Đấu thầu trái phiếu chính phủ:

Kênh huy động vốn tiết kiệm và hiệu quả

07:46 | 18/01/2022 Print
(TBTCO) - Với việc mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi và thực hiện đấu thầu trái phiếu chính phủ, đã giúp công tác huy động vốn cho ngân sách nhà nước qua phát hành trái phiếu năm 2021 duy trì kết quả tích cực, lãi suất huy động giảm trên tất cả các kỳ hạn. Theo đó, hoạt động đấu thầu trái phiếu đã thực sự trở thành kênh huy động vốn tiết kiệm và hiệu quả cho ngân sách nhà nước.

Lãi suất giảm trên tất cả các kỳ hạn

Trong năm 2021, trước bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm chậm và tồn ngân quỹ nhà nước ở mức cao, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã chủ động tham mưu với Bộ Tài chính các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác huy động vốn, đồng thời đảm bảo tính bền vững của nợ công.

Kênh huy động vốn tiết kiệm và hiệu quả

Theo đó, ngoài việc điều hành tiến độ huy động vốn phù hợp với tiến độ thu ngân sách nhà nước (NSNN), giải ngân vốn đầu tư công, kế hoạch trả nợ của NSNN và phù hợp với điều kiện thị trường, KBNN đã thực hiện đa dạng kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP), tập trung vào kỳ hạn 5 năm trở lên để tiếp tục cơ cấu lại danh mục nợ TPCP theo hướng kéo dài kỳ hạn phát hành, điều hành lãi suất phát hành TPCP linh hoạt, hợp lý, bám sát thị trường, tranh thủ điều kiện thị trường thuận lợi để phát hành trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất thấp.

Lãi suất phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức thấp

Đến nay, lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam thấp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, thấp hơn lãi suất trái phiếu chính phủ cùng kỳ hạn của các nước có hệ số tín nhiệm tương đương trong khu vực như: Indonesia, Philippine và Ấn Độ.

Hiện nay, KBNN đã tổ chức huy động vốn TPCP đều đặn theo phương thức đấu thầu trên hệ thống giao dịch TPCP của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tạo sự ổn định, minh bạch của thị trường TPCP. Đồng thời, đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành, các sản phẩm trái phiếu cũng như các hình thức phát hành; thực hiện tái cơ cấu danh mục TPCP bằng cách tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, theo lô lớn; thực hiện nghiệp vụ hoán đổi TPCP.

Trong năm 2021 vừa qua, toàn bộ TPCP phát hành theo phương thức đấu thầu có kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm. Lãi suất phát hành giảm trên tất cả các kỳ hạn so với cuối năm 2020. Cụ thể, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm giảm khoảng từ 
0,11%/năm đến 0,46%/năm. Tính trung bình, lãi suất phát hành bình quân năm 2021 giảm 0,58%/năm so với năm 2020. Với việc lãi suất phát hành giảm này đã giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí huy động vốn cho NSNN.

Đặc biệt, để tăng thêm hiệu quả quản lý ngân quỹ nhà nước, KBNN đã phối hợp với HNX triển khai các nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn TPCP từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi và triển khai thí điểm đấu thầu TPCP qua phương thức đa giá.

Theo đánh giá từ các nhà chuyên môn, nếu như việc mua lại có kỳ hạn TPCP từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi đã mở ra cơ chế cho phép KBNN được thực hiện các giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP với các ngân hàng thương mại là thành viên giao dịch TPCP, thì phương thức đấu thầu đa giá, áp dụng nhiều mức lãi suất trúng thầu đã giúp tạo ra sự cạnh tranh hơn trong đấu thầu, đồng thời giúp các nhà đầu tư có cơ hội trải nghiệm phương thức đấu thầu mới theo thông lệ quốc tế.

Việc đấu thầu TPCP theo phương thức đơn giá và đa giá đang được KBNN áp dụng song song. Tuy nhiên, theo KBNN, trước mắt, phương thức đấu thầu đa giá được áp dụng đối với loại TPCP kỳ hạn 5 năm và được thực hiện gọi thầu liên tục hàng tuần.

Phấn đấu hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm 2022

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, KBNN cho biết, với những giải pháp đã được triển khai thực hiện, năm 2021, KBNN cơ bản hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn TPCP được giao, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn cân đối NSNN với chi phí hợp lý, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn chủ yếu của NSNN, góp phần quản lý ngân sách và nợ công an toàn, bền vững. Theo đó, tổng khối lượng huy động vốn TPCP năm 2021 là 318.213 tỷ đồng, đạt 98,2% kế hoạch điều chỉnh (324.000 tỷ đồng).

Huy động thành công 920 tỷ đồng qua đấu thầu đa giá trái phiếu

Kho bạc Nhà nước phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội triển khai thí điểm đấu thầu trái phiếu chính phủ theo phương thức đa giá từ tháng 9/2021. Từ đó đến nay, thông qua hệ thống đấu thầu điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức được 9 phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ theo phương thức đa giá và đã huy động thành công 920 tỷ đồng. Đặc biệt, trong phiên đấu thầu ngày 17/11/2021, Kho bạc Nhà nước trúng thầu với mức lãi suất 0,76%/năm, là mức lãi suất thấp nhất đối với kỳ hạn 5 năm từ trước đến nay.

Trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai thí điểm đấu thầu đa giá đối với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm, Kho bạc Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ nghiên cứu, báo cáo Bộ Tài chính xem xét quyết định việc triển khai tiếp theo hoặc mở rộng triển khai đối với các loại kỳ hạn khác trong thời gian tới nếu phù hợp.

Trong năm 2022, ngay từ đầu năm, KBNN đã đưa ra kế hoạch điều hành công tác phát hành TPCP theo hướng chủ động triển khai các nghiệp vụ huy động vốn TPCP tại thị trường trong nước, phấn đấu hoàn thành kế hoạch huy động vốn TPCP cho cân đối ngân sách năm 2022 và cho Chương trình phục hồi phát triển kinh tế. Đồng thời, tổ chức xây dựng và triển khai phương án phát hành TPCP quý, năm phù hợp với thu, chi NSNN và khả năng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi; bám sát thị trường, điều hành kịp thời, linh hoạt để vừa huy động đủ khối lượng theo nhu cầu, đáp ứng các mục tiêu của Nghị quyết số 07-NQ/TW, Nghị quyết số 23/2021/QH15; Nghị quyết số 34/2021/QH15 vừa duy trì ổn định thị trường.

Bên cạnh đó, KBNN cũng cho biết, thời gian tới đây, công tác huy động vốn tiếp tục được tổ chức theo phương thức đấu thầu TPCP nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của công tác vay nợ Chính phủ.

Việc huy động vốn sẽ tiếp tục được tập trung vào kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên. Trường hợp thị trường không thuận lợi, huy động kỳ hạn dài khó khăn, Bộ Tài chính sẽ mở thêm các kỳ hạn dưới 5 năm nhưng vẫn đáp ứng mục tiêu kỳ hạn phát hành bình quân TPCP đạt từ 9 - 11 năm theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ đánh giá khả năng sử dụng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương vay để giảm khối lượng phát hành TPCP nhưng vẫn đảm bảo an toàn thanh khoản của KBNN.

Để thực hiện thành công các mục tiêu này, giải pháp được KBNN đưa ra để thực hiện trong năm 2022 là phát hành đa dạng các loại kỳ hạn, phù hợp với các nhu cầu đầu tư và tạo đầy đủ các mức lãi suất tham chiếu cho thị trường. Nghiên cứu thí điểm phát hành mã trái phiếu chuẩn, phát hành TPCP hỗ trợ thanh khoản cho các nhà tạo lập thị trường. Thực hiện tái cơ cấu nợ (mua lại, hoán đổi TPCP) theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện thanh toán gốc, lãi, phí đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác thông tin, báo cáo theo quy định.

Dự kiến huy động 105 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ
trong quý I/2022

Thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách trung ương năm 2022, Kho bạc Nhà nước vừa thông báo kế hoạch đấu thầu trái phiếu chính phủ qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong quý I/2022.

Theo đó, tổng mức phát hành là 105.000 tỷ đồng (bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).

Khối lượng dự kiến theo kỳ hạn như sau: kỳ hạn 5 năm dự kiến phát hành 5.000 tỷ đồng; kỳ hạn 7 năm dự kiến phát hành 5.000 tỷ đồng; kỳ hạn 10 năm dự kiến phát hành 35.000 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm dự kiến phát hành 40.000 tỷ đồng; kỳ hạn 20 năm dự kiến phát hành 10.000 tỷ đồng; kỳ hạn 30 năm dự kiến phát hành 10.000 tỷ đồng.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam