Hà Nội bố trí 1.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

09:13 | 22/01/2022 Print
(TBTCO) - Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, thành phố Hà Nội đã bố trí kinh phí 1.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hà Nội bố trí 1.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Hà Nội bố trí 1.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TL

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, đến hết năm 2021, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây.

Đối với 6 huyện còn lại, huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện lại hồ sơ, trình Hội đồng thẩm định Trung ương đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Huyện Chương Mỹ đã được UBND thành phố trình Bộ NN&PTNT, Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021.

Huyện Ứng Hòa và huyện Mê Linh đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia thành phố họp bỏ phiếu trình Bộ NN&PTNT, Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, công nhận. Huyện Ba Vì và huyện Mỹ Đức đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đang tiến hành hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2022...

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, Hà Nội dự kiến bố trí nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021- 2025 là 89.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí huy động ngoài ngân sách (từ doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân) phấn đấu đạt khoảng 12.000 tỷ đồng; còn lại là nguồn vốn lồng ghép, từ ngân sách của thành phố và các huyện, thị xã cân đối bổ sung.

Đối với kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay có 595 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã được trình Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thành phố đánh giá, phân hạng, vượt kế hoạch thành phố giao 400 sản phẩm OCOP năm 2021.

Về nâng cao đời sống nông dân, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt 54,07 triệu đồng/người/năm.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, thành phố Hà Nội đã bố trí kinh phí 1.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì thế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành phối hợp để triển khai, trong đó cần dành nguồn lực cho phát triển.

Theo đó, năm 2022, Hà Nội rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách đã có về khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao để triển khai thực hiện; giao chỉ tiêu cho mỗi một huyện, thị xã trong năm 2022 phải có thêm 1 mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng thời, những năm tiếp theo cần tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với 4 huyện: Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa đã hoàn thiện hồ sơ, cần tiếp tục đeo bám để được công nhận trong quý I/2022. Hai huyện còn lại là Ba Vì và Mỹ Đức hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới, trong năm 2022.

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, nhất là các tiêu chí về cấp nước sạch, nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, xây dựng trường chuẩn quốc gia... phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp trong năm tới từ 2,5-3%.

Theo TP.Hà Nội, sau 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đối với Hà Nội, ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; giai đoạn từ 2008 - 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,94%/năm, quy mô GDP toàn ngành tăng gấp 1,39 lần. Năng suất lao động nông nghiệp đạt gần 60 triệu đồng/người, cao hơn gấp 2 lần so với năm 2008.

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam