Mở đường đưa thanh long Việt Nam sang thị trường Ấn Độ

15:16 | 21/01/2022 Print
Để góp phần giải quyết tiêu thụ thanh long đang gặp khó khăn do phục thuộc vào thị trường Trung Quốc và giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, thị trường Ấn Độ là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành đích đến tiềm năng cho mặt hàng này của Việt Nam.

Thanh long phải "giải cứu" vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Theo thông tin từ các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, hiện nay mỗi tỉnh đang thu hoạch hàng chục ngàn tấn thanh long nhưng nông dân đang thiệt hại lớn do không bán được, hoặc bán với giá rất rẻ sau khi các cửa khẩu sang Trung Quốc đóng cửa.

Các tỉnh biên giới đã phải khuyến cáo doanh nghiệp không đưa nông sản, trong đó có mặt hàng thanh long lên cửa khẩu trong bối cảnh thông quan hàng hóa sang Trung Quốc rất khó khăn, nhiều xe hàng đã phải quay đầu đưa hàng về các tỉnh, thành phố trong nội địa trông chờ được "giải cứu".

Trong bối cảnh nêu trên, Bộ Công thương đề nghị thu mua, chế biến, đẩy mạnh bán lẻ để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà vườn tiêu thụ thanh long. Trong khi tình trạng ùn ứ nông sản vẫn chưa thể giải tỏa dứt điểm tại khu vực biên giới phía Bắc, thị trường trong nước không phát triển được, tạm thời chưa thể giải bài toán đầu ra cho nông sản, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND các tỉnh vùng trồng thanh long đề nghị phối hợp, đẩy mạnh tiêu thụ thanh long trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Theo đó, Bộ Công thương đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh vùng trồng và sản xuất nông, thủy sản rà soát, thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý chặt chẽ để đảm bảo quy trình sản xuất an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 từ khâu trồng, thu mua, bao gói, phân loại tới khâu vận chuyển để xuất khẩu.

Mở đường đưa thanh long Việt Nam sang thị trường Ấn Độ
Đóng góp thanh long phục vụ xuất khẩu. Ảnh: CTV

Bộ Công thương đề nghị các tỉnh xây dựng phương án tiêu thụ đối với sản lượng thanh long trên địa bàn tỉnh; tăng cường kết nối cung cầu, vận động hệ thống phân phối, tập đoàn bán lẻ, siêu thị đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ thanh long trong chuỗi cung ứng; chú trọng giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Khuyến khích các doanh nghiệp có kho lạnh trên địa bàn cho thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu gửi tạm trữ thanh long chờ tiêu thụ; có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp để tăng thu mua thanh long cho nhà vườn.

Được biết, hiện nay Trung Quốc đã dừng nhập khẩu thanh long, trong khi từ nay đến hết tháng 3/2022 có khoảng trên 300 nghìn tấn thanh long cần tiêu thụ.

Cơ hội và yêu cầu đưa thanh long sang thị trường Ấn Độ

Tại hội nghị xúc tiến thanh long Việt Nam sang thị trường Ấn Độ do Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ vừa tổ chức, ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương) khẳng định, sản phẩm trái thanh long Việt Nam có tiềm năng tiêu thụ tại thị trường Ấn Độ, nhưng vấn đề ở đây là kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ có nhu cầu giao thương.

"Việt Nam và Ấn Độ có nền tảng quan hệ tốt đẹp với bề dày 50 năm lịch sử, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có những bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt, thị trường Ấn Độ có dung lượng gần 1,4 tỷ dân; số lượng người ăn chay, có thói quen ăn uống với trái cây đông đảo. Ấn Độ nhập khẩu 95% từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Sri Lanka, trong đó Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu. Người Ấn Độ đánh giá khá tốt trái thanh long, vì có lợi cho sức khỏe, hương vị thơm, nhiều dinh dưỡng"- ông Hưng phân tích.

Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, hiện nay Ấn Độ cũng bắt đầu triển khai trồng thanh long tại một số bang với diện tích khoảng 3.000 - 4.000 ha và sản lượng đạt 12.000 tấn/năm. Nhìn chung sản lượng này là thấp, chất lượng thanh long Ấn Độ không ngon và ngọt như thanh long Việt Nam. Trong khi đó, thanh long là thế mạnh của tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang với sản lượng lớn, chất lượng vượt nhiều quốc gia trong khu vực, lại khó khăn trong tiêu thu sản phẩm. Đây cũng chính là cơ hội để mặt hàng này mở rộng hơn vào thị trường 1,4 tỷ dân.

Ông Đỗ Thanh Hải - Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ liên tục tăng trong thời gian qua, nhưng còn dưới tiềm năng và nhu cầu của Ấn Độ. Ông Hải kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam cùng đồng hành với cơ quan nhà nước thực hiện các chương trình quảng cáo quy mô lớn tại Ấn Độ. "Mỗi người Ấn Độ chỉ dùng 1 USD để ăn trái cây thôi thì đã là một thị trường quá lớn cho thanh long của Việt Nam"- ông Hải dẫn chứng.

Ông Hải cũng cho rằng, các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức thị trường Ấn Độ, từ đó có sự đầu tư thời gian, công sức và tài chính đối với công tác xúc tiến thương mại thanh long Việt Nam tại thị trường Ấn Độ. Các hiệp hội, doanh nghiệp phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác, xây dựng mức giá hợp lý tại thị trường Ấn Độ, không cạnh tranh lẫn nhau về giá; kinh doanh phải đảm bảo chữ tín và chất lượng sản phẩm; ký kết hợp đồng đảm bảo chặt chẽ nhất là điều khoản về chất lượng, kiểm tra hàng và điều khoản thanh toán./.

Ông Nguyễn Quốc Duẩn - Tổng Giám đốc doanh nghiệp Song Nam, đơn vị đã xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ trong thời gian qua cũng chia sẻ, người dân Ấn Độ rất thích quả thanh long, Ấn Độ thực sự là một thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long Việt Nam. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là không có rủi ro nếu không tránh được những bài học khi xuất khẩu thanh long vào thị trường Trung Quốc.

Bà Huỳnh Thị Vy, một doanh nhân Việt Nam tại Ấn Độ khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ an toàn thực phẩm, phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, bao bì phải có tiếng Anh, thậm chí là có tiếng Ấn Độ, tránh tình trạng thời gian qua thanh long Việt Nam nhưng bao bì toàn chữ Trung Quốc và đặc biệt là không được tự hạ giá (phá giá).

Phúc Hải

© Thời báo Tài chính Việt Nam