Bất động sản miền Trung sẽ “bật tăng” trở lại nhờ lợi thế du lịch và hạ tầng

10:36 | 13/01/2022 Print
(TBTCO) - Thị trường bất động sản các tỉnh miền Trung vừa trải qua 2 năm vô cùng khó khăn. Như “chiếc lò xo” bị nén, thị trường này đang trên đà bật tăng trở lại nhờ lực đẩy mạnh mẽ từ lợi thế du lịch và hạ tầng. Rất nhiều “đại bàng đang hạ cánh làm tổ”, hứa hẹn đưa bất động sản miền Trung bật tăng trở lại.

Hấp dẫn "đại bàng" bằng lợi thế và hạ tầng

Chia sẻ nhận định tại diễn đàn “Bất động sản miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư”, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết miền Trung vốn có lợi thế du lịch, nên đợt dịch vừa rồi khu vực này chịu ảnh hưởng nặng, hàng loạt dự án đứng im, không vận động.

Tuy nhiên theo ông Thiên, thời gian gần đây, kinh tế miền Trung đang sôi động trở lại với nhiều hoạt động. Điển hình như bất động sản Thanh Hoá đang bùng nổ ghê gớm, vào sâu hơn nữa đến Đà Nẵng với lĩnh vực du lịch, logistics đang bùng nổ mạnh mẽ. Tiếp đó là sự bứt phát của Bình Định bởi các dự án lớn của Hưng Thịnh; Bình Thuận, Ninh Thuận cũng phát triển mạnh với năng lượng tái tạo và du lịch biển…

Bất động sản miền Trung sẽ “bật tăng” trở lại nhờ lợi thế du lịch và hạ tầng
Bất động sản miền Trung sẽ “bật tăng” trở lại nhờ lợi thế du lịch và hạ tầng. Ảnh: Quốc Tuấn

Nhận định về tương lai phát triển của bất động sản miền Trung, chuyên gia này cho rằng, miền Trung nên có hướng đi khác với các tỉnh thành khác. Nếu như miền Bắc, miền Nam ưu tiên phát triển kinh tế công nghiệp, nông nghiệp thì miền Trung nên tận dụng vẻ đẹp của thiên nhiên, lấy du lịch thành hướng mũi nhọn phát triển.

Trong vài tháng trở lại đây, cùng với sự hỗ trợ từ chính sách của Chính phủ, khu vực miền Trung đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ; cùng với sự chuẩn bị cho cơ sở hạ tầng cho bất động sản. Để bất động sản miền Trung phát triển bền vững, ông Thiên cho rằng, cần làm quy hoạch tổng thể để có sự phát triển nhất quán và theo tầm nhìn để có thể phát triển tối ưu.

Ông Thiên cho rằng, khu vực miền Trung có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Bởi đa phần các tỉnh miền Trung đều bám dọc đường biển, các cảng đẹp nhất đều ở miền Trung. Đây cũng là nơi tập trung mật độ sân bay cao nhất, các tài nguyên liên quan đến du lịch cũng nhiều…

Với lợi thế vượt trội này, ông Thiên cho rằng, để tạo nên thành công, miền Trung nên tiếp cận theo hướng phát triển du lịch đẳng cấp, thu hút khách du lịch ở đẳng cấp cao. Ngoài các vấn đề trên, việc kêu gọi các "đại bàng" đầu tư vào khu vực miền Trung cũng là một trong những cách phát triển khu vực này. Với cách tiếp cận như vậy, bất động sản miền Trung sẽ là thị trường bùng nổ trong tương lai.

Khơi thông pháp lý cho thị trường thị trường phát triển ổn định

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay, các nhà đầu tư lớn – những “con đại bàng” đã đến với miền Trung từ rất sớm và cũng đã thành công trong việc dẫn dắt thị trường bất động sản tại khu vực này bùng nổ một cách sôi nổi.

Ông Đính cho hay, có hai thành phố lớn tại miền Trung đã phát triển mạnh mẽ đó là Đà Nẵng và Nha Trang (Khánh Hòa), xuất phát từ việc tận dụng được các lợi thế, tiềm năng đối với kinh tế biển và hoạt động kinh tế du lịch.

“Hai thành phố này nổi lên đầu tiên, đã trở thành đầu tàu lan tỏa, kéo các hoạt động kinh tế du lịch ở những vùng xung quanh đi lên. Thực tế những con đại bàng như Sun Group đã có các công trình như Bà Nà Hill, Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà,... và đặc biệt là phát triển các hệ thống hạ du lịch. Còn đối với Nha Trang, cá mập Vin Group cũng đã làm thay đổi bức tranh của những đô thị này.

Quay trở lại với Thanh Hóa, ông Đính cho rằng, cách đây gần 10 năm không ai nghĩ Thanh Hóa sẽ bùng nổ thị trường bất động sản, nhưng đến nay thì đã khác.

Chuyên gia này cũng có chung quan điểm rằng, tại khu vực miền Trung, kinh tế biển, kinh tế du lịch sẽ trở thành hoạt động mũi nhọn, do vậy, các dự án bất động sản ở khu vực này phần lớn là phát triển về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Cùng với đó là những dự án đô thị để phục vụ cho kinh tế du lịch ở các địa phương.

Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Đỗ Pháp - Trưởng Văn phòng luật sư Đỗ Pháp cho rằng, do hành lang pháp lý về thị trường bất động sản đang bị rất nhiều chồng chéo bởi thị trường bất động sản không chỉ bị điều chỉnh bởi luật kinh doanh bất động sản mà lĩnh vực này phải chịu sự tác động điều tiết của 12 Luật khác nhau như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất Đai, Luật Đầu tư…

Thậm chí, thị trường bất động sản còn bị tác động bởi Luật Hình sự, Luật Dân sự nên khi áp dụng vào thực tiễn, thì rõ ràng các nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là rơi vào thế bí. Chính những chồng chéo, bất cập nói trên là nguyên nhân căn bản làm hạn chế sự phát triển bình thường ở thị trường bất động sản, làm cho giá bất động sản tăng cao; mặt khác làm hạn chế sự phát triển của nền kinh tế khi nguồn lực lớn bị “đóng băng” ở các tài sản bất động sản đã hình thành nhưng không được đưa vào lưu thông sử dụng và nguồn vốn lớn đầu tư cho lĩnh vực này không được đưa vào lưu thông trong nền kinh tế.

Do đó, theo ông Đỗ Pháp cần phải khẩn trương sửa đổi lại chính sách pháp lý cho đồng bộ, giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch./.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam