phien giao dich 28.11

Dòng tiền đầu cơ vẫn đang lao theo cơn say lợi nhuận mà ít quan tâm đến khả năng thoát ra thành công với lợi nhuận.

KMR trước cơn lũ xả hàng

Rất nhiều nhà đầu tư đã mắc kẹt ở KMR và lo lắng sau phiên giao dịch hôm nay. Niềm hi vọng duy nhất là giá sẽ chỉ điều chỉnh một vài phiên rồi sẽ có thanh khoản trở lại. Nhưng cho tới lúc đó, mức lỗ của những nhà đầu cơ đua giá ba hôm nay cũng đã rất lớn.

KMR kết thúc một chu kỳ tăng giá cực kỳ sôi động bằng một phiên giảm sàn và mất thanh khoản. Chỉ riêng thời gian từ đầu tháng 11 đến hôm qua (27/11), KMR đã tăng 114,3%. Tăng gấp đôi tài sản chỉ trong chưa đầy một tháng là yếu tố hấp dẫn nhất của xu hướng đầu cơ. Trong quá trình tăng nóng, luôn có những lý giải mới ủng hộ cho khả năng tăng cao hơn. Chỉ đến khi dòng tiền đầu cơ thoát ra mạnh và không còn lực đỡ, sự thực mới được chứng minh là dòng tiền quyết định giá chứ không phải kỳ vọng hay thông tin hỗ trợ.

Hôm nay là một ngày mà dòng tiền thoát ở KMR với mức độ quyết liệt hiếm thấy. Ngay từ đầu phiên KMR đã bị xả thẳng ở giá sàn. Vài đợt bắt đáy của những nhà đầu cơ chậm chân là không đủ để chặn lại cơn lũ xả hàng. Với mức lợi nhuận quá lớn đến mức chỉ T+3 cũng lãi 10-15% tùy giá mua, thì những nhà đầu cơ vào sớm hơn sẵn sàng bán bằng bất kỳ giá nào để hiện thực hóa lợi nhuận.

Cách thức xả ở KMR rất đặc trưng cho các cổ phiếu nóng. Lợi nhuận đầu cơ không bao giờ được tính trên sổ sách, mà phải được tính tại giá thoát ra thành công.

Do đó nhà đầu tư chốt lời phải bán bằng mọi giá, bán ngay cả khi giá phục hồi, tranh thủ mọi yếu tốt bắt đáy. KMR trong phiên này chỉ phục hồi được vài phút đã bị xả mạnh hơn. Cách bán quyết liệt này cũng như lòng tham ban đầu còn lớn, đã giúp nhà đầu cơ thoát thành công tới gần 1,5 triệu cổ phiếu trong buổi sáng, tương đương hiện thực hóa được gần 14,5 tỷ đồng giá trị tài sản.

Sang buổi chiều, đã không còn mấy nhà đầu cơ dũng cảm nhảy vào bắt đáy nữa. KMR hoàn toàn mất thanh khoản với khối lượng chất bán sàn lên tới cả triệu cổ phiếu. Suốt hơn 2 tiếng giao dịch chiều nay, chỉ có thêm 23.070 cổ phiếu thoát được, tương đương 226 triệu đồng, mà phải là những nhà đầu cơ đặt lệnh sớm dứt khoát.

Áp lực bán ra ở KMR không chỉ là từ những nhà đầu cơ chốt lời, mà còn từ những nhà đầu cơ mượn được hàng để bán khống. Không gì dễ kiếm ăn hơn là những cổ phiếu đang ở đỉnh giá cao và bắt đầu suy yếu.

Trường hợp như KMR vẫn chưa nhiều, nhưng là lời cảnh báo quan trọng. PXM là ví dụ thứ hai. Kịch trần đến phiên thứ 11 nhờ lợi thế chỉ giao dịch một lần trong ngày, hôm nay PXM cũng giảm sàn. Cú lừa ở PXM là quả đắng cho những người chỉ nhắm mắt mua vào. Người bán rất khôn, chỉ “dử” cầu bằng lượng bán hơn 1.000 cổ phiếu. Quán tính tâm lý đua giá trần đã khiến hơn 200.000 cổ phiếu được tung ra đua giá bằng lệnh ATC và mua trần. Đến khi cầu vào đầy đủ, một lượng bán tới trên 300.000 cổ mới được “thả tõm” ra. Tiếc thay quy định không cho phép người mua hủy lệnh. Mẻ lưới được cất rất nhẹ nhàng, không nhanh, nhưng không thể thay đổi được tình thế.

Vẫn còn nhiều cổ phiếu “điên”

Trường hợp của KMR là cá biệt trong phiên hôm nay và cũng là mã đầu cơ đầu tiên rơi vào tình trạng này. Nhà đầu cơ vẫn chưa thực sự lo ngại, vì dòng tiền vẫn quá mạnh. Hàng loạt cổ phiếu khác vượt qua những đợt xả hàng khá dễ dàng, càng kích thích tâm lý đầu cơ mạnh hơn.

HSX và HNX có tổng cộng 64 mã kịch trần. Tình trạng đua giá căng thẳng vẫn xuất hiện tại VHG, TTF, DCT, MDG, VOS, TNT, ICF, LGL, FLC, VNA, VST, MTG, PXI, PV2, UNI, LUT, TJC, KHL, VNH… Khó mà đếm hết được những cổ phiếu đã kịch trần liên tục nhiều phiên trong số này. VNH chẳng hạn, đã có phiên trần thứ 29 liên tục. Liệu cổ phiếu này sẽ còn trần đến bao giờ mới dừng?

Không ai rõ liệu trong hàng trăm ngàn cổ phiếu đang đua mua giá trần mỗi ngày có bao nhiêu phần trăm là dòng tiền chi phối thanh khoản. Khi không có người bán ra thì việc đẩy giá rất dễ dàng. Nhưng khối lượng lưu hành của một cổ phiếu chắc chắn phải nằm trong tay những nhà đầu tư cụ thể. Trừ khi khối lượng đó đã được kiểm soát, thật khó hình dung nhà đầu tư nào lại từ chối việc chốt lời khi đã lãi vài lần giá trị ban đầu. Cơn điên cổ phiếu nhỏ phải được kích thích bằng tiền và sự hối hợp nhịp nhàng với khối lượng bán ra.

Top 5 giao dịch NĐTNN

Mã CK

KL mua ròng

GT mua ròng (tỉ đồng)

CTG

159,690

2,8

EIB

200,000

2,7

HPG

49,910

2

IJC

210,090

1,9

DPM

47,720

2

Mã CK

KL bán ròng

GT bán ròng (tỉ đồng)

VIC

146,430

9,9

BVH

110,710

4,6

VNM

9,720

1,4

HBC

100,000

1,4

TTF

200,000

1,3

Blue-chips: Thất bại lớn!

Hôm nay là một ngày thất bại ở các cổ phiếu lớn. VN-Index đóng cửa đã không giữ được điểm số tăng mà còn giảm nhẹ 0,14% so với tham chiếu. Nguyên nhân chính là GAS giảm 0,78%, VNM giảm 1,39%, MSN giảm 1,2%, BVH giảm 0,48%, HSG giảm 0,97%, GMD giảm 1,61%...

Nhóm HSX30 giao dịch rất đuối, chỉ lác đác vài mã tăng tốt như EIB, PGD, PPC, REE, STB, VIC. Đặc biệt là thanh khoản ở rổ này rất kém. Ngay cả REE, VNM, EIB cũng phải người vị trí dẫn đầu về quy mô giao dịch cho các cổ phiếu đầu cơ VHG, FLC, HQC, MCG…

Các cổ phiếu hàng đầu ở HNX cũng là một thất bại lớn khác. ACB, BVS, DBC, KLS, PLC, PVL, PVS, VND đều giảm giá. HNX-Index tăng 0,13% có phần may mắn nhờ nhóm cổ phiếu nhỏ kịch trần hàng loạt và khoảng 50 mã tăng trên 3%.

Giá trị giao dịch hôm nay sụt giảm tới 26%, chỉ còn 1.146,9 tỷ đồng do các cổ phiếu lớn giao dịch kém. Thị trường như bỏ rơi các blue-chips và hướng mối quan tâm vào các mã đầu cơ nhỏ.

Mối quan tâm cũng rất thị trường, là bao giờ "màn kịch vui vẻ" sẽ kết thúc?

HSX

HNX

Giá trị khớp lệnh

Khối lượng khớp lệnh

Giá trị khớp lệnh

Khối lượng khớp lệnh

912 tỷ đồng (-24%)

77,3 triệu đơn vị (-21%)

234,9 tỷ đồng (-33%)

32 triệu đơn vị (-29%)

5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất

HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)

VHG (45,9) – (5%)

KLF (17,7) – (7,5%)

FLC (45) – (4,9%)

FIT (16,3) – (6,9%)

REE (39,2) – (4,3%)

SCR (15,9) – (6,8%)

HQC (38,9) – (4,2%)

KLS (14,4) – (6,1%)

VNM (38,3) – (4,2%)

VCG (12,4) – (5,3%)

Khánh Nhi