Ngày 12/8/2016, tại Hà Nội, Đại sứ quán Australia tổ chức cuộc hội thảo công bố dự án "Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp" (WEAVE).

Sản phẩm chuối, quế, thịt lợn…loay hoay tìm đầu ra

Tại hội thảo, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, cây chuối là một trong những cây trồng quan trọng tại Bắc Kạn. Mỗi ha trồng chuối cho thu nhập từ 30-35 triệu đồng. Chuối phát triển tốt do phù hợp với địa hình sinh thái và do ở đây có giống chuối bản địa tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, cây chuối chưa phát triển hết tiềm năng do hiện nay nông dân còn phụ thuộc nhiều vào thương lái, sản phẩm còn nhỏ lẻ và chưa có thị trường ổn định.

“Người trồng chuối ở Bắc Kạn, rất nhiều trong số đó là phụ nữ thường bị ép giá. Từ năm 2015 đến nay giá chuối tây chỉ có giá từ 5.000 – 6.000 đồng/kg. Người nông dân loay hoay tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm do phụ thuộc vào người vận chuyển, thương lái và đơn vị xuất khẩu và họ có ít cơ hội thương lượng. Những khó khăn mà người trồng chuối đang gặp phải trong sản xuất, bảo quản và tiếp cận thị trường đồng nghĩa với việc đầu tư vào ngành hàng này chậm mang lại lợi nhuận”, ông Hưng nói.

Cây quế cũng là cây "xóa đói giảm nghèo” của người dân Lào Cai, với chu kỳ khai thác trắng của quế từ 13-15 năm, thu nhập bình quân đạt bình quân từ 400-500 triệu đồng/ha. Khi trồng cây quế được khoảng 5 năm, có thể thu tỉa cây, cành, lá bán dần và cho thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, những người sản xuất quế cũng gặp các vấn đề tương tự như cây chuối, “tại Lào Cai, phụ nữ tham gia phần lớn vào sản xuất quế nhưng không được hưởng lợi đầy đủ, vì rất nhiều trong số họ thiếu kỹ năng sản xuất, tiếp thị, kinh doanh", ông Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai cho biết.

Chị Lâm Thị Yến, thành viên trong nhóm nông dân liên kết chăn nuôi lợn trắng huyện Bắc Hà (Lào Cai), cho biết thêm: "Người chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, chủ yếu là phụ nữ đang đóng góp phần lớn vào sản lượng thịt lợn của tỉnh Lào Cai. Chúng tôi đang phải nỗ lực hết sức để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn thịt lợn sạch, nhưng đồng thời lại chịu áp lực cạnh tranh từ các nhà sản xuất nước ngoài và các trang trại xuất lợn quy mô lớn được Chính phủ ưu tiên phát triển. Việc hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm vẫn còn khó khăn, phụ thuộc rất nhiều vào các thương lái thu mua lợn tại địa phương mà chưa có đơn vị lớn thu mua nên hay bị ép giá...", bà Yến nói.

Theo nhận định của các đại biểu, điều này cho thấy việc thành lập chuỗi liên kết tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng cho sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, đặc biệt là người phụ nữ ở hai địa bàn này còn lỏng lẻo.

hội thảo
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo. Ảnh: HH

2,5 triệu đô Úc nâng cao vị thế của phụ nữ tại khu vực Tây Bắc

Trước những khó khăn trong phát triển ngành hàng, đồng thời nhằm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Bắc, tại hội thảo, bà Natasha Stott Despoja, Đại sứ vì Phụ nữ và trẻ em gái của Australia cho biết, Australia vừa công bố dự án viện trợ mới cho Việt Nam mang tên “Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp” (WEAVE), chính thức khởi động bắt đầu từ ngày 12/8/2016 và sẽ được triển khai trong 3 năm, từ nay đến năm 2019.

Dự án này thông qua các hoạt động thảo luận dành cho cả phụ nữ và nam giới sẽ thúc đẩy bình đẳng nam và nữ để phụ nữ có thể tăng thu nhập từ công việc của họ trong các chuỗi giá trị chuối, quế và lợn.

Cụ thể, "Australia sẽ tài trợ 2,5 triệu đô la Úc cho một liên minh gồm 3 tổ chức phi chính phủ quốc tế gồm Tổ chức Phát triển Hà Lan, Oxfam, và CARE International để thực hiện dự án này tại 2 tỉnh Lào Cai và Bắc Kạn. Dự án sẽ hỗ trợ cải thiện sinh kế cho hơn 1.800 phụ nữ và nam giới tại Lào Cai và Bắc Kạn. Đặc biệt, dự án sẽ chú trọng vào việc hỗ trợ phụ nữ làm nông nghiệp ở quy mô nhỏ và các hợp tác xã để giúp họ tăng cường kỹ năng tiếp thị, kiến thức tài chính, lập kế hoạch kinh doanh, khả năng thương thuyết và hiểu biết pháp lý", bà Natasha Stott Despoja nói.

Nhằm tạo điều kiện cho dự án hoạt động, hiện nay, Lào Cai đã ban hành một số cơ chế chính sách khuyến khích tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhằm nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

Không những vậy, tỉnh sẽ siết chặt thực hiện quản lý sản xuất, tránh tình trạng nông dân sản xuất tự phát, DN phải song hành cùng nông dân để tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền chặt. Lào Cai đang thực hiện hỗ trợ các tổ chức nhóm sản xuất theo quy hoạch và lợi thế của từng vùng và nhu cầu thị trường để tạo liên kết chặt chẽ cho mắt xích liên kết được chặt chẽ hơn.../.

Khánh Linh