Đột phá trong cải cách hành chính lĩnh vực ngành lâm nghiệp
Công bố chỉ số cải cách hành chính các đơn vị thuộc Bộ Tài chính năm 2020
Bài 3: Cải cách - mũi nhọn đột phá của ngành Tài chính

Theo Bộ Tài chính, căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, Bộ Tài chính đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thực hiện cắt giảm triệt để các chi phí không hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng xếp hạng chỉ số tuân thủ pháp luật.

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 35 loại phí, lệ phí trong nửa năm 2022
Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều chính sách giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp. Ảnh: TL.

Bộ Tài chính giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thực hiện, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ như: tiếp tục rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định về phí, lệ phí gây khó khăn cho doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nếu có những quy định gây khó khăn, vướng mắc, làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã rà soát, lập danh mục các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh có nội dung chưa rõ, khó hiểu, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc thiếu khả thi, khó tuân thủ để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo đúng thẩm quyền.

Ngoài ra, Bộ Tài chính thực hiện công bố kịp thời, đầy đủ, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa, nội dung sửa đổi, bổ sung, các quy định mới trong các lĩnh vực kinh doanh dễ làm phát sinh các chi phí không chính thức trong tuân thủ pháp luật.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị; trường hợp không giải quyết được thì phải có văn bản giải thích, thông tin trả lời rõ ràng cho doanh nghiệp được biết; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc…

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, tính đến ngày 8/12/2021, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành 27 nghị định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 quyết định (tính cả các đề án đã trình từ năm 2020 chuyển sang); ban hành theo thẩm quyền 100 thông tư. Qua rà soát, các văn bản đã thực hiện cắt giảm triệt để các chi phí không hợp lý trong tuân thủ các quy định pháp luật, ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp…

Năm 2021, tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện theo thẩm quyền, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng gần 140 nghìn tỷ đồng. Số tiền thuế được miễn, giảm cho doanh nghiệp, người dân theo các giải pháp tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ước tính là gần 20 nghìn tỷ đồng; số tiền được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 3 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh việc nỗ lực trên các mặt công tác để cải thiện điểm số và duy trì thứ hạng Chỉ số tuân thủ pháp luật, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đối với ngành Tài chính.

Là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, các lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ với các bộ, ngành khác, do vậy, việc giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật sẽ phải thực hiện trên diện rộng, đồng loạt trên nhiều lĩnh vực và bởi nhiều bộ, ngành khác nhau thì mới đạt được kết quả.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp nên một số chương trình công tác về tuyên truyền phổ biến pháp luật trong lĩnh vực tài chính còn gặp nhiều khó khăn, chưa triển khai được đúng kế hoạch xây dựng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đã chủ động triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1./.