Chi phí quản lý các loại hình bảo hiểm xã hội giai đoạn 2022-2024:

Dự kiến chi gần 39 nghìn tỷ đồng

16:44 | 19/01/2022 Print
(TBTCO) - Thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 ngày 8/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024, Bộ Tài chính đang có tờ trình về dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024.

Nguyên tắc bố trí chi phí quản lý cho giai đoạn 2022-2024

Theo dự thảo của Bộ Tài chính, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2022-2024 được bố trí theo nguyên tắc mức chi phí quản lý tính theo tỷ lệ trên số thu, chi BHXH (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHXH), số thu, chi BHTN (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHTN) và số thu BHYT theo quy định của Luật BHXH, Luật Việc làm và Luật BHYT.

Cơ cấu các nhóm chi trong chi phí quản lý là cơ cấu bình quân cho giai đoạn 2022-2024, trong đó quy định theo mức tối đa đối với chi hoạt động bộ máy và chi nhiệm vụ chuyên môn để đảm bảo triệt để tiết kiệm. Quỹ tiền lương và các khoản phụ cấp đóng góp theo lương hàng năm tính trên số người làm việc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao năm 2021.

Dự kiến chi gần 39 nghìn tỷ đồng

Chi nhiệm vụ tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia giai đoạn 2022-2024 dự kiến sẽ được tăng lên.

Dự thảo quyết định mới này cũng quy định, tiếp tục thực hiện chế độ tiền lương bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương do Nhà nước quy định như giai đoạn 2019-2021 cho đến khi Nhà nước thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW thì thực hiện theo chế độ tiền lương mới. Trường hợp biên chế có thay đổi thì thực hiện theo số biên chế được giao theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Chi phí quản lý giai đoạn 2022-2024 tập trung bố trí kinh phí theo hướng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; đa dạng hóa nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia, theo Nghị quyết số

28-NQ/TW và Nghị quyết số 20-NQ/TW; tăng cường cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi tối đa cho người dân, hiện đại hóa việc quản lý đối tượng thu, chi; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm thu đúng, thu đủ tiền đóng theo chế độ; triệt để tiết kiệm đặc biệt là các khoản chi thường xuyên không thiết yếu.

Mức chi phí quản lý

Theo quy định tại dự thảo, mức chi phí quản lý BHXH bình quân giai đoạn 2022 -2024 tối đa 1,54% dự toán thu, chi BHXH (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHXH) được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH; trong đó, năm 2022 tối đa 1,59%, năm 2023 tối đa 1,54% và năm 2024 tối đa 1,49%.

Mức chi phí quản lý BHTN bình quân giai đoạn 2022-2024 tối đa 1,54% dự toán thu, chi BHTN (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHTN) được trích từ Quỹ BHTN. Trong đó, năm 2022 tối đa 1,59%, năm 2023 tối đa 1,54% và năm 2024 tối đa 1,49%.

Mức chi phí quản lý BHYT bình quân giai đoạn 2022-2024 tối đa 3,5% dự toán thu tiền đóng BHYT, được trích từ số tiền thu BHYT. Trong đó, năm 2022 tối đa 3,55%, năm 2023 tối đa 3,5% và năm 2024 tối đa 3,45%.

Trường hợp thực hiện thu, chi BHXH, BHTN trong năm không đạt dự toán, mức chi phí quản lý theo quy định tính trên số thực thu, thực chi. Thu BHYT trong năm không đạt dự toán, mức chi phí quản lý tính trên số thực thu.

Trường hợp thực hiện thu, chi BHXH, BHTN trong năm vượt dự toán, chi phí quản lý 2 loại hình này thực hiện theo tỷ lệ dự toán đã được giao. Với số thu tiền đóng BHYT trong năm vượt dự toán thì mức chi phí quản lý BHYT theo tỷ lệ quy định tính trên số thực thu tiền đóng BHYT.

Đối với dự toán chi phí quản lý được cấp có thẩm quyền giao trong năm, các đơn vị sử dụng và quyết toán theo chế độ quy định. Phần chênh lệch giữa dự toán chi phí quản lý được giao và chi phí quản lý theo quy định tại khoản 2 được bù trừ vào chi phí quản lý năm sau.

Về cơ cấu chi, dự thảo quy định, cơ cấu nhiệm vụ chi giai đoạn 2022-2024 trong phạm vi nguồn chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT gồm 3 nhóm nhiệm vụ chi.

Cụ thể, chi nhiệm vụ chuyên môn về tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia, quản lý người thụ hưởng, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thu, chi, thanh tra, kiểm tra; chi ứng dụng công nghệ thông tin, chi đầu tư xây dựng cơ bản; chi hoạt động bộ máy của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân và các đơn vị được giao thực hiện chính sách BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc ngành lao động. Trong đó, nhóm chi hoạt động bộ máy của các đơn vị bình quân giai đoạn được quy định tối đa là 35,3% tổng chi phí quản lý giai đoạn 2022-2024.

Dự kiến nhu cầu chi phí quản lý các loại hình bảo hiểm
giai đoạn 2022-2024 tăng bình quân 0,36%/năm

Báo cáo đánh giá tác động nội dung quy định tại dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ giai đoạn 2022-2024 cho thấy, dự kiến nhu cầu chi phí quản lý các loại hình bảo hiểm trên giai đoạn 2022-2024 là 38.999 tỷ đồng, giảm 3.214 tỷ đồng so với chi phí quản lý giai đoạn 2019-2021 được trích theo quy định tại Nghị quyết số 528/2018/UBTVQH14 và Luật Bảo hiểm y tế. So với số thực trích giai đoạn 2019-2021, dự kiến chi phí này tăng 417 tỷ đồng, mức tăng bình quân 0,36%/năm.

Hà My

© Thời báo Tài chính Việt Nam