Đổi mới công tác giám sát, kiểm tra nội bộ hướng tới kho bạc số

10:49 | 19/01/2022 Print
(TBTCO) - Công tác kiểm tra, giám sát nội bộ luôn được Kho bạc Nhà nước thực hiện có nề nếp. Qua công tác này, Kho bạc Nhà nước đã chủ động phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, sai sót trong hoạt động nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ, góp phần phòng ngừa rủi ro, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, hướng tới xây dựng nền hành chính “phục vụ”. Với mục tiêu hình thành “kho bạc số”, Kho bạc Nhà nước đang đưa ra một số giải pháp cho công tác kiểm tra, giám sát nội bộ trong thời gian tới để phù hợp với các bước cải cách, hiện đại hóa đang thực hiện.

Các sai sót được chấn chỉnh kịp thời

Ông Đinh Mạnh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh tra Kiểm tra - Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, hàng năm, bám sát định hướng của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính, KBNN đã ban hành kế hoạch kiểm tra nội bộ của các đơn vị trực thuộc trên nguyên tắc: tập trung kiểm tra những nghiệp vụ tiềm ẩn rủi ro cao, đối tượng đưa vào kế hoạch kiểm tra được theo dõi luân phiên thứ tự đảm bảo không bỏ sót đơn vị. Đồng thời, KBNN ban hành công văn định hướng KBNN các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ tại đơn vị mình, kết hợp hài hòa giữa kiểm tra thường xuyên, kiểm tra chéo và kiểm tra đột xuất. Việc xây dựng kế hoạch kiểm tra một cách toàn diện với những nội dung trọng tâm trọng điểm đã trở thành nề nếp trong toàn hệ thống, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, phòng ngừa rủi ro.

Đổi mới công tác giám sát, kiểm tra nội bộ hướng tới kho bạc số

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho biết, về tổ chức thực hiện hoạt động giám sát nội bộ, KBNN đã hoàn thành việc thiết lập tiêu chí để kết xuất dữ liệu xử lý hồ sơ quá hạn trên dịch vụ công trực tuyến (DCVTT) phục vụ cho công tác giám sát, đảm bảo giám sát việc “tiếp nhận hồ sơ” không muộn hơn 8 giờ làm việc.

Đổi mới trong lựa chọn đối tượng kiểm tra, giám sát

Để đổi mới việc lựa chọn đối tượng kiểm tra, giám sát, tới đây, Kho bạc Nhà nước sẽ khai thác triệt để dữ liệu trong tiện ích tra cứu dữ liệu dịch vụ công trực tuyến phục vụ thanh tra, kiểm tra đối với những hồ sơ, tài liệu giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, Kho bạc Nhà nước kết hợp cùng với kết quả giám sát dữ liệu trên hệ thống thông tin về xử lý hồ sơ quá hạn, trả lại nhiều lần, xác định đơn vị có dấu hiệu rủi ro để lựa chọn đúng đối tượng cần kiểm tra đột xuất theo quy định hoặc xác định trọng tâm rủi ro thực hiện kiểm tra theo kế hoạch (nếu kế hoạch kiểm tra đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

Đồng thời, KBNN thực hiện kết xuất dữ liệu về sử dụng chứng thư số từ máy chủ của KBNN để giám sát từ xa việc chấp hành bảo mật quản lý, sử dụng chứng thư số, mục đích là để chấn chỉnh lề lối làm việc và cảnh báo rủi ro có thể xảy ra tại KBNN các cấp.

Theo đó, KBNN đã tiến hành kiểm tra, rà soát làm rõ các giao dịch được ký duyệt trên máy tính người khác (tránh tình trạng vi phạm các quy định về bảo mật trong quản lý, sử dụng các ứng dụng bảo mật được cài đặt trên máy); kiểm tra, rà soát công tác ủy quyền (tránh tình trạng không có ủy quyền bằng giấy nhưng vẫn ký duyệt trên máy hoặc có ủy quyền nhưng không thống nhất giữa ký trên chứng từ giấy và trên máy tính); kiểm tra, rà soát các user lâu không sử dụng không rõ lý do, chưa thực hiện thu hồi hoặc tạm dừng sử dụng theo quy định dẫn đến vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng thư số…

Theo Vụ trưởng Vụ Thanh tra Kiểm tra - KBNN, kết quả lớn nhất của công tác kiểm tra, giám sát nội bộ là đã giúp cho KBNN các cấp thấy được những tồn tại, sai sót, thấy được những vướng mắc trong tổ chức thực hiện các quy định mới của pháp luật liên quan đến hoạt động KBNN… Sau khi kết thúc các đợt kiểm tra, KBNN đều có văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh chung trong toàn hệ thống. Đồng thời, các giải pháp trong công tác giám sát đã được KBNN các tỉnh, thành phố đồng thuận và đánh giá cao.

Hoàn thiện các công cụ giám sát

Dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng kho bạc hiện đại, tinh gọn… Đến năm 2030, toàn bộ các hoạt động quản lý, quản trị, cung cấp dịch vụ của KBNN được thực hiện trong môi trường số hóa và trên nền tảng các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, tiến tới hình thành kho bạc số.

Cùng với đó, KBNN đã thực hiện kiểm soát thanh toán các nguồn vốn ngân sách từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong cơ chế quản lý rủi ro. Nhiều khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN sẽ được thực hiện theo phương thức thanh toán trước, kiểm soát sau nên công tác hậu kiểm là rất quan trọng và nhiệm vụ này đã được giao cho thanh tra chuyên ngành kho bạc thực hiện, nhằm đảm bảo các khoản chi NSNN đúng chế độ quy định.

Từ thực tiễn đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Thanh tra KBNN trong giai đoạn này là phải đổi mới hoạt động kiểm tra, giám sát phù hợp với lộ trình hiện đại hóa công tác thanh tra kiểm tra của toàn hệ thống và đảm bảo phù hợp với lộ trình hiện đại hóa công tác kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN trong điều kiện hướng tới “kho bạc số”.

Theo đó, ngoài việc đổi mới phương pháp thực hiện kiểm tra, giám sát nội bộ theo phương pháp điện tử; đổi mới trong lựa chọn đối tượng kiểm tra, giám sát, KBNN sẽ đổi mới cách thức thực hiện kiểm tra giám sát và hoàn thiện các công cụ giám sát.

Ông Tuấn cho biết, với cách thức kiểm tra, giám sát, KBNN yêu cầu các đơn vị tự kiểm tra, báo cáo, gửi hồ sơ, tài liệu về các phòng thanh tra kiểm tra; hạn chế đến mức tối đa hoạt động thanh tra trực tiếp tại cơ quan, đơn vị nhưng vẫn đảm bảo quy định pháp luật về thanh tra và nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định.

Đồng thời, trước mắt, KBNN nghiên cứu xây dựng hoàn thiện chương trình ứng dụng phục vụ công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng chứng thư số và các giao dịch trên DVCTT tại KBNN các tỉnh, thành phố theo đúng các quy định, trong đó có phương án chuyển giao, phân cấp cho các đơn vị KBNN chủ động khai thác các chương trình ứng dụng.

Cùng với đó, KBNN cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị KBNN cấp tỉnh quán triệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền; kiên quyết áp dụng thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các lỗi vi phạm của các đơn vị giao dịch qua DVCTT theo đúng các quy định hiện hành trong lĩnh vực KBNN.

Về lâu dài, KBNN sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm tra, giám sát, từng bước rút ngắn thời gian kiểm tra trực tiếp tại đơn vị; nghiên cứu, xây dựng quy chế, quy trình hướng tới kiểm tra theo phương thức điện tử; nghiên cứu, xây dựng công cụ giám sát hoạt động nghiệp vụ KBNN các cấp phục vụ công tác đánh giá, kiểm soát, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động của KBNN trong giai đoạn mới.

Thực hiện hàng trăm cuộc kiểm tra thường xuyên và đột xuất

Từ năm 2016 đến năm 2018, trung bình mỗi năm hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện được trên 900 cuộc kiểm tra nội bộ. Trong 2 năm 2020 và 2021, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên diện rộng, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội đã tác động trực tiếp đến công tác kiểm tra nội bộ của KBNN. Theo đó, năm 2020, hệ thống KBNN tiến hành được trên 700 cuộc kiểm tra nội bộ; trong năm 2021 là 848 cuộc, đạt tỷ lệ 27% so với kế hoạch phê duyệt; giảm trên 100 cuộc so với những năm trước.

Cùng với công tác kiểm tra thường xuyên, trong năm 2021 vừa qua, toàn hệ thống KBNN đã tiến hành gần 200 cuộc kiểm tra đột xuất các đơn vị trong hệ thống đối với công tác quản lý, sử dụng tài khoản đăng nhập chương trình nghiệp vụ, bảo mật chứng thư số nhằm đánh giá khách quan, chính xác tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam