Thị trường bất động sản năm 2022:

Ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi

10:18 | 25/01/2022 Print
(TBTCO) - Năm 2021, thị trường bất động sản đã chứng kiến hiện tượng sốt đấu giá đất ở nhiều nơi, trong đó có trường hợp giá trúng đấu giá cao bất thường tại Thủ Thiêm. Để kiểm soát tình trạng sốt giá đất, cần có những giải pháp kiểm soát chặt về tài chính tín dụng, tăng nguồn cung nhà xã hội, quan trọng nhất là quản lý chặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản…

Kiểm soát chặt về tài chính tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Trao đổi thông tin tại buổi họp báo thường kỳ mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho hay năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, trong đó có ngành bất động sản. Tuy nhiên từ đầu tháng 10/2021, các địa phương gỡ dần các biện pháp hạn chế chống dịch, đồng thời kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới, theo đó thị trường bất động sản cũng khởi sắc trở lại.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, năm 2021 thị trường bất động sản đã chứng kiến hiện tượng sốt đấu giá đất nhiều nơi, trong đó có trường hợp giá trúng đấu giá cao bất thường tại Thủ Thiêm. Trước hiện tượng này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng UBND địa phương có đánh giá tác động về đấu giá đất cao bất thường vừa qua để có đánh giá chung về thị trường bất động sản.

Ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi
Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường đang vào cuộc kiểm tra đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương. Ảnh minh họa: Tuấn Nguyễn

Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ TN&MT và đặc biệt là bộ đã có văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị UBND cấp tỉnh đánh giá cụ thể về giá đất có chiều hướng tăng trong các tỉnh gần đây. Hiện nay đã có hơn 20 tỉnh gửi đánh giá về Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng sẽ báo cáo đầy đủ về tác động đến thị trường sau khi tổng hợp báo cáo của các địa phương.

Ở góc độ quản lý nhà nước, đại diện Bộ Xây dựng đánh giá, giá đất bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như thông qua các hoạt động giao dịch, nguồn cung, phát triển hạ tầng và đấu giá đất vẫn là một trong những yếu tố, do đó cần có đánh giá một cách bài bản, cẩn thận.

Trao đổi thông tin về hiện tượng sốt đất tại một số địa phương làm ảnh hưởng đến giá nhà ở giá thấp, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, theo tính toán của Bộ Xây dựng, giá giao dịch trên thị trường có tăng ở một số trường hợp, ví dụ như giá căn hộ nhà ở cao cấp tăng 0,5 phần trăm, giá nhà ở trung cấp tăng hai đến 3%, đất nền tăng 3 - 5%, một số nơi tăng đến 10%, giá thuê đất khu công nghiệp tăng 10 đến 20%. Tuy nhiên, giá tăng này là xu hướng chung bởi vì trong năm qua, nguồn cung hạn chế do đó nhiều dự án bất động sản chưa hoàn thành sản phẩm, cho nên chưa bán hàng, trong khi đó nhu cầu về nhà ở vẫn tăng, dẫn đến giá nhà tăng lên.

Nêu giải pháp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho rằng, cần có những giải pháp về tài chính tín dụng đặc biệt là tăng nguồn cung nhà xã hội, quan trọng nhất là quản lý chặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, giải pháp điều chỉnh lại các cơ cấu giữa dự án bất động sản, cơ cấu nhà ở trong các dự án để tránh tập trung đầu tư các nhà cao cấp. Giải pháp lâu dài hoàn thiện Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, công khai nhanh chóng, kịp thời các thông tin về quy hoạch, các thông tin về dự án bất động sản, đặc biệt đó là các dự án đủ điều kiện bán hàng, các dự án chưa đủ điều kiện, đồng thời có những hoạt động quản lý môi giới chặt chẽ.

Kiểm tra đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương

Cùng với việc vào cuộc của Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT cũng đã vào cuộc kiểm soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ TN&MT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Đồng thời, các địa phương cần chấn chỉnh hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó, tập trung vào việc thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là những khu đất "vàng" sau khi rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của Nhà nước để chống thất thu cho ngân sách nhà nước và phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Các địa phương cần tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn không để xảy ra tình trạng thông đồng, móc ngoặc, không đảm bảo công khai minh bạch, cạnh tranh không bình đẳng trong các cuộc đấu giá; chủ động tổng hợp thông tin, đánh giá, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ diễn biến bất thường liên quan đến biến động giá đất trong thời gian tới tại địa phương.

Đồng thời, các địa phương được yêu cầu phát hiện các tồn tại, bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường; tổ chức công bố công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch có liên quan, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập các đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất để trục lợi bất hợp pháp.

Trên cơ sở đó, các địa phương gửi báo cáo kết quả rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất trước ngày 28/2/2022, để Bộ TN&MT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam