Ngành Hải quan:

Bám sát tình hình, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa

10:27 | 21/01/2022 Print
(TBTCO) - Cuối năm là thời điểm dễ xảy ra tình trạng ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu, do lượng hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng đột biến. Dự đoán được tình trạng này, cơ quan hải quan đã chủ động đưa ra các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa.

Chủ động hỗ trợ, hướng dẫn

Tại các cửa khẩu có lượng hàng hóa cuối năm dồn nhiều, các đơn vị hải quan đều bố trí cán bộ công chức trực thực hiện thủ tục 24/7 để giải quyết nhanh việc thông quan hàng xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) kịp thời.

Về mặt thủ tục, đối với cảng biển, vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư để giải quyết ách tắc tại khu vực này, đồng thời ban hành thông tư cho phép doanh nghiệp (DN) được nộp các chứng từ dưới dạng chứng từ điện tử thay bằng chứng từ giấy để thực hiện thông quan nhanh. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cục hải quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như: DN kinh doanh cảng, bộ đội biên phòng, ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành hàng hóa để phối hợp thực hiện thông quan nhanh với hàng hóa, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại vào dịp Tết cổ truyền này. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan luôn bám sát theo dõi tình hình tại cửa khẩu để có chính sách kịp thời, vừa đẩy nhanh tốc độ thông quan, vừa giải tỏa ách tắc.

Nguồn: Tổng cục Hải quan   	     						                       Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân

Theo ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, vừa qua, tại một số cửa khẩu biên giới đường bộ diễn ra tình trạng ách tắc. Trong bối cảnh đó Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản chỉ đạo cục hải quan các tỉnh biên giới tạo thuận lợi thông quan nhanh hàng hóa, khuyến khích DN đăng ký tờ khai trước, chỉ đến cửa khẩu thực hiện hoạt động giao nhận và XK. Khi có tình trạng ùn tắc, cơ quan hải quan chủ động, kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn để giải quyết, đồng thời thông báo cho DN điều tiết lượng hàng đưa lên cửa khẩu biên giới giảm tình trạng ùn tắc.

Ông Âu Anh Tuấn cho rằng, các chính sách đẩy nhanh tốc độ thông quan phía Trung Quốc đã giúp hàng hóa XNK nhanh chóng trở lại bình thường. Hiện nay, Cục Hải quan Quảng Ninh cũng đang chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu tiếp tục chủ động hỗ trợ DN giải phóng hàng hóa hiện đang chờ xuất khẩu; đảm bảo an ninh trật tự, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường tại các cửa khẩu, lối mở biên giới. Trong đó, đơn vị hải quan chủ động hỗ trợ, hướng dẫn các cá nhân, DN có nhu cầu chuyển hàng đến các cửa khẩu khác để xuất khẩu, chuyển hàng tiêu thụ nội địa hoặc chuyển hàng vào lưu giữ tại các kho ngoại quan, kho lạnh, các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát; thực hiện thủ tục gia hạn đối với hàng quá cảnh; thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, chính quyền địa phương để bố trí, điều tiết, sắp xếp, phân luồng, quản lý hàng hóa ra/vào cửa khẩu; ưu tiên các mặt hàng xuất khẩu là hoa quả tươi, hàng bảo quản lạnh, cấp đông, hàng phục vụ thị trường của Trung Quốc dịp tết; các mặt hàng nhập khẩu như linh kiện điện tử, máy, thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất cho các dự án lớn trong nước.

Hiện đại hóa để tiết giảm thủ tục

Ở diện rộng, theo đại diện Tổng cục Hải quan, các cơ quan chức năng cũng đang phối hợp chặt chẽ để đưa ra các biện pháp như thiết lập vùng đệm, vùng xanh để đảm bảo công tác kiểm soát phòng chống dịch cho hàng hóa XK. Các bộ, ngành cũng đã khuyến nghị DN theo dõi tình hình để điều tiết lượng hàng, tránh việc đưa ồ ạt lên cửa khẩu để gây ra ách tắc tiếp.

Cơ bản ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới đã được giải quyết

Với sự vào cuộc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, đến nay tình hình hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới về cơ bản đã được giải quyết. Tại Lạng Sơn, thời điểm cao điểm nhất có khoảng gần 5.000 xe container tồn tại cửa khẩu. Đến ngày 11/1 chỉ còn khoảng 1.800 xe đang nằm tại các khu vực cửa khẩu chủ yếu là Tân Thanh và Hữu Nghị. Tại các khu vực khác, ví dụ như Móng Cái (Quảng Ninh), Trung Quốc đã bắt đầu cho phép xuất khẩu hàng hóa sang sau khi nước này tăng cường các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch.

Đồng thời, các ngành cũng thực hiện biện pháp đồng bộ hơn và lâu dài hơn là tiến tới nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam; tuân thủ các quy định kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của phía Trung Quốc; chuyển dần buôn bán từ tiểu ngạch sang chính ngạch để đảm bảo quyền lợi và nâng cao chất lượng XK. Cùng với đó là đa dạng hóa thị trường XK,…

Xét về lâu dài, ở cấp vĩ mô, năm 2022, Tổng cục Hải quan đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, tập trung xử lý để đẩy nhanh triển khai hải quan số, mô hình Hải quan thông minh và thực hiện Chiến lược cải cách hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2021-2030.

Về hoàn thiện cơ sở pháp lý để tạo tiền đề triển khai hải quan số, mô hình hải quan thông minh, Cục Giám sát quản lý về hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật từ nghị định đến thông tư làm cơ sở thực hiện cải cách hiện đại hóa hải quan; tiếp tục thực hiện triển khai nghị định đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, theo Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Về tổ chức triển khai thực hiện, Cục Giám sát quản lý về hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát hoàn thiện các bài toán nghiệp vụ về hải quan thông minh làm tiền đề cho việc đấu thầu, xây dựng, triển khai hệ thống mới vào cuối năm 2022 đầu năm 2023.

Ngoài ra, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung cải tiến các quy trình thủ tục hải quan hiện nay theo hướng tiệm cận mô hình hải quan số, hải quan thông minh…

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam