Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan):

Buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển vẫn "nóng"

10:10 | 15/01/2022 Print
(TBTCO) - Bất chấp dịch đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng, dầu vẫn diễn ra phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, với số lượng lớn, nhất là tại vùng biển Đông Bắc, miền Trung và Tây Nam giáp ranh với các nước Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia.

Vấn nạn xăng dầu lậu vẫn "nóng"

Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu, trong năm 2021, đại dịch bùng phát phức tạp, giao thông hạn chế nhưng buôn lậu xăng dầu trên tuyến biển vẫn không giảm. Trong đó, một số vùng biển số vụ buôn lậu xăng dầu gia tăng với thủ đoạn tinh vi, tình trạng manh động, dùng vũ khí chống lại các lực lượng chức năng như biển biển Đông Bắc, miền Trung và Tây Nam. Các đối tượng thường sử dụng tàu biển đi nước ngoài mua xăng lậu vận chuyển về Việt Nam, sau đó bơm sang các tàu nhỏ và vận chuyển bằng đường biển, đường sông vào đất liền tiêu thụ.

Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết thêm, lợi dụng giá xăng dầu trong nước thấp hơn các nước trong khu vực và thế giới, một số đối tượng, ngư dân hành nghề đánh cá trên biển đã lợi dụng các tàu, hầm chứa cá, nước đá để chứa xăng dầu có số lượng rất lớn được mua bán, sang mạn trên biển, nhằm đánh lạc hướng của các cơ quan chức năng, để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ, gây thất thu ngân sách Nhà nước, mất an ninh năng lượng, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cuối tháng 11/2021, Cục Điều tra chống buôn lậu đã ra 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 đối tượng vi phạm, tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm gồm 20.218 lít dầu DO. Vụ việc này do Hải đội 3 phát hiện, bắt giữ tàu Thiên Phúc 02 vận chuyển 20.218 lít dầu DO không có giấy tờ hợp pháp trên vùng biển Vũng Tàu...

Bên cạnh đó, các đối tượng mua bán xăng dầu trên biển đều móc nối giao nhận hàng - tiền thông qua trung gian, hoạt động theo mô hình khép kín, thực hiện khá tinh vi bài bản. Do đó khi bắt giữ, việc xác định chủ buôn lậu dầu, chứng minh yếu tố buôn lậu, xử lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, các tàu chở xăng dầu lậu được các đối tượng trang bị máy móc kỹ thuật khá hiện đại như rađa quét tầm xa, với mục đích phát hiện tàu công vụ để né chạy, tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng...

Buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển vẫn "nóng"
Bắt giữ tàu gỗ TG-91133-TS ngụy trang tàu đánh cá vận chuyển 45.885 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ. Ảnh: TL

Trước thực trạng đó, ngay từ đầu năm, lực lượng hải quan đã chủ động xây dựng nhiều kế hoạch kiểm soát chặt chẽ, nhất là tại các địa bàn trong điểm, qua đó phát hiện nhiều vụ vận chuyển xăng dầu trái phép khối lượng lớn.

Đơn cử, tháng 4/2021 trên vùng biển Côn Đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, qua khám xét, lực lượng hải quan đã phát hiện, bắt giữ tàu gỗ TG-91133-TS ngụy trang tàu đánh cá vận chuyển 45.885 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Cận tết, hải quan siết chặt hoạt động kiểm tra, kiểm soát

Sang năm 2022, ngay từ những ngày đầu năm, lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng, dầu trên biển như bắt giữ tàu vận chuyển 100.000 lít xăng và 70.000 lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp tại khu vực biển Bến Gót - Đình Vũ/Hải Phòng; thu giữ tàu vận chuyển 70.000 lít dầu DO không có giấy tờ chứng mình tính hợp pháp tại vùng biển cách Đông đảo Thổ Chu khoảng 20 hải lý;...

Tho nhận định của các lực lượng chức năng, dự báo trong thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh xăng dầu trên thế giới diễn biến phức tạp, giá xăng dầu tăng giảm thất thường và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, các đối tượng sẽ lợi dụng các hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu để buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu, qua biên giới, vùng biển...Hơn thế nữa, việc phát hiện, bắt giữ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do tội phạm ngày càng sử dụng phương thức, thủ đoạn đa dạng, sử dụng các công nghệ cao, lắp đặt các thiết bị hiện đại trên tàu để xác định phương tiện của lực lượng chức năng đến khu vực giao nhận hàng.

Đáng chú ý, theo Cục Điều tra chống buôn lậu, từ nay đến cận kề và sau Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu trên biển tiếp tục phức tạp do nhu cầu hàng hóa của thị trường tăng cao, trong đó có xăng dầu. Do đó, lực lượng hải quan sẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình trên các vùng biển, song song với đó đẩy mạnh công tác tuần tra, siết chặt hoạt động kiểm tra, kiểm soát...; chú trọng mũi nhọn vào tại các khu vực trọng điểm để ngăn chặn, đấu tranh kịp thời, có hiệu quả với hoạt động buôn lậu.

Đồng thời, lực lượng hải quan sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong phòng, chống tội phạm buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển.

Ngoài ra, ngành Hải quan sẽ phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là ngư dân, chủ động, tích cực tố giác các hành vi buôn lậu; cam kết không tham gia tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu trên biển./.

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam