“Cân đong” dư địa chính sách tài khóa cho phục hồi và phát triển kinh tế

06:05 | 02/02/2022 Print
(TBTCO) - Để vượt qua thách thức của dịch bệnh và thích nghi với bối cảnh mới, vai trò của chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và sự phối hợp hai chính sách này cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế thời gian tới là rất quan trọng. Phân tích thực trạng ngân sách giai đoạn vừa qua, có thể nhận định dư địa thực hiện CSTK của Việt Nam vẫn còn nhưng không quá lớn.

Dư địa thực hiện chính sách tài khóa vẫn còn nhưng không quá lớn

Nhìn tổng quan về chính sách tài khóa (CSTK) và cân đối ngân sách Việt Nam, có thể thấy rõ những cố gắng của Chính phủ nhằm giảm quy mô tương đối của ngân sách Việt Nam trong vài năm gần đây. Cơ cấu thu ngân sách nhà nước (NSNN) tiếp tục có chuyển biến, ngày càng bền vững hơn. Kết quả tích cực của việc các chính sách tăng cường kỷ luật chi tiêu công cùng các biện pháp tiết kiệm đã góp phần làm giảm mạnh tỷ lệ chi tiêu công của Việt Nam khi so với GDP. Năm 2021, dự toán thu và chi NSNN đã thận trọng hơn và bám sát hơn các yếu tố vĩ mô quan trọng như tăng trưởng GDP và lạm phát.

Tỷ lệ nợ công và nợ chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 đã giảm đi, song sự xuất hiện của dịch bệnh đã làm cho nợ công 2021 tăng trở lại (chiếm gần 60% GDP chưa điều chỉnh). Nếu tính theo GDP mới, năm 2021, nợ công chiếm tương đương 43,7% GDP, thấp hơn nhiều mức trần dưới 60% GDP Quốc hội cho phép, nợ Chính phủ khoảng 3,35 triệu tỷ đồng, bằng 39,5% GDP.

Phân tích thực trạng ngân sách giai đoạn vừa qua, có thể nhận định dư địa thực hiện CSTK của Việt Nam vẫn còn nhưng không quá lớn.

Nguồn: Quốc hội
Nguồn: Quốc hội

Thứ nhất, thu ngân sách năm 2021 không bị ảnh hưởng nhiều và vẫn đạt dự toán. Dự toán NSNN 2022 cũng khá thận trọng khi dự báo tổng thu cân đối NSNN 2022 chỉ tăng so với ước thực hiện 2021 có 3,4%. Nếu không có biến cố lớn thì không quá khó để hoàn thành dự toán 2022.

Thứ hai, nợ công vẫn thấp hơn trần 60% GDP song nghĩa vụ trả nợ trực tiếp đã gần ngưỡng 25% tổng thu NSNN.

Thứ ba, cơ hội tăng vay nợ trong nước qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) với lãi suất thấp, kỳ hạn dài hơn.

Thứ tư, việc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên và cơ cấu lại nợ công thời gian qua là những kinh nghiệm quý báu, tạo không gian chính sách, tạo nguồn tích lũy ngân sách để có thể duy trì mở rộng giai đoạn 2022 - 2023.

Thứ năm, gói hỗ trợ mà Việt Nam đã sử dụng không quá lớn và vẫn còn dư địa để tiếp tục tăng lên.

5 giải pháp để thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ

Tuy nhiên, những khó khăn về dịch bệnh cùng với việc thực hiện nhiều chính sách tài khóa nới lỏng nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội những năm trước đây gây áp lực cho cân đối ngân sách của Việt Nam. Vì vậy, mở rộng dư địa tài khóa cũng đứng trước những thách thức lớn. Đó là: rủi ro của các yếu tố bên ngoài có thể tác động xấu đến tăng trưởng làm giảm nguồn thu NSNN và tăng chi NSNN; thách thức của việc cơ cấu lại chi thường xuyên; thách thức với chấp hành chi tiêu NSNN tiết kiệm, hiệu quả và đúng dự toán; thách thức từ tính bền vững của nguồn thu; rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất đều cao hơn với các khoản vay từ 2022 - 2025.

Nguyên nhân chính của tình trạng suy giảm kinh tế lần này là do các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh làm đình trệ sản xuất, đứt gãy các chuỗi cung ứng, làm ảnh hưởng đến kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành. Do vậy việc thực hiện gói hỗ trợ chính sách cần chú ý vào một số vấn đề trọng tâm.

Điều hành chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp và nền kinh tế chưa thực sự có những đột phá về mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ rất khó khăn. Giai đoạn 2022 - 2025 cần tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Cần kết hợp tốt giữa CSTK và CSTT trong hỗ trợ và phát triển các hoạt động kinh tế. Dịch Covid-19 là hiện tượng bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được như triết lý mà Bác Hồ đã từng viết “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Thứ nhất, quy mô gói hỗ trợ từ NSNN cần phù hợp với khả năng huy động và sử dụng nguồn lực. Để đạt tăng trưởng 6,5% cho năm 2022, ước tính Việt Nam cần chi thêm khoảng 243 nghìn tỷ đồng so với năm 2021. Để góp phần cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, cần có gói hỗ trợ tài khóa và chấp nhận tăng mức bội chi NSNN trong 2 năm 2022 - 2023. Ước tính, năm 2022 bội chi mới sẽ vào khoảng 5,8% GDP (so với dự toán hiện là 4% GDP. Năm 2023, có thể giảm gói hỗ trợ tài khóa xuống và mức bội chi dự kiến còn 4,2% (so với 3,7% như kế hoạch tài chính trung hạn) và từ 2024 số bội chi sẽ giảm xuống còn 3% (thay vì 3,5% như kế hoạch). Với kịch bản này, nợ công chỉ dao động khoảng 48% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp giai đoạn 2022 - 2025 sẽ tăng không đáng kể, khi Chính phủ sẽ huy động các khoản vay qua TPCP dài hạn.

Thứ hai, về chi tiêu NSNN, gói hỗ trợ tài khóa cần tập trung vào các lĩnh vực cấp bách và có khả năng hấp thụ tốt nhất: chi cho y tế (cả chi đầu tư và chi thường xuyên cho phòng chống Covid-19), chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng (các dự án có tính liên vùng, đã hoàn thành cơ bản các thủ tục đầu tư), chi cho đào tạo lại lao động (chuyển đổi nghề nghiệp), chi cho xây dựng các khu nhà ở xã hội, các dự án cải tạo chung cư cũ...

Thứ ba là tiếp tục cải thiện công tác chấp hành ngân sách, nhất là chi đầu tư. Dù Chính phủ có những biện pháp mạnh mẽ thì việc thực hiện dự toán chi tiêu từ NSNN vẫn luôn có nhiều thách thức, nhất là với chi đầu tư. Số liệu cho thấy, số ngân sách chuyển nguồn hàng năm rất cao. Khi chuyển nguồn lớn thì hiệu quả của chính sách tài khóa đến tăng trưởng kinh tế trong năm sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp chủ động, quyết liệt và tích cực trong việc tiết kiệm chi tiêu từ NSNN, phối hợp các bộ, ngành và địa phương trong lập và chấp hành dự toán chi đầu tư. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quản lý và phân bổ chi đầu tư công cần tiếp tục được thực hiện để phù hợp hơn với điều kiện thực thi chính sách ở Việt Nam.

Thứ tư là về huy động nguồn ngân sách. Để huy động nguồn có thể xem xét đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại các DNNN. Nếu không huy động bên ngoài, có thể xem xét tiếp tục phát hành trái phiếu nội địa để vay trong nước, hoặc có thể phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc phát hành TPCP. Ngoài ra, cần xem xét thêm việc sử dụng nguồn vốn đang tồn đọng tại các quỹ ngoài NSNN.

Thứ năm, về sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ (CSTT) và CSTK, do ảnh hưởng của Covid-19, Việt Nam hiện nay đang có nguy cơ rơi vào trạng thái tăng trưởng thấp và lạm phát thấp. Vì vậy, nguyên tắc phối hợp giữa CSTK và CSTT là cùng nới lỏng. Mặc dù năm 2022 có rủi ro lạm phát từ quốc tế song với chỉ số giá tiêu dùng trong 11 tháng tăng thấp nhất từ năm 2016 thì CSTT vẫn còn dư địa nhất định. Vì vậy, để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét một số giải pháp như điều chỉnh các lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn); cho phép sự cạnh tranh nhất định về cung cấp tín dụng ở nhóm các ngân hàng tốt (nhằm hạ lãi suất cho vay); xem xét điều chỉnh tạm thời các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng nhằm hỗ trợ cho việc huy động và cho vay.

Mở rộng dư địa tài khóa đứng trước những thách thức lớn

Những khó khăn về dịch bệnh cùng với việc thực hiện nhiều chính sách tài khóa nới lỏng nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội những năm trước đây gây áp lực cho cân đối ngân sách của Việt Nam. Vì vậy, mở rộng dư địa tài khóa cũng đứng trước những thách thức lớn. Đó là: rủi ro của các yếu tố bên ngoài có thể tác động xấu đến tăng trưởng làm giảm nguồn thu NSNN và tăng chi NSNN; thách thức của việc cơ cấu lại chi thường xuyên; thách thức với chấp hành chi tiêu NSNN tiết kiệm, hiệu quả và đúng dự toán; thách thức từ tính bền vững của nguồn thu; rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất đều cao hơn với các khoản vay từ 2022 - 2025.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường

© Thời báo Tài chính Việt Nam