COVID-19 tới 6 giờ ngày 18/1:

Thế giới vượt 330 triệu ca bệnh; Pfizer mở rộng sản xuất thuốc đặc trị

07:35 | 18/01/2022 Print
(TBTCO) - Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 330.867.567 ca, trong đó có 5.561.649 người tử vong.
Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi di chuyển trên đường phố Tokyo, Nhật Bản, ngày 17/1/2022.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong tiếp tục gây lo ngại và bất thường, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu khi dịch bệnh tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới. Hiện nay, biến thể Omicron đang là biến thể chiếm đa số ca mắc tại các điểm dịch nóng của thế giới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 100.000 ca), Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch tới nay chứng kiến trên 100.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 2.000 ca.

Tại Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 67.295.833 ca mắc và 873.594 ca tử vong, dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy số trẻ em phải nhập viện điều trị COVID-19 đang ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Theo CDC Mỹ, hiện trung bình mỗi ngày nước này ghi nhận 893 trẻ dưới 17 tuổi mắc COVID-19 nhập viện - mức cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu thống kê vào tháng 8/2020.

Kể từ ngày 1/8/2020 đến ngày 13/1/2022, có hơn 90.000 trẻ dưới 17 tuổi phải nhập viện tại Mỹ do COVID-19. Hầu hết các trường hợp phải nhập viện là do mắc COVID-19. Cũng có những trẻ phải nhập viện do nguyên nhân khác song có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 khi nhập viện hoặc trong thời gian nằm viện.

Tại châu Á, Bộ Y tế Hàn Quốc thông báo đã ghi nhận 3.859 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 696.032 ca. Con số này đã giảm xuống dưới 4.000 ca sau khi số lượng xét nghiệm giảm đi trong cuối tuần qua. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc là 6.333 ca. Tuy nhiên, số ca nhiễm đột phá ở nước này đang tăng mạnh và đến nay ghi nhận tổng cộng 199.749 ca, là những trường hợp vẫn nhiễm virus SARS-CoV-2 dù đã tiêm phòng COVID-19.

Ở Nhật Bản, dịch COVID-19 đang lây lan nhanh ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận gồm Saitama, Chiba và Kanagawa, buộc chính phủ nước này phải cân nhắc khả năng đưa vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm. Ngày 16/1, Nhật Bản ghi nhận 25.658 ca mới, chỉ thấp hơn một chút so với mức đỉnh 26.924 ca được ghi nhận vào ngày 23/8/2021.

Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới ở nước này ở trên ngưỡng 25.000 ca/ngày. Đáng chú ý, số ca mắc mới ở Tokyo lên tới 4.172 ca, tăng gấp 3,4 lần so với một tuần trước đó, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh dành riêng cho các bệnh nhân COVID-19 đã gần chạm ngưỡng 20%, ngưỡng mà chính quyền thủ đô sẽ phải yêu cầu chính quyền trung ương cho phép áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHS) ngày 17/1 thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận 223 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Tại châu Âu, Viện Robert Kock (RKI) của Đức ngày 17/1 thông báo, tỷ lệ mắc mới COVID-19 trong trung bình 7 ngày ở nước này tiếp tục chạm mốc cao kỷ lục, với 528,2 ca/100.000 dân, tăng mạnh so với tỷ lệ 375,7 ca hồi tuần trước.

RKI vừa ghi nhận 34.145 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, cao hơn khoảng 8.900 ca so với mức ghi nhận hồi tuần trước. Hôm 14/1 vừa qua, số ca mắc mới ở Đức lần đầu vượt ngưỡng 90.000 ca kể từ khi đại dịch bùng phát.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 12/1/2022.
Tại Pháp, thống kê của Cơ quan Y tế công cộng Pháp cho thấy tình hình dịch COVID-19 tại nước này đang có xu hướng ổn định. Số bệnh nhân nhiễm mới đã giảm xuống còn khoảng 280.000 ca/ngày so với mức 330.000 ca vào tuần trước đó.

Số bệnh nhân nhập viện cũng chỉ tăng nhẹ. Nhà dịch tễ học Arnaud Fontanet, thành viên của Hội đồng Khoa học quốc gia, nhận định nước Pháp đã qua giai đoạn cao trào của làn sóng dịch COVID-19 thứ 5.

Ngày 17/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư sẽ đạt đỉnh ở Italy trong vòng 2-3 tuần tới và sau đó là một giai đoạn đại dịch suy giảm.

Theo WHO, sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đang chậm lại với số ca nhiễm COVID-19 ở Italy giảm nhẹ. Nhưng đồng thời, với tốc độ lây truyền rất cao của biến thể Omicron, hiện đang phổ biến với hơn 2,5 triệu người Italy dương tính với virus, chắc chắn rằng gần như toàn bộ dân số nước này sẽ phơi nhiễm biến thể Omicron trong năm 2022.

Trong khi đó, Đan Mạch ngày 17/1 cũng thông báo ghi nhân số ca mắc COVID-19 mới ở mức kỷ lục với 28.780 ca trong 24 giờ qua. Số ca nặng nhập viện cũng lên tới 802 trường hơp, mức cao nhất tại nước này kể từ đầu năm 2022. Tình trạng lây lan nhanh dịch COVID diễn ra trong bổi cảnh Chính phủ Đan Mạch đã cho phép mở cửa lại các rạp chiếu phim, bảo tàng và các cơ sở văn hóa sau một tháng phong tỏa.

Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi cho biết tính đến tối 16/1, số ca mắc COVID-19 trong khu vực đã lên tới 10.327.787 ca. Số ca tử vong do COVID-19 là 234.267 ca trong khi số bệnh nhân phục hồi là 9.224.148 ca.

Nam Phi, Maroc, Tunisia và Ethiopia nằm trong số những quốc gia có số ca nhiễm cao nhất châu lục. Cụ thể, tính đến tối 16/1, Nam Phi ghi nhận 3.556.633 ca mắc COVID-19, mức cao nhất châu lục, tiếp đến là Maroc với 1.045.250 ca. CDC châu Phi cho biết xét theo số ca nhiễm, miền Nam châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19, tiếp theo là các khu vực miền Bắc và miền Đông châu Phi, trong khi Trung Phi là khu vực ít chịu ảnh hưởng nhất.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 17/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 64.726 ca mắc mới COVID-19 và 238 ca tử vong. Tổng số ca bệnh ở khu vực này tới nay vượt 15.795.700 trường hợp và 310.502 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác. Số ca tử vong và nhất là số ca mắc mới tăng vọt trong khu vực.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam.

Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy tháng qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đều giảm đáng kể.

Ngày 17/1, Philippines ghi nhận số ca bệnh mới tăng vọt và cao chưa từng thấy, dẫn đầu toàn khối với trên 37.000 ca bệnh. Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á với trên 16.000 ca mắc mới và 179 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 10/1/2022.
Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 17/1 ghi nhận thêm trên 6.000 ca bệnh mới và 13 người tử vong.

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 29 bệnh nhân mới và không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.

Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 124.000, số ca mắc mới trên 600 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 2 trường hợp.

Nhìn chung, toàn khối đang đối mặt với mối đe dọa Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới./.

Anh Tuấn (tổng hợp)

© Thời báo Tài chính Việt Nam