Buôn lậu đường cát vẫn nhức nhối

11:52 | 14/01/2022 Print
(TBTCO) - Buôn lậu đường cát vẫn là vấn đề nhức nhối hiện nay, nhất là tại các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Lực lượng chức năng nói chung, hải quan nói riêng đã tăng cường tuần tra kiểm soát trên tuyến biên giới, thực hiện nhiều chiến dịch tấn công truy quét tội phạm buôn lậu đường cát, qua đó triệt phá nhiều vụ việc lớn.

Triệt phá nhiều phi vụ “khủng”

Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), thời gian qua, trên tuyến biên giới, nhất là khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tình hình buôn lậu đường cát diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng nói chung và hải quan nói riêng đã chủ trì, phối hợp triệt phá nhiều vụ buôn bán, vận chuyển đường trái phép.

Trong đó, điển hình, giữa tháng 7/2021, lực lượng kiểm soát Hải quan phát hiện dấu hiệu nghi vấn của lô hàng 200 tấn đường mía tinh luyện Thái Lan, đóng trong 8 container, nhập khẩu qua cảng Đà Nẵng theo loại hình nhập sản xuất xuất khẩu (E31) của Công ty TNHH xuất nhập khẩu H.T.P (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), theo tờ khai hải quan số 1041443589…/E31 ngày 12/7/2021 (luồng vàng), đăng ký tại Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc.

Để kiểm soát chặt chẽ lô hàng, Đội Kiểm soát Hải quan Quảng Nam đã phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung (Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát quá trình vận chuyển lô hàng trên từ cảng Đà Nẵng về cơ sở sản xuất của công ty này. Qua đó, phát hiện xe ô tô chở 1 container số hiệu TRHU12153... chứa 25 tấn đường thuộc lô hàng, không đi theo tuyến đường đã định mà bốc dỡ vào kho hàng của hộ kinh doanh T.T.H tại Khu công nghiệp Trảng Nhật, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Lực lượng hải quan đã chủ trì, phối hợp triệt phá nhiều vụ buôn bán, vận chuyển đường trái phép.
Lực lượng hải quan đã chủ trì, phối hợp triệt phá nhiều vụ buôn bán, vận chuyển đường trái phép.

Tiến hành làm việc, chủ hộ kinh doanh T.T.H cho biết, 25 tấn đường mua từ Công ty TNHH MTV Thương mại P.H.H ở Đà Nẵng và cung cấp hóa đơn do công ty này phát hành. Khi làm việc với Đội Kiểm soát Hải quan Quảng Nam, giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu H.T.P thừa nhận 25 tấn đường trên là của Công ty TNHH xuất nhập khẩu H.T.P giao cho Công ty TNHH MTV Thương mại P.H.H ở Đà Nẵng.

Tiếp tục xác minh, Đội Kiểm soát Hải quan Quảng Nam phát hiện ngoài 25 tấn đường trên, Công ty TNHH xuất nhập khẩu H.T.P còn giao cho Công ty TNHH MTV Thương mại P.H.H 63 tấn đường thuộc lô hàng 200 tấn đường nhập khẩu. Như vậy, tổng số đường Công ty TNHH xuất nhập khẩu H.T.P chuyển cho Công ty TNHH MTV thương mại P.H.H là 88 tấn. Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu H.T.P đã thừa nhận hành vi bán 88 tấn đường trên cho Công ty TNHH MTV thương mại P.H.H với số tiền 1,540 tỷ đồng. Kết quả định giá của hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Quảng Nam xác định 88 tấn đường nhập khẩu có trị giá 1,584 tỷ đồng. Hành vi bán trái phép 88 tấn đường của Công ty TNHH xuất nhập khẩu H.T.P có dấu hiệu của tội buôn lậu.

Do đó, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu đối với Công ty TNHH xuất nhập khẩu H.T.P và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó còn có một số vụ việc lớn phải kể đến như: Vụ án Buôn lậu 170,45 tấn đường cát từ Campuchia về Việt Nam, có giá trị trên 3 tỷ đồng của Công ty TNHH sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Thúy Anh, Tân Châu, Tây Ninh; Phát hiện 150 tấn đường cát nhập lậu tập kết ở Hóc Môn và Bình Tân không có hóa đơn chứng từ; Phát hiện 16 tấn đường cát xuất xứ nước ngoài không có hóa đơn chứng từ tại An Giang...

Thủ đoạn buôn lậu đường ngày càng tinh vi

Có thể thấy, buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát qua biên giới rất phức tạp, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng ngay từ quá trình phát hiện đến việc bắt giữ, xử lý.

Phối hợp chặt chẽ trong công tác chống buôn lậu đường cát

Theo lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, để làm tốt, hiệu quả nhiệm vụ chống buôn lậu nói chung, buôn lậu đường cát nói riêng rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng ngay từ khi nắm bắt thông tin cho đến khi hàng hóa được làm thủ tục nhập khẩu, vào nội địa tiêu thụ...

Do đó, yêu cầu đặt ra đối với lực lượng hải quan là cần chủ động tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc trao đổi, cung cấp thông tin với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường và các Tổ công tác liên ngành…

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu đường cát ngày càng tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát. Bên cạnh những sự vụ “khủng” của các doanh nghiệp mà lực lượng hải quan phát hiện thì các đối tượng, đường dây thường sử dụng các thủ đoạn như chia nhỏ khối lượng, đóng bao đường nhập lậu giả mạo là đường Việt Nam từ bên kia biên giới rồi sử dụng giấy tờ hợp pháp tuồn sâu vào nội địa; xóa hết các thông tin trên bao bì đựng đường để cơ quan chức năng không xác định được nguồn gốc xuất xứ…

Bên cạnh đó, các đối tượng tổ chức thành nhóm với đường dây chặt chẽ, thuê người theo dõi lực lượng chống buôn lậu để tìm cách đối phó. Thêm vào đó, ngày càng nhiều đối tượng buôn lậu lợi dụng khu vực cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở để vận chuyển trái phép đường qua biên giới…

Trước thực trạng đó, ngành Hải quan triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu đường - đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền ngành sản xuất mía đường cũng như các doanh nghiệp nội địa.

Dự báo, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán thường là thời gian cao điểm của các hoạt động buôn lậu, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó có đường cát. Do đó, lực lượng Hải quan cho biết sẽ tập trung vào các địa bàn buôn lậu đường cát trọng điểm như miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ...tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm. Đồng thời ưu tiên phương tiện, công cụ hỗ trợ và các trang thiết bị phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu cho các địa phương trọng điểm.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng trong hoạt động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về mối nguy hại của hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tham gia góp phần phòng ngừa đấu tranh chống buôn lậu nói chung, chống buôn lậu đường cát nói riêng.

Siết kiểm tra C/O, ngăn chặn lợi dụng chính sách để buôn lậu đường

Để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vừa tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách để thực hiện buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát qua biên giới thông qua việc sử dụng bộ hồ sơ hải quan nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), xem xét tính hợp lệ của C/O.

Bên cạnh đó, riêng về mặt thủ tục nhập khẩu mặt hàng đường cát, ngành Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải đảm bảo về mặt trình tự thủ tục, xem xét C/O doanh nghiệp cung cấp có phù hợp với bộ chứng từ không; xác lập bộ tiêu chí kiểm tra thực tế hàng hóa cụ thể, chuẩn xác…; kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình làm thủ tục, thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật Hải quan.

Đáng chú ý, trong quá trình làm thủ tục nếu có dấu hiệu nghi vấn thì cần áp dụng ngay các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ hành vi vi phạm.

Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) đã đề xuất đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường. Hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR code nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng. Đồng thời, yêu cầu ngăn chặn triệt để tình trạng lợi dụng hóa đơn chứng từ bán thanh lý đường nhập lậu bị tịch thu, hóa đơn mua bán đường trong nước để quay vòng hóa đơn...

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam