TP. Hồ Chí Minh: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực

09:19 | 27/01/2022 Print
(TBTCO) - Nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn, TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ nhà sản xuất tăng cường xúc tiến thương mại và chuyển đổi số, nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm, triển khai các hoạt liên kết vùng, các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, chuỗi cung ứng toàn cầu…

Liên quan đến các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, theo quyết định phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp và sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã/phường một sản phẩm) trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 vừa được ban hành, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đến cuối năm 2025 có trên 90% cơ sở sản xuất tham gia chuỗi được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, được sử dụng mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc.

Người dân chọn mua sản phẩn nông nghiệp tại một siêu thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Việt Dũng
Người dân chọn mua sản phẩn nông nghiệp tại một siêu thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Việt Dũng

Đồng thời, có từ 60% doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, cơ sở sản xuất và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được tham gia các hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) để phát triển thị trường tiêu thụ; trên 90% sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp thông qua công cụ trực tuyến, sử dụng công nghệ thực tế ảo để giới thiệu sản phẩm…

Để thực hiện, cơ quan chức năng sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả cạnh tranh kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực và sản phầm OCOP ngành nông nghiệp, đa dạng hóa các phương thức truyền thông, quảng bá mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng tham gia các hoạt động giao thương; đồng thời hỗ trợ toàn bộ chi phí thuê gian hàng, chi phí tham gia các sự kiện hội chợ, triển lãm để tìm kiếm các thị trường mới thay cho các thị trường truyền thống lâu nay.

Đối với việc nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm, thành phố sẽ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thông tin thị trường nông sản về nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ, biến động giá cả thị trường và dự báo thông tin thị trường. Cùng với đó là việc tư vấn chứng nhận sản phẩm OCOP, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu bảo hộ thương hiệu giống, sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho các cơ sở đăng ký cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi…

Thành phố cũng đẩy mạnh triển khai các hoạt liên kết vùng như xây dựng kênh diễn đàn kết nối giữa DN, hợp tác xã, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn và các tỉnh bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng công nghệ số; liên kết với các tỉnh đưa sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp chủ lực vào chuỗi cửa hàng trên các kênh thương mại truyền thống, TMĐT và các điểm du lịch.

Bên cạnh đó, thành phố tổ chức các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế như tăng cường đào tạo kiến thức, kỹ năng về tìm kiếm, phân tích thị trường, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, quản lý tài chính, chiến lược kinh doanh, các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, đặc biệt giữa các DN nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các DN trong nước, hỗ trợ DN tham gia vào mạng lưới sản xuất, vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.../.

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam