Trước đó, tại một hội thảo khoa học ngành Ngôn ngữ, PGS. TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội đề xuất cải tiến chữ cái tiếng Việt dựa trên tiếng nói văn hoá của Thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản và 6 thanh điệu chuẩn. Nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt.

Bộ GD&ĐT cho biết, quan điểm của Bộ là trân trọng tất cả công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học. Tuy nhiên, để đưa một đề xuất liên quan vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của chuyên gia, ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ.

Bộ GD&ĐT không đủ thẩm quyền và không dự kiến áp dụng bất cứ phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

chu viet
Đề xuất cải tiến chữ viết của PGS TS Bùi Hiền. Ảnh: MĐ

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, PGS. TS Lê Kim Long, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá cao tinh thần làm việc, nghiên cứu khoa học đơn độc của PGS Bùi Hiền nhưng cho rằng, để thay đổi là không hề dễ dàng.

“Đây là công trình khoa học thì chúng ta nên trân trọng, ai thích thì ủng hộ còn không thì thôi đừng phỉ báng nghiên cứu. Thế giới có giải Nobel nhưng cũng có giải phản Nobel cơ mà”, PGS Long bày tỏ trước những phản ứng hiểu lầm của dư luận về công trình này.

PGS Long cũng cho rằng, việc nghiên cứu, sáng tạo là nên khuyến khích vì chúng ta đang khuyến khích khởi nghiệp, song sáng tạo đến đâu còn do xã hội cũng như pháp luật quyết định. Về mục đích của công trình là làm cho ngôn ngữ Tiếng Việt trở nên giản đơn, thuận tiện hơn, đồng thời PGS Long bày tỏ Tiếng Việt cần làm phong phú thêm chứ không phải làm đơn giản đi, “sáng kiến này chỉ để cho vui chứ không nên đưa vào cuộc sống”.

“Vấn đề này phải nghiên cứu rất kỹ, cần những nhà khoa học hoặc nhóm tác giả làm chứ một cá nhân thì không thể làm được, nếu không cẩn trọng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy”, PGS Long nhấn mạnh.

Hoan nghênh những cải tiến trong đề xuất này, nhưng theo GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, muốn đổi chữ viết hoàn toàn không đơn giản vì đã thành văn hóa của dân tộc, bản thân chữ viết cũng có đủ lý do để tồn tại cho đến hiện nay. GS Dong cho rằng, chữ viết của một dân tộc không thể chỉ nhằm mục đích tiết kiệm, viết giản tiện là không phải. Xã hội luôn vận động và đời sống tình cảm phong phú cho nên chữ viết phải làm sao đáp ứng được điều này. Chữ viết cũng phải là ngôn ngữ diễn đạt được đầy đủ, rõ ràng tất cả tư tưởng tình cảm trên giấy.

“Tôi nghĩ vấn đề này nên thảo luận thôi còn để đi đến thống nhất là không dễ, lúc này chưa nên đưa ra”, GS Dong nói./.

Mai Đan