Ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc chưa hết căng thẳng

13:52 | 27/01/2022 Print
(TBTCO) - Theo khảo sát của Bộ Công thương, mặc dù các bộ, ngành, tỉnh thành phố phía Bắc đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc, trong đó có cả biện pháp ngoại giao với Trung Quốc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay vẫn tiềm ẩn căng thẳng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh...

Thông quan chậm do nhân lực bốc xếp nghỉ việc về quê ăn tết

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà, từ cuối tháng 11/2021 đến nay, lượng hàng hoá từ nội địa lên các cửa khẩu rất lớn trong khi năng lực bến bãi và khả năng thông quan hàng xuất khẩu trong ngày chưa tăng thêm, lượng phương tiện ùn ứ tại khu vực các cửa khẩu cao điểm có thời điểm trên 5.000 phương tiện.

“Do được khuyến cáo và nắm bắt, cập nhật tình hình tại các cửa khẩu, lượng phương tiện chở hoa quả xuất khẩu từ nội địa lên các cửa khẩu của tỉnh đã giảm, sau ngày 17/1/2022 cơ bản không còn xe chở hoa quả xuất khẩu mới lên khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉn" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà cho biết.

Thống kê tại thời điểm 23/1/2022, tổng lượng xe xuất khẩu tồn ở các bến, bãi trên địa bàn tỉnh là 485 xe trong đó 210 xe chở hoa quả đã giảm được 791 xe tồn so với ngày 17/1/2022 (thời điểm UBND tỉnh Lạng Sơn ra thông báo tạm ngừng tiếp nhận xe chở hàng hàng hoá).

Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc hàng hóa vẫn có thể trở lại nghiêm trọng vào bất cứ lúc nào bởi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, năng lực bốc dỡ của cả 2 bên Việt Nam - Trung Quốc lại càng ngày càng hạn chế do nhân lực bốc xếp nghỉ việc về quê ăn tết.

Ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc chưa hết căng thẳng
Xe hàng chờ thông quan tại khu vực TP Móng Cái. Ảnh: CTV

Tại Quảng Ninh, khảo sát của đoàn công tác của Bộ Công thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Trưởng Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, dẫn đầu cũng ghi nhận tình hình căng thẳng tại cửa khẩu.

Tại khu vực cầu phao 3+4, ngày 24/1/2022 đã tạm dừng thông quan do thông tin phía Trung Quốc cho biết vừa phát hiện trường hợp Covid-19 trên bao bì sản phẩm. Trong khi đó tại khu vực cầu Bắc Luân 2 xuất hiện tình trạng ùn ứ xe container. Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện tại còn tồn 992 xe do có lượng xe mới dồn về đây.

Thời gian qua Quảng Ninh đã tập trung giải toả hết lượng xe còn tồn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp tăng tiêu thụ nội địa, thông tin về thị trường tiêu thụ. Quảng Ninh cũng đã khẩn trương phân loại, bố trí kho bãi để bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu tồn đọng trên địa bàn. Hiện tại trên địa bàn Móng Cái đã bố trí 3 khu thể chứa 6.000 phương tiện, 6 kho lạnh có thể chứa 70 container hàng hóa.

Trước mắt để giải phóng ngay lượng hàng đang chờ xuất tại cửa khẩu, Quảng Ninh đề nghị Bộ Công thương và các bộ, ngành tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc tăng thời gian thông quan (có thể thông quan cả buổi tối); thông quan cả ngày thứ 7 và chủ nhật. Thống nhất được mặt hàng cụ thể để ưu tiên xuất nhập khẩu của hai bên; đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục thông quan qua cửa khẩu cầu Bắc Luân II và Lối mở Km3+4 Hải Yên.

An toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn

Tại các cuộc làm việc của đoàn công tác Bộ Công thương và lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh đều thống nhất quan điểm thực hiện phương châm mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra là “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn”, coi đây là biện pháp quan trọng nhất để duy trì thông quan hàng hóa và sự liên tục của chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, đồng hành cùng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá, thường xuyên cập nhật tình hình để khuyến cáo về hoạt động của các cửa khẩu cũng như các biện pháp quản lý, kiểm tra của phía Trung Quốc đến UBND các tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành hàng, tổ chức, doanh nghiệp liên quan. Cùng đó, tỉnh duy trì và tăng cường cơ chế hội đàm, trao đổi thông tin nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại biên giới (đã thực hiện trên 50 cuộc hội đàm, gửi trên 70 thư công tác).

Để tiếp tục giải quyết tình hình, trước mắt Lạng Sơn sẽ tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch tại các khu vực cửa khẩu, đặc biệt là việc lựa chọn địa điểm phù hợp để xây dựng vùng đệm, tại khu vực đó thiết lập cơ chế quản lý nghiêm ngặt về y tế đối với các lái xe đường dài để chủ động trong việc phân luồng, điều tiết phương tiện lên cửa khẩu và các khu vực cửa khẩu thực sự là “cửa khẩu xanh”.

Ngay trong quý I/2022 sẽ hoàn thành việc lắp đặt hệ thống kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hoá Tân Thanh (Việt Nam) – Pò Chài (Trung Quốc) được vận hành với quy mô 4 làn xe xuất nhập khẩu; sớm hoàn thành việc cải tạo, mở rộng tuyến đường xuất nhập khẩu hàng hoá qua cửa khẩu song phương Chi Ma thành 4 làn xe xuất nhập khẩu.

Đặc biệt ngày 14/1/2022, tỉnh Lạng Sơn đã chính thức sử dụng thí điểm nền tảng cửa khẩu số. Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành và các lực lượng chức năng rà soát, hoàn thiện, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu biết, sử dụng hiệu quả nền tảng cửa khẩu số, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tỉnh Lạng Sơn cũng đề xuất với lãnh đạo Bộ Công thương một số kiến nghị trong đó có việc xem xét xây dựng chính sách ưu đãi để phát triển các loại hình dịch vụ gắn với kinh tế cửa khẩu như: khai báo hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại cũng như có những cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh các loại hình hạ tầng thương mại biên giới, hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.

Nghiên cứu về xây dựng cơ chế hợp tác thí điểm giữa các tỉnh biên giới Việt - Trung có lưu lượng hàng nông sản xuất nhập khẩu lớn để huy động nguồn lực đầu tư xây dựng Trung tâm kiểm nghiệm, kiểm dịch, sơ chế và đóng gói trái cây tươi xuất khẩu chất lượng cao, theo hướng sau khi trái cây được đưa qua Trung tâm khử khuẩn, đóng gói sẽ được đưa đi tiêu thụ thẳng trong thị trường Trung Quốc và các thị trường khác mà không cần phải xếp dỡ hạ tải để khử khuẩn như quy trình hiện nay.

Tại Quảng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành cho biết, sẽ yêu cầu TP. Móng Cái thiết lập vùng xanh trong tập kết hàng hoá để phía Trung Quốc yên tâm và tin tưởng để cho việc thông quan được thuận lợi. Cùng đó Quảng Ninh sẽ thiết lập kênh hội đàm trực tiếp ở cấp giám đốc sở - chủ tịch thành phố với phía Trung Quốc và tập trung cho công tác dự báo kế hoạch thông quan hàng hoá, nhất là từ nay đến cuối năm 2022.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đề xuất, trước mắt để giải phóng ngay lượng hàng đang chờ xuất tại cửa khẩu đề nghị Bộ Công thương và các bộ, ngành tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc tăng thời gian thông quan (có thể thông quan cả buổi tối); thông quan cả ngày thứ 7 và chủ nhật. Thống nhất được mặt hàng cụ thể để ưu tiên xuất nhập khẩu của hai bên; đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục thông quan qua cửa khẩu cầu Bắc Luân II và Lối mở Km3+4 Hải Yên./.

Phúc Hải

© Thời báo Tài chính Việt Nam