vtv cab

VTVcab chậm cổ phần hóa một phần do khâu thẩm định giá.

>> Bài 1: Người lãi lớn, kẻ trắng tay

Con số này của cả năm 2016 cũng chỉ vẻn vẹn 56 doanh nghiệp, kém xa năm 2014, 2015. Nguyên nhân chính được cho là đụng nhiều “ông lớn”, tài chính phức tạp nên tắc ở phần xác định giá trị doanh nghiệp.

Mỗi năm phải CPH 34 doanh nghiệp

Trong 5 tháng đầu năm 2017, có 13 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng vốn điều lệ 1.563 tỷ đồng. Trước đó, chúng ta đã có một năm không thành công khi chỉ thực hiện được 56 doanh nghiệp. Con số này của năm 2014 là 175 doanh nghiệp; 2015 là 220 doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến độ CPH còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra. Cụ thể, theo kế hoạch CPH được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, giai đoạn 2016 – 2020, sẽ CPH 137 doanh nghiệp (tỷ lệ Nhà nước nắm giữ vốn điều lệ trên 65% có 4 doanh nghiệp; từ 50 - 65% gồm 27 doanh nghiệp; dưới 50% có 106 doanh nghiệp).

Do quyết định trên được ban hành ngày 28/12/2016, nên thời gian thực hiện chỉ còn 4 năm. Như vậy, trung bình mỗi năm phải CPH hơn 34 doanh nghiệp. Điều này rất khó bởi đối tượng cổ phần hóa trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II), ...

Các doanh nghiệp này có phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán trước khi công bố giá trị doanh nghiệp. Mặt khác, việc thực hiện CPH các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.

Muôn kiểu “tắc đường” ở khâu định giá

Một trong những doanh nghiệp lớn đang thực hiện CPH là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Đây là trường hợp điển hình cho nhận định: Tài sản lớn, cấu trúc tài sản phức tạp, mất nhiều thời gian để thực hiện. VRG có vốn chủ sở hữu lên đến 40.000 tỷ đồng, 25 đơn vị thành viên và nhiều dự án bất động sản là đất đai. Chỉ riêng công tác xác định giá trị doanh nghiệp tại công ty con, công ty cháu đã rất khó khăn. Chẳng hạn, với Công ty VKETI - đơn vị do Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh (thuộc VRG) sở hữu 100% vốn điều lệ cũng bị nghẽn thời gian vì yếu tố nước ngoài.

Theo quy định, khi CPH Công ty Cao su Lộc Ninh phải thực hiện xác định giá trị
doanh nghiệp của Công ty VKETI theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Thông tư 127/2014/TT-BTC. Tuy nhiên do Công ty VKETI được thành lập và hoạt động theo pháp luật của Campuchia, nên việc áp dụng các quy định trên là không có đầy đủ cơ sở pháp lý. Lý do là ở Campuchia, cơ chế tài chính, kế toán, tài sản, công nợ... có quy định khác so với pháp luật Việt Nam. Do vậy, khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ (đặc biệt là về thuế, nộp ngân sách nước sở tại), xử lý tài sản, công nợ...

Hay tại một doanh nghiệp “họ hứa” khác như MobiFone – đơn vị có vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng. Đã nhiều lần hứa CPH nhưng sau đó MobiFone lại thay đổi kế hoạch với lý do rất khác là thay đổi nhà tư vấn CPH, dù đã chi 20 tỷ đồng cho đơn vị tư vấn.

Cũng liên quan đến việc gặp khó khi xác định giá trị doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại than phiền: Các văn bản quy phạm pháp luật hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể về một số nội dung liên quan đến việc định giá tài sản, máy móc, thiết bị chuyên dụng của ngành điện và không có trên thị trường khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp nên đơn vị này gặp khó khi CPH.

Bên cạnh những trường hợp cụ thể, có một lý do rất chung là “năng lực của đơn vị tư vấn CPH”. Trả lời báo chí, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã từng nói thẳng: Một số trường hợp đơn vị tư vấn năng lực kém, “chép” sách giáo khoa nên định giá không sát giá thị trường. Tại Tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 2000/BTC-TTr của Bộ Tài chính về việc quản lý xử lý đất đai tại 60 dự án vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã tái khẳng định: “Việc xác định giá trị đất (một phần trong xác định giá trị doanh nghiệp) để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn, nhưng không đầy đủ và chưa sát với gia thị trường”.

Hà Minh