qh

Các nhà báo thực hiện phỏng vấn đại biểu tại kỳ họp Quốc hội.

Báo chí cũng giúp xây dựng hình ảnh của đại biểu nói riêng và hình ảnh của Quốc hội trong con mắt cử tri cả nước. Đây là những đánh giá chung của các đại biểu Quốc hội về vai trò cũng như sự đóng góp của báo chí với hoạt động nghị trường.

* Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc:

Báo chí giúp Quốc hội hoạt động hiệu quả hơn

phuc
Ông Nguyễn Hạnh Phúc

Tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí trong tất cả các lĩnh vực của đất nước. Trong đó, với Quốc hội, với nghị trường thì báo chí đóng vai trò không thể thiếu. Là cơ quan đại diện của nhân dân, Quốc hội qua báo chí truyền tải những hoạt động của mình tới nhân dân, từ đó đưa những chính sách Quốc hội ban hành đi vào cuộc sống. Ngược lại, Quốc hội cũng rất muốn lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng, phản ánh của cử tri, qua báo chí. Về phía các đại biểu Quốc hội, tôi thấy các đại biểu ngày càng đánh giá rất tốt vai trò của báo chí. Các đại biểu cũng rất muốn qua báo chí truyền tải thông tin đến cử tri.

Thông qua những hoạt động như vậy, Quốc hội và cử tri gắn bó mật thiết với nhau. Đồng thời, qua cầu nối thông tin là báo chí cũng giúp cho Quốc hội trong quá trình sửa đổi, ban hành những chính sách mới, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước được chính xác hơn, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

* Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh:

Các nhà báo và đại biểu Quốc hội cần phải hiểu nhau hơn

line
Ông Lê Bộ Lĩnh

Đối với xã hội nói chung và hoạt động Quốc hội nói riêng, báo chí luôn là kênh truyền thông, là nguồn thông tin kịp thời, sống động, đa chiều, giúp cho cử tri, đại biểu Quốc hội tiếp nhận được những phản hồi từ xã hội đối với những vấn đề đang thảo luận. Nhiều vấn đề mà đại biểu Quốc hội và Quốc hội không thể tiếp cận kịp thời ngay thì thông qua báo chí, Quốc hội và đại biểu Quốc hội nắm được diễn biến kịp thời hơn của đời sống xã hội. Đồng thời, tính phản biện của báo chí thông qua những bình luận, nhận xét, đánh giá về các vấn đề mà Quốc hội thảo luận cũng rất hữu ích, giúp cho các đại biểu có thêm căn cứ trong quá trình hoàn thiện chính sách. Ngày nay, vai trò của báo chí với Quốc hội càng ngày càng được coi trọng. Ý thức trách nhiệm của các nhà báo cũng ngày càng được nâng cao, cả về trách nhiệm chính trị, trách nhiệm công dân…

Bên cạnh đó, một số hiện tượng tiêu cực trong thông tin báo chí như đưa tin chưa chính xác, thiên lệch… cũng là vấn đề đặt ra với những người làm báo. Những thông tin báo chí đưa ra thường có tác động rất mạnh, tức thời đến người đọc, đến xã hội. Do đó, nếu những người làm báo có ý thức trách nhiệm, trung thực, trình độ, hiểu biết càng cao thì hiệu quả của thông tin, hiệu ứng của tác phẩm báo chí càng tốt.

Với vai trò quan trọng như vậy, để hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả và chất lượng hơn thì mối quan hệ giữa báo chí và Quốc hội phải gắn bó thường xuyên. Báo chí luôn được Quốc hội, đại biểu Quốc hội coi là người đồng hành cho hoạt động của mình. Đã là người đồng hành thì kỳ vọng của tôi là hai bên phải hiểu nhau, gắn bó với nhau. Báo chí cần hiểu những vấn đề Quốc hội bàn thảo ngay từ đầu, theo sát những vấn đề trọng tâm của các hoạt động Quốc hội, đặc biệt là các kỳ họp, các hoạt động giữa hai kỳ họp để đưa tin thật kịp thời, trung thực, sắc sảo.

* Ủy viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề về xã hội Lưu Bình Nhưỡng:

Báo chí là người “truyền thần” của Quốc hội

nhuong
Ông Lưu Bình Nhưỡng

Báo chí cách mạng Việt Nam có sứ mệnh rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà chúng ta đang thiết kế một quy chế dân chủ, một nhà nước pháp quyền thì báo chí phải có những định hướng về dân chủ và nhà nước pháp quyền, thể hiện được bản chất văn minh của báo chí và của Nhà nước. Vai trò của báo chí với Quốc hội cũng rất quan trọng vì báo chí là nơi nhân dân tiếp nhận và truyền đạt thông tin. Với sức lan tỏa lớn của mình, báo chí nghị trường phải là người “truyền thần” của Quốc hội, làm sao để có những nét vẽ kỳ công, chuẩn xác, để xã hội trân trọng, tiếp nhận, hưởng ứng và cùng hướng tới những giá trị tốt đẹp.

Trong thời gian qua, về cơ bản, báo chí nói chung và báo chí nghị trường đã làm tốt vai trò của mình. Ở đâu cũng vậy, báo chí phải hết sức khách quan, bình tĩnh, trung lập, bởi khi người truyền đạt thông tin mà không giữ cái tâm sẽ dẫn đến sự hiểu lầm trong xã hội, gây những hậu quả khó lường. Trước hết chúng ta phải hết sức cẩn trọng và trung thành, lưu ý về liều lượng và cách truyền tải thông tin, tránh làm ảnh hưởng đến tính chuẩn xác của thông tin, chỉ vì chạy theo lượt đọc, theo doanh số. Giữ được cái tâm như vậy, báo chí sẽ có những đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước nói chung và trong việc “truyền thần” các tư tưởng, quan điểm, ý kiến và quyết sách từ Hội trường Diên Hồng tới công chúng, cử tri cả nước cùng được biết.

Từ kinh nghiệm cá nhân mình, tôi cho rằng, các đại biểu cũng rất cần tích cực hợp tác với báo chí và báo chí cũng nên mạnh dạn hợp tác để khai thác những quan điểm, ý kiến của đại biểu. Đại biểu phải có trách nhiệm cùng với báo chí cất lên tiếng nói, quan điểm đại diện cho ý kiến cử tri để giúp chúng ta có định hướng, quyết sách phù hợp.

H.Y