Bộ Tài chính tập trung cải cách tổ chức bộ máy hành chính

07:00 | 17/01/2022 Print
(TBTCO) - Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước luôn là một trong những mục tiêu ưu tiên của Bộ Tài chính. Trong đó, tập trung bồi dưỡng nguồn nhân lực và sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả vẫn là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới của Bộ Tài chính.

Giảm 15 đầu mối các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ

Năm qua, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, hoàn thiện vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, biên chế của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.

Bộ Tài chính tiếp tục triển khai tổ chức bộ máy nội bộ theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị theo hướng một việc chỉ giao một tổ chức chủ trì, chịu trách nhiệm chính đảm bảo cơ cấu tổ chức, bộ máy phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý ngành.

Theo đó, đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính; ban hành 8 quyết định về việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Bộ; các quyết định về sắp xếp, tổ chức bộ máy một số đơn vị thuế, hải quan, kho bạc...

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Kết quả, đã thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy giảm 15 đầu mối các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, cụ thể: giảm 1 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục thuộc Bộ; Tổng cục Thuế giảm 2 chi cục; Kho bạc Nhà nước giảm 9 Kho bạc Nhà nước cấp huyện và 1 phòng thuộc Văn phòng; Tổng cục Hải quan giảm 3 chi cục.

Cùng với việc tinh gọn bộ máy, cải cách và hiện đại hóa ngành, công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức của Bộ Tài chính cũng được rà soát và tổ chức thực hiện đồng bộ. Năm 2021, Bộ Tài chính được giao 66.836 biên chế công chức (giảm 10% so với năm 2015) đúng với tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị.

Trên cơ sở tổng số biên chế Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính năm 2022 là 66.836 (bằng với chỉ tiêu biên chế năm 2021), Bộ Tài chính đã ban hành quyết định giao biên chế công chức Bộ Tài chính năm 2022. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành các quyết định về việc phê duyệt danh sách và kinh phí thực hiện tinh giản biên chế năm 2021 của Bộ Tài chính. Kết quả, trong năm 2021 toàn ngành Tài chính thực hiện tinh giản biên chế 149 trường hợp, trong đó: Tổng cục Thuế 123; Tổng cục Hải quan 1; Kho bạc Nhà nước 17; Tổng cục Dự trữ Nhà nước 5; Trường Đại học Tài chính – Kế toán 3.

Ưu tiên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính cũng là một trong những ưu tiên thực hiện trong nhiều năm qua của Bộ Tài chính.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Bộ Tài chính tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo trình độ chuyên môn cao, nâng cao chất lượng, năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1193/QĐ-BTC ngày 18/6/2021 phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành Tài chính giai đoạn 2021 – 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức “vừa hồng vừa chuyên”

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức “vừa hồng vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Bộ tăng cường đào tạo bồi dưỡng thông qua việc hoàn thiện, ban hành các chương trình đào tạo bồi dưỡng, đổi mới hình thức đào tạo bồi dưỡng đảm bảo phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Trong năm qua, Bộ Tài chính đã cử hàng trăm lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp học, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị..., đáp ứng yêu cầu tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực. Theo đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn bản quản lý công tác tổ chức cán bộ, đồng thời thực hiện đổi mới quản lý công tác quản lý cán bộ theo quy định, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của Bộ Tài chính.

Năm 2022, Bộ Tài chính sẽ ban hành một số quy định liên quan đến: tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức kế toán, thuế, hải quan, dự trữ; hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động của hội đồng quản lý; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm các thành viên hội đồng quản lý, chủ tịch hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực tài chính. Đồng thời, ban hành các quy định, quy trình, quy chế về quản lý công tác tổ chức cán bộ phù hợp với đặc thù của Bộ Tài chính và đảm bảo đúng quy định của Đảng, Nhà nước.

Đối với công tác nhân sự, sẽ tiếp tục bổ sung quy hoạch giai đoạn 2021-2026; thực hiện quy hoạch giai đoạn 2026-2031. Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại trong năm 2022 sẽ triển khai theo chủ trương đã được phê duyệt…

Công tác cán bộ và sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước hiệu quả, chính là nguyên nhân cốt lõi và bài học thành công của Bộ Tài chính.

“Giữ chân” người tài, cống hiến cho ngành Tài chính

Tại hội nghị tổng kết của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã đặc biệt nhấn mạnh, ngành Tài chính luôn ưu tiên và có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ công chức “vừa hồng vừa chuyên”.

Trong đó, Bộ trưởng quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và đề bạt cán bộ. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính trong thời gian tới phải đảm bảo năng lực tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thông qua việc tuyển dụng và giữ chân được người đủ tài nhằm cống hiến cho ngành Tài chính. Việc sắp xếp bộ máy phải thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Về cải cách tổ chức bộ máy, thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành Tài chính theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 56/2017/QH14, Kết luận số 34-KL/TW phù hợp với đặc thù và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của ngành; xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, quản lý thống nhất, thông suốt, tinh gọn, hợp lý, linh hoạt. Đồng thời, rà soát và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, hoàn thiện mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô phù hợp, tăng cường tính liên thông, thống nhất, thông suốt trong hoạt động quản lý của ngành Tài chính, đảm bảo một tổ chức có thể thực hiện nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Về cải cách công vụ, được biết Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện các quy định về quản lý biên chế trên cơ sở xác định vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; triển khai có hiệu quả quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức. Ngoài ra, tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành Tài chính theo hướng “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”; tăng cường đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức toàn ngành; gắn việc đào tạo, bồi dưỡng với thực tiễn quản lý, điều hành, đảm bảo toàn diện về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, trình độ tin học và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam