Các chuyên gia kiến nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình

21:22 | 24/01/2022 Print
(TBTCO) - Ngành du lịch Việt Nam đã tạo ra luồng gió mới, tia sáng tích cực khi gần hai tháng qua, có khoảng 9.000 lượt khách quốc tế tới Việt Nam và mang đến cho du khách nước ngoài những thông điệp Việt Nam là điểm đến an toàn và thân thiện, mến khách.

Thí điểm tái khởi động du lịch đạt kết quả tích cực

Ngày 24/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo "Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch đóng góp 10% vào GDP cả nước, là ngành kinh tế được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát, ngành du lịch chịu tác động nặng, tổn thất hết sức nặng nề, được gọi là bị "đóng băng", "xuống đáy".

“Trước sự nỗ lực cao, quyết tâm lớn cùng việc tìm kiếm các giải pháp có tính khả thi, đưa du lịch trở lại, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương đã nỗ lực tìm hướng đi cho ngành. Thời gian vừa qua được hiểu như một chiếc lò xo nén, tích cực chuẩn bị để khi có cơ hội thuận lợi sẽ bật lên thúc đẩy nền kinh tế đi nhanh hơn, vượt trội hơn. Theo đó, ngành du lịch Việt Nam đã tạo ra luồng gió mới, tia sáng tích cực khi được Chính phủ cho phép thí điểm đón khách quốc tế. Gần hai tháng qua, có khoảng 9.000 lượt khách quốc tế tới Việt Nam và mang đến cho du khách nước ngoài những thông điệp Việt Nam là điểm đến an toàn và thân thiện, mến khách. Đây là động lực để chúng ta quyết tâm phục hồi nền du lịch” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Các chuyên gia kiến nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình
Toàn cảnh hội thảo.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chia sẻ về kết quả của chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Theo đó, tính đến ngày 23/1/2022, đã đón được trên 8.500 khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc-xin đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam.

Cuối năm 2021, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, ngành du lịch Việt Nam tái khởi động du lịch. Chương trình thí điểm tái khởi động du lịch từ tháng 11 đến nay đạt được kết quả tích cực. Đây là bước đệm vững chắc để chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế sắp tới.

Kết quả triển khai giai đoạn 1, từ ngày 2/11/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo chương trình trọn gói, phối hợp với địa phương, các bộ ngành.

Giai đoạn 2, từ tháng 1/2022, thực hiện triển khai để khách tham gia du lịch trọn gói và có thể du lịch tại một số địa phương khác. Sau khi du khách hoàn thành du lịch trọn gói 7 ngày thì có thể hòa nhập cộng đồng, du lịch tại những địa điểm bổ sung.

“Giai đoạn 3 sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh, khách du lịch được hoàn toàn đón tiếp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang bổ sung hướng dẫn, thay thế, phù hợp với quy định mới về phòng chống dịch Covid-19. Bộ cũng đã kết hợp với các ban, ngành... đảm bảo an toàn, thành lập đoàn kiểm tra, sẵn sàng đón khách” - ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.

Mở cửa du lịch quốc tế không ảnh hưởng tới phòng chống dịch

Đại diện cho các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp về lộ trình mở cửa du lịch quốc tế, ông Trương Gia Bình - Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) chia sẻ, thời gian qua, Ban IV đã dành nhiều cuộc nói chuyện, chia sẻ để tìm cách tháo gỡ, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch.

Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, việc mở hay không mở cửa đón khách du lịch quốc tế thì tình hình dịch trong nước vẫn thế. Bản chất vấn đề dịch là tiêm vắc-xin và các biện pháp giãn cách cần thiết. Việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế cũng không làm tăng tỷ lệ tiêm vắc - xin trong nước. Đơn cử như việc thí điểm đón 9.000 khách du lịch 2 tháng qua cũng cho thấy, việc mở cửa du lịch quốc tế không ảnh hưởng gì đến tình hình dịch trong nước.

Ngoài ra, ông Trương Gia Bình cũng cho biết, nếu không mở cửa du lịch quốc tế thì đi ngược lại chính sách của Chính phủ - mong muốn phục hồi kinh tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hơn 2,5 triệu lao động, tác động đến nhiều ngành kinh tế khác, khiến Việt Nam tự đánh mất cơ hội. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã vượt ngưỡng chịu đựng.

Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, việc mở cửa du lịch là vấn đề sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam. "Chúng ta phải có nhiều biện pháp thúc đẩy du lịch, khách du lịch mới đến Việt Nam" - ông Bình nói.

Ông Vũ Thế Bình đề xuất, Việt Nam cần miễn visa cho khách du lịch, quy định kết quả test PCR âm tính 72 giờ trước khi du khách lên máy bay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch chính là người chịu trách nhiệm thực hiện những quy định trên, tất cả doanh nghiệp đủ điều kiện có thể mở cửa đón khách, cần đăng ký đón khách trở lại với Tổng cục Du lịch.

Trong khi đó, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) chia sẻ, vấn đề khó nhất khi phát triển du lịch nội địa và quốc tế là thống nhất quy định từ trung ương, thành phố tới địa phương: từ quy định xét nghiệm; tiêm vắc-xin; thời gian, quy trình cách ly...

Theo ông Kiên, giờ là thời điểm tốt nhất để mở cửa du lịch, do đó nên mở cửa lại càng sớm càng tốt. Ông cũng mong muốn người dân được thoải mái bay các chuyến bay thương mại mà không cần phải đáp ứng nhiều quy định đặt ra. Cuối cùng, các quy định cho doanh nghiệp cũng cần mở rộng hơn, chỉ cần doanh nghiệp có giấy phép du lịch, lữ hành. Điều này mang lại "hơi thở sống" cho ngành du lịch.

Ở góc nhìn của một chuyên gia về dịch tễ học, Tiến sĩ Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock cho biết, Việt Nam có độ bao phủ vắc xin cao, không có lý do gì phải đóng cửa.

"Chúng ta đang thích ứng an toàn, đóng cửa không làm giảm sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Là một bác sĩ về dịch tễ học, tôi cho rằng chúng ta chỉ chờ vắc - xin phòng lây nhiễm chứ không thể đóng cửa mãi. Thời gian chờ vắc-xin lại khá lâu, nếu cứ chờ thì du lịch dễ bị xoá sổ" - bà Thu Anh chia sẻ tại hội thảo./.

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam