng 3 năm 2027

7

* Xe ô tô chạy điện khác:

- Loại chở người từ 9 chỗ trở xuống

15

- Loại chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ

10

- Loại chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ

5

- Loại thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng

10

Về lĩnh vực điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 4, Luật Điện lực nội dung “xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng.

Nhà nước độc quyền trong các hoạt động: Điều độ hệ thống điện quốc gia; xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.

Đánh giá tác động kỹ lưỡng khi sửa đổi Luật Nhà ở

Trong quá trình thảo luận về dự án Luật, một trong những nội dung nhiều đại biểu quan tâm là việc sửa đổi, bổ sung liên quan đến Luật Nhà ở. Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 2 loại ý kiến về vấn đề này.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cân nhắc thận trọng việc bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại vì cho rằng nội dung này chưa được Chính phủ đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng, có thể dẫn đến làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Loại ý kiến thứ hai tán thành sự cần thiết sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở như Chính phủ trình để tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng trước mắt chỉ sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở để làm rõ và phân định các hình thức sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã được Luật Nhà ở hiện hành quy định, tháo gỡ vướng mắc về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất; không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, vì vấn đề này cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn và chưa đạt được sự đồng thuận cao.

Đồng thời, giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ, thận trọng. Trường hợp cần thiết, Chính phủ xây dựng Đề án thí điểm áp dụng hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, sớm báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; tiến hành tổng kết để xem xét việc luật hóa khi sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi) và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trên cơ sở đó, đã chỉnh lý khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở như sau:

"1. Có quyền sử dụng đất hợp pháp thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản này mà việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp thuộc diện Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật:

a) Có quyền sử dụng đất ở;

b) Có quyền sử dụng đất ở và đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

Sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai".

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022./.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam