Cải cách hành chính lĩnh vực nông nghiệp:

Không phải “nói xong để đấy”

21:26 | 12/01/2022 Print
(TBTCO) - Công tác cải cách hành chính, đặc biệt trong ngành Nông nghiệp là vô cùng quan trọng. Nhằm đẩy mạnh công tác này, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân, trong năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị phải thể chế hóa, có kế hoạch riêng cho từng quý, từng tháng chứ không phải “nói xong để đấy”.

Tiết kiệm gần 219 tỷ đồng

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức chiều ngày 11/1/2022, ông Nguyễn Xuân Ân - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Bộ NN&PTNT, đến nay bộ này đã hoàn thành 36/36 nhiệm vụ, đạt 100%; hoàn thành 92/93 sản phẩm, hoạt động, đạt 98,9%.

Không phải “nói xong để đấy”

Cán bộ ngành Nông nghiệp tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp
trên hệ thống một cửa quốc gia.

Ông Nguyễn Xuân Ân nhấn mạnh, một trong những điểm nổi bật của công tác CCHC năm 2021 của ngành Nông nghiệp là đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính. Đến nay, Bộ NN&PTNT đã “điện tử hoá” 159 quy định về thủ tục hành chính, 17 quy định về chế độ báo cáo, 423 quy định về yêu cầu điều kiện, 227 quy định về tiêu chuẩn quy chuẩn, 1.768 quy định về kiểm tra chuyên ngành... Các quy định này được cập nhật trên phần mềm, nên việc tra cứu trở nên dễ dàng thuận tiện hơn nhiều so với trước.

Đặc biệt, triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ NN&PTNT tiếp tục rà soát, bãi bỏ, cắt giảm thủ tục hành chính và các điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Bộ coi đây là một khâu đột phá, thúc đẩy tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa 429/2.559 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đạt 16,76%; cắt giảm 13,2% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh của bộ với số tiền tiết kiệm gần 219 tỷ đồng.

Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Bộ NN&PTNT tích cực ứng dụng thực hiện công nghệ thông tin trong hoạt động của bộ, đã xây dựng 26 dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến giúp giải quyết hơn 13.000 hồ sơ; tích hợp, kết nối thí điểm thành công Cổng dịch vụ công trực tuyến của bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia và đang được tiếp tục hoàn thiện để tích hợp, kết nối đầy đủ.

Đồng thời, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, Bộ đã thực hiện triển khai kết nối 29/33 thủ tục hành chính tại 7 đơn vị thuộc bộ. Đến nay, đã cấp phép điện tử hơn 1,4 triệu hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. “Dự kiến trong quý I/2022 sẽ hoàn thành kết nối 100% các thủ tục hành chính thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo chỉ đạo của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN” – ông Nguyễn Xuân Ân chia sẻ.

Những kết quả này đã tạo môi trường thuận lợi khuyến khích người dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh; khơi dậy niềm tin và khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp toàn xã hội. Theo đó, năm 2021, đã có 1.640 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, nâng tổng số lên trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp.

Tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện tốt công tác CCHC, tiến tới việc tạo môi trường minh bạch để đầu tư phát triển cũng như kết nối hệ sinh thái nông nghiệp, tạo bước đột phá trong nông nghiệp, qua đó góp phần ổn định kinh tế đất nước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, việc CCHC, đơn giản hóa thủ tục, thể chế phải được xem là cuộc cách mạng như khoán 10, khoán 100 của ngành Nông nghiệp. Vì vậy, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT phải thể chế hóa, có kế hoạch riêng cho từng quý, từng tháng chứ không phải “nói xong để đấy”.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các cục, vụ bám sát các tiêu chí của Bộ Nội vụ, các đơn vị trực thuộc phải thường trực 24/7 để giải quyết các thủ tục hành chính, quyết không để một khâu nào đó trong thủ tục hành chính làm khó, cản trở quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân.

“Chúng ta phải cùng nhau xắn tay lên, tạo môi trường sinh thái thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân làm việc nhanh hơn, nhất là đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thủ tục đơn giản gọn gàng, cắt giảm thời gian thì chúng ta mới mời gọi đầu tư được” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác CCHC, năm 2022 Bộ NN&PTNT tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chương trình, kế hoạch CCHC nhà nước của Chính phủ, của bộ giai đoạn 2021-2030; tăng cường giám sát, kiểm tra gắn vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện công tác CCHC tại đơn vị.

Đặc biệt, tăng cường khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và công bố kết quả sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chất lượng dịch vụ công trực tuyến do Bộ NN&PTNT cung cấp; tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN của bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc bộ theo chỉ đạo của Uỷ ban 1899…

Tiếp tục nỗ lực để chuyển đổi số ngành Nông nghiệp

Con số 29 thủ tục hành chính được cắt giảm, hơn 1,4 triệu bộ hồ sơ được giải quyết trên môi trường mạng từ đầu năm đến nay là kết quả rất đáng mừng nhưng mỗi đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn phải nỗ lực hơn nữa để ngành Nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, thích ứng với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Nam Khánh

© Thời báo Tài chính Việt Nam